(TSVN) – Tổng sản lượng thủy sản tháng 3 ước đạt 23.437 tấn, so với 263.000 tấn theo kế hoạch. Trong đó, khai thác thủy sản ước đạt 17.280 tấn; nuôi trồng thủy sản đạt 6.157 tấn); lũy kế tổng sản lượng thủy sản 3 tháng đầu năm 2024 ước đạt 56.156,1 tấn, đạt 21,35% so với kế hoạch năm.
Diện tích nuôi trồng thủy sản tháng 3 ước đạt 1.272 ha, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế 3 tháng đầu năm diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 18.595,5 ha, đạt 84,53 % so với kế hoạch (kế hoạch là 22.000 ha), tăng 3,02% so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất giống thủy sản tháng 3 ước đạt 446 triệu con; lũy kế 3 tháng đầu năm, sản xuất thủy sản ước đạt 712 triệu con.
Cá về bến Nghi Thủy, Cửa Lò, Nghệ An. Ảnh: CSCC
Trong những năm qua, các chính sách hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao vào nuôi trồng, Nghệ An đã ban hành Đề án hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ và lồng bè, nhằm từng bước chuyển dịch, cơ cấu lại ngành nghề thủy sản, giảm phụ thuộc vào khai thác. Nhờ vậy, Nghệ An là một trong những tỉnh có các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại vào nuôi tôm thâm canh.
Bên cạnh nuôi trồng, hoạt động khai thác cũng được tỉnh Nghệ An chú trọng. Hiện, Nghệ An có đội tàu khai thác gần 3.400 chiếc, trong đó, tàu cá từ 6 m trở lên thuộc diện phải đăng ký là 2.458 chiếc, bao gồm 1.355 tàu có chiều dài dưới 15m và 1.103 tàu từ 15m trở lên hoạt động dài ngày trên biển. Năm 2023, tổng sản lượng thủy sản đạt 278 ngàn tấn, trong đó, khai thác trên 207 ngàn tấn, tăng 107,9% so với kế hoạch năm. Nhờ được quan tâm đầu tư, hạ tầng hậu cần nghề cá của tỉnh ngày càng phát triển đầy đủ hơn. Ngoài 4 cảng: Cửa Hội, Lạch Vạn, Lạch Quèn và Quỳnh Phương đủ điều kiện công bố và thực hiện truy xuất nguồn gốc, tỉnh đã xây dựng được 5 âu tàu là nơi neo đậu, tránh, trú bão cho tàu, thuyền.
Tại Nghệ An, với nỗ lực lớn của cơ quan chức năng, hoạt động khai thác đã đi vào nề nếp, các vi phạm khai thác IUU ngày càng giảm. Tuy nhiên, vẫn còn đó tình trạng tàu “3 không” đi đánh bắt, tàu ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình VMS diễn biến phức tạp và tỉnh đang dồn sức xử lý.
Những năm gần đây, cùng với triển khai có hiệu quả Đề án hỗ trợ đầu tư đổi mới công nghệ chế biến, bảo quản hải sản tập trung, Nghệ An đang tích cực triển khai chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cho ngư dân lên bờ, giảm dần khai thác, khuyến khích các hoạt động khai thác theo hướng du lịch và bảo vệ môi trường sinh thái biển…
Ông Nguyễn Văn Đệ – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, ngành thủy sản cần xác định mục tiêu, đề ra các giải pháp hiệu quả để hoàn thành các nhiệm vụ đề ra. Trong đó, tập trung phát triển đội tàu khai thác hải sản xa bờ với các nghề chọn lọc, có giá trị kinh tế cao và thân thiện với môi trường; Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, đề án, dự án nhằm đưa Nghệ An trở thành trung tâm giống thủy sản của khu vực Bắc miền Trung và các tỉnh phía Bắc; Tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường; Đẩy mạnh hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm bền vững trong ngành Thủy sản, giúp người dân ổn định sản xuất và thu nhập.
Đặc biệt, cần triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp theo khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu nhằm đạt mục tiêu cùng với cả nước sớm gỡ bỏ cảnh báo “thẻ vàng” trong đợt thanh tra thứ 5 sắp tới…
Ngọc Diệp