T2, 06/07/2020 10:01

Ngặt nghèo tiêu chuẩn Ethoxyquin 0,01 ppm

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Vừa qua, cơ quan chức năng của Nhật Bản cảnh báo về dư lượng Ethoxyquin trong tôm nhập khẩu. Tuy nhiên, Nhật Bản lại quy định mức Ethoxyquin khác nhau cho tôm xuất xứ các nước khác nhau, nhưng tôm Việt Nam hiện đang phải chịu mức ngặt nghèo nhất, chỉ 10 ppb (0,01 ppm).

150 ppm và 0,01 ppm

Được phát hiện vào thập niên 50 bởi Monsanto, Ethoxyquin được sử dụng như một loại chống ôxy hóa chất béo trong thức ăn thủy sản, chất bảo quản (E324) trong thức ăn chăn nuôi nhằm tăng tính ổn định các vitamin tan trong dầu, đảm bảo chất lượng của thức ăn chăn nuôi (FDA, 21 CFR 172.140).

Nhiều nước trên thế giới và cả Nhật Bản đều sử dụng chất này trong thức ăn thủy sản nói chung, thức ăn cho tôm nói riêng. Ngay tại Nhật Bản, theo VASEP, chất này được phép sử dụng trong thức ăn nuôi tôm với hàm lượng cho phép tối đa 150 ppm. Việc Nhật Bản cho phép sử dụng Ethoxyquin tới mức 150 ppm trong thức ăn nuôi tôm nội địa nhưng lại đưa ra mức quy định kiểm tra chặt chẽ 0,01 ppm đối với riêng sản phẩm tôm Việt Nam là hoàn toàn vô lý.

Quy định mức 0,01 ppm đối với chất Ethoxyquin của Nhật Bản cho tôm nhập khẩu từ Việt Nam liệu có công bằng  – Ảnh: Phan Thanh Cường

 

Bất công với tôm Việt Nam

Theo VASEP, các nước khác hiện áp dụng mức Ethoxyquin cao hơn rất nhiều so với mức mà Nhật Bản áp dụng đối với tôm Việt Nam, ví dụ như EU cho phép mức 150 ppb, Mỹ cho phép mức 75 ppb.

Ethoxyquin không chỉ được dùng trong thức ăn chăn nuôi và thức ăn thủy sản mà kể từ năm 1965 còn được đăng ký sử dụng như một loại thuốc trừ sâu tránh sự chuyển màu không mong muốn (thường bị chuyển sang màu nâu) đối với trái cây táo và lê, bằng cách phun trực tiếp trước và sau khi thu hoạch. Và hàm lượng quy định của các nước đối với việc sử dụng Ethoxyquin trong lĩnh vực này cũng hoàn toàn cao hơn rất nhiều.

Ethoxyquin được Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm (Codex) quy định dư lượng tối đa cho phép đối với quả lê là 3mg/kg; EU quy định cho hầu hết các loại trái cây là 0,05mg/kg, riêng lê là 3mg/kg; Nhật Bản cũng quy định Ethoxyquin đối với nhiều loại thực phẩm hơn, trong đó hầu hết trái cây dư lượng tối đa cho phép là 0,05mg/kg, các thực phẩm có nguồn gốc động vật là 0,3mg/kg, riêng thịt heo được Nhật Bản quy định 0,01mg/kg.

Bên cạnh đó, điều đáng nói là cho đến nay, chưa có bằng chứng nào cho thấy Ethoxyquin gây hại cho sức khỏe của con người.

 

Mỗi thị trường một khác

Theo một số thông tin cho biết, Nhật Bản quy định mức Ethoxyquin khác nhau cho tôm xuất xứ các nước khác nhau. Ba tháng trước, tôm Trung Quốc cũng bị Nhật cảnh báo chất Ethoxyquin, nhưng cho đến thời điểm này tôm Việt Nam hiện đang chịu mức ngặt nghèo nhất, chỉ 0,01 ppm.

Bên cạnh đó, hiện nay, phía Nhật Bản chỉ áp dụng kiểm tra Ethoxyquin đối với tôm Việt Nam, trong khi đó lại không thực hiện đối với tôm nhập khẩu từ các thị trường khác, đặc biệt là Thái Lan. Mặt khác, Chương trình giám sát an toàn thực phẩm năm 2012 của Nhật chỉ kiểm tra các chỉ tiêu như Chloramphenicol, Furazolidone, Trifluralin, Enrofloxacin, nhưng chưa có quy định kiểm tra chỉ tiêu Ethoxyquin.

Theo ông Trần Văn Lĩnh, Tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng), việc Nhật Bản đưa ra yêu cầu hàm lượng Ethoxyquin với tôm Việt Nam là một hàng rào kỹ thuật do phía Nhật Bản dựng lên vì Nhật Bản vẫn chưa áp dụng yêu cầu này với tôm nhập khẩu từ nhiều nước khác.

Ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký VASEP nhận định, với việc tăng cường kiểm soát này từ phía Nhật Bản, tôm Việt Nam sẽ gặp khó khăn hơn trong việc xâm nhập thị trường Nhật vốn đang có xu hướng tăng tiêu thụ các sản phẩm chế biến từ tôm của Việt Nam.

>> Ông Trần Văn Lĩnh, Tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng) cho rằng, cần có những buổi làm việc giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ Nhật Bản về vấn đề này. Theo đó, nếu Nhật Bản kiên quyết áp dụng quy định hàm lượng Ethoxyquin như đang làm với tôm Việt Nam thì cũng phải làm như vậy với tôm các nước khác. Hoặc nếu hàm lượng Ethoxyquin đối với tôm các nước khác cao hơn thì tôm Việt Nam cũng phải được như thế.

Sao Mai

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!