(TSVN) – Không năm nào ngành tôm không gặp phải khó khăn, thậm chí khó khăn năm sau gần như lúc nào cũng cao hơn năm trước và năm 2024 cũng không là ngoại lệ. Đó là lý do vì sao ngành tôm rất cần có sự đồng hành của tất cả các bên liên quan hơn lúc nào hết, để có thể vượt qua khó khăn, vững bước về đích theo đúng mục tiêu kỳ vọng đã đề ra.
Đề nghị Cục Thủy sản tăng cường quản lý và kiểm soát chất lượng giống tôm; tổ chức kiểm tra, đánh giá, chứng nhận đủ điều kiện cho cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm, cơ sở sản xuất thức ăn, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường trong NTTS; xử lý nghiêm các cơ sở không tuân thủ quy định. Có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và người nuôi tôm tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi, tối ưu hóa chuỗi sản xuất để giảm giá thành sản phẩm. Về phía hiệp hội ngành hàng, cần quan tâm xây dựng các vùng nuôi liên kết một cách chặt chẽ; nhân rộng các mô hình, chuỗi sản xuất hiệu quả; giữ vững và phát triển thị trường đầu ra, đấu tranh với các rào cản kỹ thuật... Doanh nghiệp và người nuôi tôm xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các điều kiện để chủ động sản xuất trong bối cảnh và tình hình mới của ngành tôm trong nước và toàn cầu.
Năm 2024 được dự báo là năm tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức đối với ngành tôm, do đó, để đạt được kỳ vọng bứt phá, ngành tôm rất cần sự chung tay của các bên. Vì vậy, ngành tôm cần tập trung phát triển nuôi tôm và các khâu trong chuỗi sản xuất tôm theo hướng công nghệ cao, ứng dụng kỹ thuật, khoa học công nghệ tiên tiến, phù hợp, hiệu quả với từng phương thức nuôi, từng điều kiện thực tế của người nuôi. Các địa phương cần chú trọng công tác tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác để thuận lợi trong việc tạo liên kết chuỗi và thực hành sản xuất theo các chứng nhận của thị trường. Đối với diện tích nuôi tôm sú quảng canh, quảng canh cải tiến, nuôi sinh thái, hữu cơ, cần chú trọng đưa khoa học kỹ thuật vào nhằm tăng năng suất và hiệu quả cho người nuôi.
Con tôm nói riêng và thủy sản nói chung là ngành kinh tế chủ lực của Cà Mau, nên tỉnh rất quan tâm đến lĩnh vực này. Theo đó, tỉnh sẽ tiến hành rà soát, hoàn thiện phương án quy hoạch phát triển ngành tôm; phối hợp với các địa phương rà soát tình hình thực tế để xây dựng kế hoạch nâng cao năng suất tôm nuôi; tập trung phát triển nuôi tôm sinh thái, hữu cơ, tôm - lúa có chứng nhận gắn với liên kết, nâng cao giá trị gia tăng; nghiên cứu tìm giải pháp giảm giá thành, nâng cao hiệu quả mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, xem đây là giải pháp đột phá về sản lượng. Vấn đề quan trọng hiện nay là tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn gắn với các tiêu chuẩn chứng nhận để đưa khoa học kỹ thuật vào nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Sóc Trăng đã xác định thủy sản mà chủ lực là con tôm là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Chính sự quan tâm đó mà tỉnh đã ban hành Nghị quyết về phát triển tôm nước lợ đến 2025 và tầm nhìn đến 2030. Vì vậy, trong quá trình chỉ đạo, điều hành tỉnh cũng đã giao ngành nông nghiệp là đơn vị nòng cốt trong quản lý chuỗi sản xuất này để có hướng dẫn, cảnh báo về môi trường, dịch bệnh, thời tiết, con giống... Tỉnh cũng luôn tạo điều kiện cho các cơ sở, trại giống, công ty giống phát triển nguồn giống tốt ngay trên địa bàn tỉnh. Chính sự đồng hành này của tỉnh đã giúp ngành tôm không ngừng phát triển. Ngoài ra, để hạn chế tình trạng con giống kém chất lượng ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo Sở NN&PTNT tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống, vật tư đầu vào khác, kể cả nguồn giống nhập.
Với tôi, luôn mong muốn đứng ở cương vị của người nuôi tôm, có cùng mong muốn của người nuôi tôm. Chúng ta đã đầu tư đến nơi đến chốn cho nghề nuôi rồi nhưng còn một chút kẻ hở về mặt đầu tư, về mặt công nghệ, khoa học kỹ thuật... mà chúng ta chưa phản ứng kịp dẫn đến thiệt hại. Như Nam Miền Trung, với công suất 20 tỷ post/năm đã đầu tư hàng trăm xe chuyên dụng chỉ để vận chuyển tôm giống, không được vận chuyển thứ gì khác. Với Nam Miền Trung, các công ty nước ngoài chính sách như thế nào thì chúng tôi còn làm tốt hơn thế nữa, mà việc đầu tư đội ngũ xe chuyên dụng vận chuyển tôm giống đến người nuôi là một minh chứng. Gắn bó với ngành tôm từ năm 1998 đến giờ, tôi không chỉ trăn trở mà còn hiểu lý do vì sao thành công, vì sao thất bại.
Năm 2023, người nuôi tôm đối mặt với “4 tăng, 1 giảm” ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất. Đó là: đầu năm 2023 con giống bắt đầu tăng 5 - 10 đồng/con tùy theo công ty; thứ hai là thức ăn tăng 1.200 - 2.000 đồng/ kg trong tháng 1/2023; thứ ba là thuốc thú y thủy sản tăng từ 10 - 15%; thứ tư là giá điện tăng lúc cao điểm lên đến 20 - 30%. Do đó, để giúp người nuôi yên tâm sản xuất, kiến nghị ngành chức năng cần có giải pháp bình ổn giá vật tư đầu vào; kiểm soát các cơ sở sản xuất, ương dưỡng con giống trong tỉnh, con giống nhập từ ngoài vào tỉnh để kịp thời ngăn chặn nguồn giống kém chất lượng, giống không rõ nguồn gốc; tăng cường kiểm soát các đại lý, cơ sở sản xuất thuốc thú y thủy sản, vì hiện có nhiều mặt hàng được bày bán tràn lan nhưng hiệu quả phần lớn là không cao.
An Xuyên (Thực hiện)