(TSVN) – Năm 2023, ngành tôm nước lợ vượt qua nhiều khó khăn, nuôi đạt diện tích 737.000 ha, sản lượng 1.120.000 tấn và xuất khẩu 3,4 tỷ USD. Tuy nhiên, tình trạng nuôi nhỏ lẻ vẫn là thách thức lớn đối với sự phát triển của cả ngành trong năm nay và nhiều năm nữa, thể hiện ở hai con số sau.
Hết năm 2023, Cục Thủy sản tổng hợp báo cáo của 28 tỉnh có nuôi tôm nước lợ cho biết, tổng số cơ sở nuôi tôm thuộc diện phải đăng ký để được cấp mã số nhận diện (Giấy xác nhận đăng ký nuôi) là 346.400 cơ sở. Trong đó, mới có 80.120 cơ sở đăng ký cấp mã số (chiếm 23,1% số cơ sở phải đăng ký) và đã được cấp mã số 60.440 cơ sở (chiếm 17,4% số cơ sở cần được cấp mã số). Còn 19.680 cơ sở đã đăng ký nhưng chưa đủ điều kiện hồ sơ để cấp mã số (chiếm 5,7% số đã đăng ký), tỷ lệ này cao hơn năm 2022 (chỉ 3,3%).
Nuôi tôm bảo vệ hệ sinh thái cũng cần có mã số nhận diện để thuận lợi ra thị trường
Những tỉnh có tỷ lệ cao về số cơ sở chưa đủ điều kiện cấp mã số so với số phải đăng ký là Bến Tre 88,6% (với 5.371 cơ sở chưa đủ điều kiện trên số phải đăng ký 6.000 cơ sở); Khánh Hoà 64,1% (với 1.121/1.748 cơ sở); Quảng Ngãi 50% (với 1.000/2.000 cơ sở).
Bốn tỉnh có tổng số cơ sở thuộc diện phải đăng ký để được cấp mã số nhận diện lớn nhất nước ta là là Cà Mau 160.212 cơ sở, Bạc Liêu 49.740 cơ sở, Sóc Trăng 41.198 cơ sở, Kiên Giang 29.836 cở sở. Tỷ lệ cơ sở đã được cấp mã số nhận diện ở 4 tỉnh này: Cao nhất là Kiên Giang với 95,2% (đã cấp 28.426 cơ sở), kế đến Bạc Liêu 30,2% (đã cấp 15.010 cơ sở), Sóc Trăng 9,2% (đã cấp 3.809 cơ sở), cuối cùng là Cà Mau 5,9% (đã cấp 9.442 cơ sở).
Theo Cục Thủy sản, kết quả cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi tôm nước lợ mới đạt 17,4% là rất thấp so với yêu cầu, đang dẫn đến khó khăn trong truy xuất nguồn gốc đáp ứng yêu cầu của thị trường, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU. Công tác xác nhận đăng ký nuôi và cấp mã số cơ sở nuôi tôm thực hiện theo quy định của Luật Thủy sản 2017, được triển khai thực hiện từ năm 2019 để phục vụ công tác quản lý nhà nước trong chỉ đạo sản xuất, và nhất là đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng ở các thị trường.
Kết quả rất thấp trên, theo Cục Thủy sản do 2 nguyên nhân: Nuôi nhỏ lẻ và vướng mắc về thủ tục đất đai. Số cơ sở nuôi nhỏ lẻ chiếm đa số, người dân chưa nhận thức và chưa hiểu rõ mục đích của việc đăng ký, cấp mã số. Nhiều cơ sở nuôi tôm không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng giao, cho thuê đất/mặt nước để nuôi trồng thủy sản theo quy định. Cục Thủy sản kiến nghị: Bộ NN&PTNT hướng dẫn và chỉ đạo địa phương tổ chức triển khai quyết liệt hơn nữa các quy định, UBND tỉnh/thành phố xử lý các vướng mắc để tạo thuận lợi cho người nuôi tôm thực hiện đăng ký.
Hợp tác xã nông nghiệp Cái Bát liên kết với Công ty Minh Phú nuôi tôm tiêu chuẩn ASC phục vụ xuất khẩu
Báo cáo mới đây của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn thuộc Bộ NN&PTNT cho biết, các hợp tác xã thực hiện liên kết chuỗi tôm mới được 19,68% giá trị sản xuất. Một kết quả rất thấp của mục tiêu khắc phục tình trạng nhỏ lẻ để làm ăn lớn, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành tôm.
Số liệu cụ thể: Tham gia liên kết chuỗi tôm đang có 208 hợp tác xã với 136 doanh nghiệp và 58.314 nông hộ thực hiện sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Tổng số chuỗi liên kết theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP được hình thành trong ngành tôm là 49 chuỗi. Tổng diện tích liên kết chuỗi tôm là 6.922 ha. Tổng sản lượng liên kết chuỗi tôm là 25.291 tấn.
“Giá trị sản phẩm sản xuất có liên kết 179.450 triệu đồng. Tổng giá trị sản phẩm tôm được sản xuất là 912.000 triệu đồng. Tỷ lệ giá trị sản phẩm tôm được sản xuất với các hình thức liên kết là 19,68%”, báo cáo viết.
Báo cáo giới thiệu 3 mô hình hợp tác xã nổi bật đang tham gia chuỗi tôm ở ĐBSCL. Thứ nhất là Hợp tác xã Artemia Vĩnh Châu ở xã Vĩnh Trạch Đông (thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu): Có trứng Artemia chất lượng cao xuất đi nhiều nước, liên kết 5 hợp tác xã khác tổ chức nuôi tôm tuần hoàn khép kín bằng công nghệ sinh học để sản xuất tôm sạch trên 250 ha, cho lợi nhuận ổn định. Thứ hai là Hợp tác xã nông nghiệp Cái Bát ở xã Hòa Mỹ (Cái Nước, Cà Mau): Liên kết với Công ty Minh Phú nuôi tôm tiêu chuẩn ASC phục vụ xuất khẩu với gần 100 ha, đạt hiệu quả cao. Thứ ba là Hợp tác xã thủy sản Tân Phát Lợi ở ấp Tân Lập, xã Tân Ân Tây (Ngọc Hiển, Cà Mau): Nuôi 500 ha ký hợp đồng liên kết với doanh nghiệp sản xuất, chế biến sản phẩm OCOP và tiêu thụ, đảm bảo lợi nhuận cho các thành viên trung bình 550 triệu đồng/năm.
Các điển hình nhiều năm nay vẫn khó nhân rộng. Nhằm tạo đà thúc đẩy phát triển, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đang đề nghị xây dựng thí điểm Trung tâm Logistic của Hợp tác xã ở tỉnh Sóc Trăng. Trung tâm có Hợp tác xã thủy sản Phú Hưng liên kết với khoảng 13 hợp tác xã nuôi tôm đảm bảo truy xuất nguồn gốc, từ đó kêu gọi doanh nghiệp đầu tư để nâng cao giá trị ngành tôm trên địa bàn.
Sáu Nghệ