Ngành tôm Bình Thuận: Lợi thế từ tôm giống công nghệ cao

Chưa có đánh giá về bài viết

Hiệp hội Tôm Bình Thuận vừa tổ chức Đại hội nhiệm kỳ II (2015 – 2020). Đại hội nhận định, Hiệp hội mới ra đời nhưng đã có nhiều đóng góp quan trọng thúc đẩy ngành sản xuất tôm giống phát triển.

Tôm giống là lợi thế

Sản xuất tôm giống là lợi thế của tỉnh Bình Thuận; nhưng trước đây các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tôm giống phải “tự bơi” trước thị trường đầy rủi ro, biến động. Ngày 10/3/2011, Hiệp hội Tôm Bình Thuận được thành lập trong điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn. Tuy vậy, nhờ quy tụ được những người giàu tâm huyết vào Ban chấp hành, Hiệp hội đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, đóng góp những ý kiến sát thực giúp cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương hiểu rõ hơn những bất cập lâu nay trong sản xuất tôm giống, từ đó có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.

Ông Trương Hữu Thông, nguyên Chủ tịch Hiệp hội nhiệm kỳ I, nhìn nhận: Hiệp hội là tổ chức duy nhất đại diện những người sản xuất tôm giống của cả nước, đóng góp ý kiến sát thực đưa ngành tôm phát triển theo hướng bền vững. Yếu tố không kém phần quan trọng mà Hiệp hội đã làm trong 5 năm qua là đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật, giúp ngành nuôi tôm giống Bình Thuận phát triển theo hướng công nghệ cao. Nhiệm kỳ qua, Hiệp hội chủ động tổ chức 3 cuộc hội thảo khoa học chuyên ngành; qua đó tìm được nhiều giải pháp mới, thúc đẩy ngành tôm giống trong tỉnh nói riêng, cả nước nói chung phát triển.

Ban chấp hành Hiệp hội Tôm Bình Thuận nhiệm kỳ 2015 – 2020 – Ảnh: Nguyễn Tùng

Ông Huỳnh Thanh Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, nêu rõ: Hoạt động hiệu quả đã giúp Hiệp hội ngày cành lớn mạnh, thu hút nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tôm giống tham gia. Đầu nhiệm kỳ, Hiệp hội chỉ có 27 hội viên; cuối nhiệm kỳ tăng lên 43. Hội viên Hiệp hội chiếm 80% cơ sở sản xuất tôm giống toàn tỉnh. Sản lượng tôm giống của Hiệp hội hằng năm đạt khoảng 20 tỷ con, chiếm gần 80% sản lượng tôm giống toàn tỉnh, 20% sản lượng tôm giống cả nước, được khách hàng đánh giá cao về uy tín, chất lượng. Sự ra đời Hiệp hội góp phần đáng kể làm nên thắng lợi của ngành nông nghiệp Bình Thuận thời gian qua.

 

Tháo gỡ vướng mắc

Đại hội ghi nhận những ý kiến xác đáng, nhìn thẳng vào một số hạn chế cần được tháo gỡ trong thời gian tới. Ông Trần Hậu Điển, Phó Chủ tịch Hiệp hội nhiệm kỳ II bày tỏ: Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, ngành tôm giống đón nhận những cơ hội lớn, những cũng đứng trước không ít thách thức. Các vấn đề về môi trường, sự cạnh tranh và thị trường tiêu thụ vẫn tiềm ẩn rủi ro. Các mô hình sản xuất lâu nay chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ; Hiệp hội chưa làm hết vai trò bảo vệ quyền lợi, tạo điều kiện cho các thành viên phát triển sản xuất; ý thức chấp hành quy định về sản xuất và tiêu thụ tôm giống của một số cơ sở chưa cao…, là những vấn đề Hiệp hội cần sớm nhận ra để có biện pháp khắc phục kịp thời.

Bình Thuận đang xây dựng quy hoạch nuôi tôm giống và phát triển du lịch, để khai thác lợi thế hai ngành này, dự kiến cuối năm 2015 hoàn thành. Khi đó, vai trò Hiệp hội trong công tác tuyên truyền, chuyển giao kỹ thuật, định hướng thị trường tiêu thụ sản phẩm  là rất quan trọng. Ông Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thủy sản Nam Miền Trung, Chủ tịch Hiệp hội nhiệm kỳ II, nêu chiến lược phát triển: Hiệp hội mở rộng phạm vi hoạt động, vận động kết nạp thêm hội viên sản xuất tôm thương phẩm và đổi tên thành Hiệp hội tôm Bình Thuận. Những năm tới, tiếp tục đẩy mạnh vai trò của Hiệp hội, đưa ngành tôm Bình Thuận phát triển theo hướng công nghệ cao và bền vững.

Đề cập vấn đề bảo vệ uy tín thương hiệu tôm giống Bình Thuận, ông Nguyễn Hoàng Anh cho hay: Hiện nay, một số nơi sản xuất, kinh doanh Nauplius và tôm giống bố mẹ không có nguồn gốc xuất xứ. Vấn nạn gian lận thương mại, thu gom tôm giống kém chất lượng, làm giả bao bì, nhãn mác… chưa được xử lý triệt để làm ảnh hưởng lớn đến uy tín, thương hiệu những công ty làm ăn chân chính. Tình trạng gia hóa tôm bố mẹ chưa được giám sát chặt, chưa thực hiện đúng với điều kiện sinh học cho phép, dẫn tới chất lượng tôm giống chưa cao, đồng thời tạo sự cạnh tranh không lành mạnh đối với các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội. Những vấn đề trên làm ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và uy tín, thương hiệu Tôm giống Bình Thuận, Hiệp hội xét thấy cần phải kiến nghị các bộ, ngành liên quan để bảo vệ ngành tôm giống phát triển bền vững, bảo vệ quyền hợp pháp cho hội viên. Hiệp hội dự kiến lập “Quỹ phát triển tôm giống”, tạo nguồn tài chính dồi dào hỗ trợ các hội viên vay vốn khi gặp khó khăn, rủi ro. Cùng đó, tổ chức kiểm soát giá thức ăn, thuốc thú y, sẵn sàng “tẩy chay” những công ty trục lợi mùa vụ để tăng giá, đặc biệt là bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ảnh hưởng đến quyền lợi của hội viên. Hiệp hội cũng thường xuyên phổ biến kỹ thuật nuôi, cách thức sản xuất, kinh doanh, quản lý hiệu quả để hội viên cùng phát triển.

>> Trăn trở lớn nhất của Hiệp hội là khắc phục khó khăn hiện tại để xây dựng và phát triển tôm giống Bình Thuận thành trung tâm tôm giống chất lượng cao của cả nước, sản xuất theo hướng công nghệ cao, hiệu quả, bền vững.

Anh Tùng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!