(TSVN) – Cách đây ít ngày, vụ việc 5 tàu cá ở Nghệ An bị cháy rụi đã gây thiệt hại hàng chục tỉ đồng, đẩy ngư dân vào cảnh trắng tay. Điều đáng nói là trong 5 tàu cá bị cháy đó thì chỉ có 1 tàu mua bảo hiểm.
Cụ thể, khoảng 20h30 ngày 28/7, tàu cá NA-99699.TS do ông Bùi Xuân Xin (xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu) làm chủ đang neo đậu tại cảng cá Lạch Quèn bất ngờ bốc cháy dữ dội. Ngay lập tức, người dân cùng lực lượng chức năng tại chỗ đã nỗ lực dập lửa, đưa các tàu cá khác đến nơi an toàn. Tuy nhiên, thời điểm xảy ra vụ cháy, các tàu neo đậu với mật độ dày đặc, lại gặp gió to khiến ngọn lửa lan nhanh sang các tàu bên cạnh.
Nguyên nhân vụ cháy được xác định do chập điện. Ảnh: ST
Hậu quả là 5 tàu cá bị phá hủy hoàn toàn, không thể khôi phục, thiệt hại lên tới vài chục tỉ đồng. Danh sách 5 tàu cá bị cháy gồm: Tàu NA-99699-TS của ông Bùi Xuân Xin, xã Quỳnh Long; tàu NA-97777-TS của ông Hồ Đình Việt, xã Sơn Hải; tàu NA-99919-TS của ông Đào Xuân Thắng, xã Sơn Hải; tàu NA-95656-TS của ông Trần Văn Đoàn, xã Sơn Hải và tàu NA-90636-TS của ông Trần Văn Tấn, xã Quỳnh Long. Trong số 5 tàu bị cháy, chỉ có tàu NA-95656-TS của ông Trần Văn Đoàn xã Sơn Hải có mua bảo hiểm còn 4 chủ tàu khác không mua. Trong khi đó, giá trị con tàu và thiết bị mỗi tàu cũng xấp xỉ hàng chục tỉ đồng. Đây là các tàu cá được hỗ trợ vay vốn theo Nghị định 67 để vươn khơi bám biển.
Sau vụ hỏa hoạn, UBND huyện Quỳnh Lưu trích kinh phí hỗ trợ mỗi gia đình chủ tàu 20 triệu đồng để khắc phục thiệt hại, Liên đoàn lao động tỉnh Nghệ An hỗ trợ mỗi chủ tàu 5 triệu đồng. Một số tổ chức, cá nhân khác cũng đã thăm hỏi, hỗ trợ ngư dân. Hiện nay, một số cơ quan, tổ chức đang kêu gọi chung tay hỗ trợ các chủ tàu cá bị thiệt hại trong vụ hỏa hoạn vừa qua.
Gần hai ngày nay, chủ tàu Bùi Xuân Xin vẫn choáng váng, nằm liệt trên giường. Chị Nguyễn Thị Thanh (vợ ông Xin) ngồi túc trực, an ủi chồng “của cải mất đi nhưng không thể để mất sức khỏe. Có sức khỏe thì mọi người lại chung tay làm lại”. Chị Thanh tâm sự: 6 năm trước gia đình vay mượn 3 tỷ đồng và cầm cố 4 sổ đỏ để vay ngân hàng 7 tỷ. Sau gần 6 năm đánh bắt trên biển họ mới trả được 2,8 tỷ đồng cho ngân hàng. Bây giờ tàu cháy, mọi vốn liếng đều mất trắng. Được biết 3 năm đầu Nhà nước có hỗ trợ mua bảo hiểm cho tàu, nhưng sau này, các chủ tàu phải tự bỏ tiền mua. Số tiền bảo hiểm hơn 70 triệu đồng/năm là quá lớn so với thu nhập nên rất ít người tham gia.
Theo ông Nguyễn Hữu Kỳ, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá Sơn Hải: việc chủ tàu không mua bảo hiểm sẽ phải đối diện với nguy cơ trắng tay, vỡ nợ nếu tàu gặp tai nạn, sự cố. Do đó, trong thời gian qua, nghiệp đoàn nghề cá và nhiều tổ chức thường xuyên tuyên truyền, vận động ngư dân mua bảo hiểm, nhưng kết quả không được là bao. Được biết, trong khoảng 100 tàu cá thuộc nghiệp đoàn nghề cá Sơn Hải, chỉ có khoảng 15 tàu mua bảo hiểm. Đây là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với ngư dân. Ông Kỳ nhấn mạnh: qua sự việc này, chúng tôi càng nhận thấy tầm quan trọng của bảo hiểm tàu cá và sẽ tiếp tục tuyên truyền ngư dân mua bảo hiểm.
Thực tế cho thấy, nhiều ngư dân chỉ mua bảo hiểm để đủ điều kiện vươn khơi mà chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc có bảo hiểm. Đây sẽ là “chiếc phao” hỗ trợ cho họ những lúc gặp tai nạn. Hiện nay, Chính phủ có 2 chính sách hỗ trợ bảo hiểm cho ngư dân. Theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tàu cá có hoạt động khai thác hải sản trên các vùng biển xa sẽ được hỗ trợ 50% phí bảo hiểm thân tàu và 100% phí bảo hiểm tai nạn thuyền viên.
5 tàu cá bị thiêu rụi, không thể sửa chữa. Những con tàu tiền tỷ giờ chỉ còn là đống tro tàn. Ảnh: ST
Theo Nghị định 67, Nhà nước sẽ hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm cho các tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ có tổng công suất máy chính từ 90 CV trở lên với các mức như: Hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho mỗi thuyền viên làm việc trên tàu; hỗ trợ hàng năm kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ trên mỗi tàu với mức 70% kinh phí mua bảo hiểm đối với tàu có tổng công suất từ 90 CV đến dưới 400 CV; 90% kinh phí mua bảo hiểm đối với tàu có tổng công suất từ 400 CV trở lên. Đây là những chính sách quan trọng nhằm hỗ trợ ngư dân kịp thời khắc phục rủi ro khi có tai nạn xảy ra, tiếp tục vươn khơi bám biển, phát triển sản xuất.
Khánh Nguyễn