(TSVN) – Ngành tôm thế giới 2022 được nhìn nhận là một năm “bội thu”, dù một số quốc gia sản xuất tôm chính vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Cùng nhìn lại toàn cảnh ngành tôm toàn cầu năm qua từ nuôi trồng, con giống, thức ăn cho đến thị trường và tiêu thụ.
Hiện chưa có thống kê đầy đủ về sản lượng tôm thế giới trong năm 2022, tuy nhiên, dựa trên số liệu đến thời điểm hiện tại, dự kiến sản lượng tôm toàn cầu sẽ tăng 4% sau mức tăng 11,5% vào năm 2021, đạt 5,6 triệu tấn. Phần lớn sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi Ecuador, dự kiến tăng 18% so năm trước. Trong khi đó, sản lượng tôm của Ấn Độ dự kiến giảm do dịch bệnh, thời tiết, chi phí thức ăn và giá giảm. Nhà phân tích cấp cao của Rabobank Gorjan Nikolik cho biết, sản lượng tôm của Ấn Độ tăng 11% trong năm 2021 nhưng dự kiến sẽ giảm 4,7% trong năm 2022.
Bên cạnh đó, đang có một sự chuyển dịch mạnh mẽ về loài tôm nuôi. Nhiều quốc gia sản xuất tôm ở châu Á đang quay trở lại với tôm sú và rời bỏ TTCT – loại tôm đang rất dễ mắc bệnh và chi phí nuôi ngày càng tăng. Phó Chủ tịch cấp cao của Charoen Pokphand Foods (CPF) Robins McIntosh cho biết, sản lượng tôm sú tăng lên 546.00 tấn trong năm 2021, từ mức 382.000 tấn hồi năm 2019. Tuy nhiên liệu thị trường có sẵn sàng tiêu thụ một nguồn cung tăng lên với mức giá cao hơn vẫn là dấu chấm hỏi.
Thiếu hụt nguồn TTCT bố mẹ chất lượng cao và phụ thuộc vào nhập khẩu là nỗi lo của nhiều quốc gia sản xuất tôm trên thế giới, trong đó có Trung Quốc. Đầu tháng 8/2022, Cơ quan Quản lý Nông nghiệp tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc cho biết, các công ty trên địa bàn tỉnh vừa mới sản xuất thành công 2 giống TTCT mới là Haimao No.1 và Hisenor No.3. Hiện nhà quản lý ngành đã cấp phép lưu hành đối với 2 loại giống này.
Năm 2022, tôm là một trong những protein thủy sản được giao dịch nhiều nhất trên thế giới. Ảnh: Siam Canadian
Hãng sản xuất TTCT giống Haimao No.1 – Công ty Haimao Group đã mua lại Công ty tôm giống Primo của Mỹ và tung ra thị trường nội địa giống tôm ngoại có khả năng kháng bệnh cao, đồng thời phát triển thành công giống tôm mới đạt tỷ lệ sống cao. Trong khi đó, Công ty Hisenor No.3 dựa trên các nghiên cứu di truyền mà Công ty này đã thực hiện từ nhiều năm trước.
Với ước tính khoảng 600.000 con tôm bố mẹ được nhập khẩu vào năm 2020, cho đến nay Trung Quốc vẫn đang là thị trường TTCT bố mẹ lớn nhất thế giới. Những khởi đầu thành công trong lĩnh vực sản xuất TTCT giống đã cho thấy nỗ lực của các công ty Trung Quốc trong việc đạt mục đích nâng cao chất lượng sản phẩm tôm nội địa.
Cũng trong năm 2022, Công ty Evergreen ở Trạm Giang, Trung Quốc đã mở rộng hợp tác với Đại học Sun Yat-sen để phát triển giống tôm khỏe hơn có khả năng kháng một số bệnh phổ biến. Công ty Evergreen đang lên kế hoạch xin giấy cấp phép lưu hành sản phẩm này.
Thị trường thức ăn tôm toàn cầu đạt giá trị 6,1 tỷ USD năm 2021 và dự kiến sẽ tăng lên 9,45 tỷ USD trong năm 2022, tăng trưởng với tốc độ CAGR là 9,9% trong giai đoạn 2018 – 2022.
Thức ăn tôm được sản xuất để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của tôm nuôi. Nó hỗ trợ điều chỉnh mức độ đầy đủ của vitamin, khoáng chất, axit amin thiết yếu và axit béo trong tôm. Các thành phần phổ biến của thức ăn nuôi tôm bao gồm dầu cá, bột cá, bột mực, bột ngũ cốc và các chất phụ gia khác. Thức ăn nuôi tôm giúp cải thiện chu kỳ sản xuất, thu hoạch trên một đơn vị diện tích và lợi nhuận; đồng thời giảm ô nhiễm môi trường.
Một trong những yếu tố chính tác động đến sự tăng trưởng của thị trường thức ăn tôm toàn cầu là thay đổi mô hình chế độ ăn uống cùng với nhận thức về sức khỏe ngày càng tăng của người tiêu dùng. Điều này dẫn đến nhu cầu cao hơn đối với tôm khỏe mạnh, do đó ảnh hưởng tích cực đến việc mở rộng ngành sản xuất thức ăn tôm. Hơn nữa, việc thương mại hóa TTCT do nhu cầu mạnh mẽ từ cả các quốc gia đang phát triển lẫn các quốc gia phát triển cũng đã thúc đẩy nhu cầu này.
Tôm đã được hưởng lợi rất nhiều từ độ co giãn của nhu cầu theo thu nhập vì đây được xem là một sản phẩm tốt cho sức khỏe, cao cấp, tiện lợi. Báo cáo mới nhất của IMARC Group với tiêu đề “Thị trường tôm: Xu hướng, thị phần, quy mô, tăng trưởng, cơ hội và dự báo của ngành toàn cầu giai đoạn 2022 – 2027” đưa ra phân tích toàn diện về ngành cho biết, thị trường tôm toàn cầu đạt giá trị 62,8 tỷ USD vào năm 2021. Trong tương lai, Tập đoàn IMARC kỳ vọng thị trường sẽ đạt 84,2 tỷ USD vào năm 2027, đạt tốc độ CAGR là 4,8% trong giai đoạn 2022 – 2027. Với giá cả phải chăng, những lợi ích về giá trị dinh dưỡng như là một nguồn giàu phốt pho, chất chống ôxy hóa, protein, selen, đồng, sắt, magie, axit béo Omega-3, Vitamin B và D…, tôm vẫn là một trong những mặt hàng được ưa chuộng nhất trên toàn cầu.
Các quốc gia sản xuất tôm lớn nhất trên thế giới gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và Ecuador. Trong đó, Ecuador là một trong những nước xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới. Nhật Bản, Pháp, Tây Ban Nha, Mỹ, Trung Quốc và châu Âu là những thị trường tiêu thụ tôm lớn, trong đó Mỹ vẫn luôn là thị trường dẫn đầu.
Phương Ngọc
Tổng hợp