(TSVN) – Ông Gorjan Nikolik, Trưởng bộ phận phân tích thủy sản của Rabobank nhận định: Sản lượng tôm của châu Á sẽ chỉ tăng trưởng nhẹ trong năm 2023 và giá tôm cũng khó có thể cải thiện nhiều so với mức hiện tại. Trái lại, các nhà sản xuất tôm ở Nam Mỹ vẫn được nhìn nhận có nhiều cơ hội.
Ông Gorjan Nikolik giải thích thêm, sự kết hợp của suy thoái kinh tế toàn cầu cùng tình trạng dư tôm trên thị trường đã khiến giá tôm giảm trong nửa cuối năm 2022 – phần lớn phù hợp với các dự báo đã được đưa ra trước đó. “Chỉ số giá TTCT tại Mỹ ở mức 4,4 USD/pound từ đầu năm cho đến tháng 3/2022, sau đó giảm xuống 4 USD/pound vào tháng 6/2022 và hiện chỉ còn 3,9 USD/pound. Trong khi thời điểm này năm ngoái là 4,6 USD/pound. Giá thức ăn chăn nuôi cũng tăng cao, hiện cao hơn khoảng 25% so năm 2019, gây khó khăn cho các nhà sản xuất”, ông lưu ý.
Các nhà sản xuất tôm châu Á sẽ phải đối mặt với một năm khó khăn sau 12 tháng đầy thử thách. Ông Nikolik cho biết: “Đầu năm 2021, các quốc gia sản xuất tôm đều mở rộng nguồn cung. Ấn Độ tăng 20% so năm 2020. Tuy nhiên, đầu năm 2022 lại phải đối mặt với các thách thức về thời tiết, dịch bệnh, chi phí thức ăn tăng mạnh ở Trung Quốc và Ấn Độ, nên dự kiến năm 2022 tốc độ tăng trưởng chung sẽ âm. Dịch bệnh như vi bào tử trùng Enterocytozoon hepatopenaei (EHP) và Hội chứng tôm chết sớm (EMS) liên tiếp xảy ra khiến chi phí sản xuất tăng cao, cộng thêm giá thức ăn tăng phi mã và giá tôm thấp đã khiến nhiều trang trại không có lãi nên lĩnh vực này đang dần bị thu hẹp”.
Nhà máy chế biến tôm tại Ecuador. Ảnh: Louis Harkell
Sản lượng tôm của Việt Nam ổn định. Indonesia đang tăng trưởng nhẹ, vì nước này hiện đang xuất khẩu phần lớn sang Mỹ. Tuy nhiên, ông cho rằng con số này cũng sẽ sớm suy thoái. Vì vậy, về tổng thể, châu Á – nơi chiếm 2/3 sản lượng tôm thế giới đang thực sự suy giảm, nhiều nông dân đang bỏ nghề hoặc giảm tỷ lệ thả nuôi. Đây là lần đầu tiên tổng sản lượng tôm châu Á sẽ giảm kể từ năm 2013 trong khi tôm là ngành tăng trưởng ổn định và đạt mức trung bình 4,7% trong thập kỷ qua hoặc lâu hơn.
Ông Nikolik gần đây cũng đã công bố kết quả khảo sát các nhà sản xuất của Liên minh Thủy sản Toàn cầu tại Hội nghị GOAL. Dù trong khảo sát đã nhìn thấy một số kết quả hứa hẹn, song ông lại cho rằng, thực tế còn rất nhiều thách thức. Những người trả lời khảo sát của GOAL có xu hướng đưa ra nhận định triển vọng tích cực cho năm 2023. Họ cho rằng, Trung Quốc sẽ quay trở lại như một nhà sản xuất và một thị trường tiêu thụ lớn đối với mặt hàng tôm trong năm 2023.
Các ý kiến trong cuộc khảo sát cũng chỉ ra những tác động của lũ lụt và việc đóng cửa nhà hàng liên tục do dịch COVID-19 bùng phát đối với sản xuất và tiêu thụ tôm trong năm 2022 nhưng hầu hết những người được hỏi đều cho rằng, điều này sẽ không lặp lại vào năm 2023. Người tham gia khảo sát cũng dự đoán, Trung Quốc sẽ tăng trưởng 9% trong năm 2023, cùng với sự tăng trưởng của Ecuador. Điều này là có thể nếu tất cả dịch vụ thực phẩm ở Trung Quốc mở cửa trở lại hoàn toàn năm 2023; tuy nhiên, nhu cầu tôm sẽ tăng nhiều hơn. Dự báo Ecuador sẽ xuất khẩu khoảng 700.000 tấn tôm sang Trung Quốc trong năm 2023; trong khi đó, Trung Quốc sẽ tiêu thụ khoảng 800.000 – 900.000 tấn nội địa.
Ông Nikolik lại dự đoán một năm 2023 khó khăn cho thị trường châu Á. “Tôi không nghĩ các nền kinh tế châu Á sẽ được tách biệt hoàn toàn với suy thoái ở phương Tây. Hiện tại cũng rất khó để dự đoán tiêu thụ dịch vụ thực phẩm của Trung Quốc vì nó không phụ thuộc vào dữ liệu kinh tế vi mô mà phụ thuộc vào COVID: Chỉ cần một vài trường hợp mắc COVID ở Thượng Hải và Chính phủ sẽ áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt”, ông nói.
Trong khi đó, nhu cầu tôm tại châu Âu và Mỹ đã hạ nhiệt trong nửa cuối năm nay. Ông Nikolik nhận xét: “Tôi nhận thấy một điểm uốn ở Mỹ vào mùa hè – tăng trưởng đã ở mức 2 con số trong nửa đầu năm 2022, nhưng hiện tại đã âm 2 con số. Doanh số bán tôm trong tháng 8/2022 thấp hơn 20% so tháng 7 trước đó”.
Bất chấp sự sụt giảm tại thị trường Mỹ, doanh số bán tôm của Ecuador vẫn tăng lên, ngay cả trong tháng 8/2022, tăng 1,6%. Ông Nikolik lưu ý: “Ecuador có lợi thế hơn so với các nước châu Á tại thị trường Mỹ bởi quốc gia này đã có tôm giá rẻ an toàn sinh học, có tuyến đường vận chuyển thuận lợi và lợi thế thị trường đáng kể khi xuất khẩu sang Mỹ. Đồng thời ngành tôm Ecuador cũng đã đầu tư vào các thiết bị chế biến cần thiết để đa dạng sản phẩm, trừ những sản phẩm chế biến quá phức tạp”.
Nhìn chung, tổng sản lượng tôm của Ecuador năm 2023 sẽ cao hơn 30% so năm 2022, có thể sẽ đạt 1,3 triệu tấn. Và dự kiến quy mô tăng trưởng sản lượng của nước này sẽ còn tiếp tục. “Trong năm 2023, chúng ta có thể sẽ thấy mức giá tương đối yếu trong suốt cả năm. Chi phí thức ăn có thể sẽ tốt hơn một chút vì tôi nghĩ đã đạt đỉnh rồi, nhưng vẫn không đủ tốt hơn để cho phép các nhà sản xuất châu Á phát triển”, ông cho biết thêm. Trên toàn cầu, dự kiến ngành tôm sẽ tăng trưởng 6 – 7% trong năm nay nhưng chỉ đạt 3% vào năm 2023.
Phương Ngọc
Theo Thefishsite