Ngành tôm Thái Lan lạc quan

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Bất chấp những lo lắng về dịch bệnh, khó khăn của nền kinh tế Mỹ, châu Âu và thiên tai ngày càng nhiều. Chủ tịch Hiệp hội tôm Thái Lan Somsak Paneetatyasai vẫn lạc quan dự đoán, ngành tôm Thái Lan trong năm 2012 sẽ tăng trưởng ít nhất 10% cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu.

Dự báo tăng 10%

Theo Hiệp hội tôm Thái Lan, sản lượng tôm toàn cầu năm 2011 ước đạt 2,335 triệu tấn, giảm nhẹ so với mức sản lượng 2,35 triệu tấn trong năm 2010. Trong đó, sản lượng tôm nuôi của Thái Lan đạt 600.000 tấn, giảm 6% so với mức 640.000 tấn năm 2010.

 

Thái Lan là đối thủ cạnh tranh chính của tôm Việt Nam trên thị trường Mỹ

 

11 tháng đầu năm 2011, Thái Lan đã xuất khẩu 361.460 tấn tôm, giảm 7,87% so với cùng kỳ năm 2010, nhưng lại tăng 9,78% về giá trị, lên mức 101,13 tỉ Bath, so với mức 100,94 tỷ Bath năm 2010.

Sản lượng suy giảm chủ yếu do lũ lụt nghiêm trọng diễn ra vào cuối năm 2010, đầu năm 2011 tại khu vực miền Nam nước này và mưa lớn, kèm không khí lạnh tại các khu vực miền Trung và Đông trong nửa cuối năm 2011.

Tuy nhiên, theo ông Somsak Paneetatyasai – Chủ tịch Hiệp hội Tôm Thái Lan, 2012 là năm tăng trưởng tốt cho ngành tôm Thái Lan do nhu cầu thế giới đối với tôm vẫn mạnh và mức giá hiện tại rất hợp túi tiền của người tiêu dùng. Dự đoán ngành tôm Thái Lan sẽ tăng trưởng ít nhất 10% cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra nếu dịch bệnh không bùng phát như năm 2011 và nông dân tuân thủ các kế hoạch quản lý mùa vụ.

 

Thận trọng

Mặc dù tin tưởng vào sự tăng trưởng khả quan của ngành tôm Thái Lan trong năm 2012 nhưng ông Somsak Paneetatyasai cũng đưa ra những cảnh báo. Trước hết là các rào cản phi thuế ngày càng tăng tại các nước nhập khẩu trong bối cảnh kinh tế thế giới yếu. Những vấn đề cần đặc biệt quan tâm là thuế chống bán phá giá tại thị trường Mỹ và hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP) tại châu Âu. Hiện, mức thuế chống bán phá giá mà Mỹ áp dụng cho tôm Thái Lan là 0,73%, thấp hơn nhiều so với mức thuế 6% hồi năm 2004, khi Mỹ bắt đầu áp dụng thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm tôm từ Thái Lan để bảo vệ ngành tôm nội địa.

 

Tôm thẻ chân trắng đông lạnh của Thái Lan

 

Tuy nhiên, các nhà chức trách Mỹ lại đang xem xét lại thuế chống bán phá giá đối với tôm nhập khẩu. Các nhà xuất khẩu tôm Thái Lan hy vọng mức thuế sẽ được cắt giảm xuống dưới 0,5%, mức thuế được xem là phi thuế trong thực tế. Quyết định này có thể ảnh hưởng đến thị trường Mỹ, chiếm đến 46% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của Thái Lan.

Bên cạnh đó, việc thị trường EU cũng đang trong quá trình xem xét lại các quy định GSP, lên kế hoạch giảm số nước được hưởng đặc quyền thương mại này. Thái Lan có thể sẽ là một trong số các nước nằm trong kế hoạch cắt giảm đó. Tôm tươi Thái Lan hiện đang chịu mức thuế GSP 4,2% và tôm chế biến ở mức thuế 7%. Mức thuế này có thể tăng lên 20% đối với tôm chế biến và 12% đối với tôm tươi nếu các nhà chức trách Thái Lan thất bại trong việc thuyết phục các nhà đồng cấp EU giữ GSP cho tôm Thái Lan. EU chiếm 16% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của Thái Lan trong năm 2010.

Quan trọng hơn, một trong những lo ngại lớn nhất của ngành là virus IMNV lan rộng được phát hiện tại Indonesia và Brazil. Thái Lan may mắn không bị dịch bệnh lan rộng nhưng vẫn phải kiểm soát chặt chẽ tôm nhập khẩu để tránh dịch bệnh.       

>> Năm 2011, xuất khẩu tôm Thái Lan sang Mỹ đạt 185.132 tấn, giảm 8,3% so với năm 2010. Trong đó, xuất khẩu tôm nguyên liệu đạt 191.267 tấn, trị giá 50,180 tỉ bath (1,5 tỷ USD) trong khi xuất khẩu tôm chế biến là 190.788 tấn, trị giá 57,797 tỉ bath (1,73 tỉ USD).

Hồng Thắm

                Theo Bangkokpost

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!