T2, 06/07/2020 10:56

Nghệ An: Ngư dân Quỳnh Lưu kiên cường bám biển

Chưa có đánh giá về bài viết

Có mặt tại Quỳnh Lưu, một trong những trọng điểm đánh bắt hải sản của tỉnh Nghệ An, nhiều ngư dân Quỳnh Lưu cho biết mặc dù chưa vươn tới ngư trường Hoàng Sa (ngư dân Nghệ An chỉ đánh bắt từ vĩ độ 15,50 trở ra đến 200 vĩ bắc) nhưng ai nấy đều bày tỏ thái độ bất bình, phản đối việc làm ngang ngược, bất chấp đạo lý và luật pháp của phía Trung Quốc.

Vừa kết thúc chuyến biển về, anh em trên tàu NA – 94278 xóm Minh Sơn, xã Tiến Thủy cho biết:

Thông tin về vụ Trung Quốc đưa dàn khoan HD 981 vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam cũng như cách hành xử sau khi cơ quan chấp pháp Việt Nam ra thi hành nhiệm vụ đều được anh em và ngư dân theo dõi. Tuy nhiên, cách để bảo vệ chủ quyền biển đảo của bà con ngư dân vẫn là phải tích cực bám biển. Chẳng hạn, đối với ngư dân Tô Duy Linh ở thôn Đức Xuân, xã Tiến Thủy mặc dù có đôi chút lo lắng nhưng thay vì bàn tán thì anh và thuyền viên tranh thủ vệ sinh tàu thuyền sau chuyến biển, đồng thời chuẩn bị các nhu yếu phẩm, đá lạnh, nước ngọt để chuẩn bị ra khơi. Anh cho biết, các tháng trước, mỗi chuyến nghỉ 7 ngày nhưng nay do tình hình biển Đông đã phức tạp nên tháng này chỉ nghỉ 5 ngày và phải tranh thủ vươn khơi bám biển để đánh bắt cải thiện thêm thu nhập cho anh em.

Có thể nói, Tiến Thủy là một trong những xã có nghề đánh bắt cá trên biển lâu đời nhất nhì Quỳnh Lưu, cuộc sống người dân ở đây chủ yếu dựa vào biển cả. Những năm qua, cùng với việc đời sống được nâng cao thì người dân cũng mạnh dạn đầu tư, hoán cải phương tiện để đánh bắt ngày càng lớn hơn để vươn xa và dài ngày hơn. Ông Nguyễn Văn Kế, Chủ tịch Hội nghề cá xã Tiến Thủy cho biết: toàn xã có 331 chiếc thuyền, tổng công suất gần 60 ngàn mã lực và là một trong những xã có số lượng phương tiện đánh bắt nhiều nhất Quỳnh Lưu. Bên cạnh nhiệm vụ khai thác, mang lại thu nhập, phát triển kinh tế thì hoạt động vươn khơi bám biển là góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Hành động kiên quyết, khéo léo của lực lượng cảnh sát biển cũng như quan điểm xử lý của Đảng, Nhà nước ta khiến ngư dân cũng phần nào yên tâm và tiếp tục ra khơi, khai thác.

Ngư dân Quỳnh Long chuẩn bị đá lạnh cho những chuyến xa khơi. 

Ngư dân Quỳnh Long chuẩn bị đá lạnh cho những chuyến xa khơi.

Cùng với Tiến Thủy, Quỳnh Long là một trong những xã trọng điểm đánh bắt hải sản của Quỳnh Lưu. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Quang Vệ, Chủ tịch UBND xã cho biết: Trước diễn biến phức tạp của vụ đặt giàn khoan trên biển Đông, chúng tôi thường xuyên thông tin trên hệ thống truyền thanh để bà con ngư dân nắm bắt đầy đủ nội dung vụ việc. Khi gặp tàu thuyền nước ngoài, nhất là tàu thuyền Trung Quốc, cần ứng xử đúng với quan điểm của Đảng, Nhà nước, tránh các va chạm khiêu khích, báo kịp thời với cơ quan chức năng. Khuyến khích ngư dân bám biển làm chủ vùng đánh cá của mình nhưng khi đánh bắt vào vùng đánh cá chung của vịnh Bắc bộ thì phải tuân thủ Hiệp định nghề cá giữa 2 Chính phủ.

Ông Vệ cũng cho biết thêm, mặc dù ngư dân Quỳnh Lưu nói chung và Quỳnh Long nói riêng chưa vươn tới ngư trường nơi Trung Quốc đặt giàn khoan nhưng không vì thế mà địa phương mất cảnh giác. Trong thời gian chờ hướng dẫn của cấp trên, theo kế hoạch, xã đã phối hợp với Đồn biên phòng thường xuyên gặp gỡ động viên ngư dân vươn khơi bám biển, đối với các tàu đánh xa bờ, đã thành lập hàng chục tổ nhóm, mỗi nhóm từ 5 – 7 thuyền theo mô hình tiểu đội, trung đội dân quân để phòng ngừa rủi ro, hỗ trợ nhau khi có va chạm trên biển.

Thực tế, trong vòng 2 năm lại đây, mặc dù khó khăn về nguồn vốn nhưng ngư dân Quỳnh Long vẫn đóng mới hàng chục tàu thuyền công suất lớn. Trong tổng số 200 tàu thuyền, có 1 chiếc có công suất 750 mã lực, hàng chục chiếc có công suất từ 500 đến 550 mã lực và gần 80 tàu thuyền từ 300 – 400 mã lực thường xuyên hoạt động trên biển. Đang kỳ nghỉ trăng và chuẩn bị cho chuyến biển mới, anh Bùi Văn Ân, xóm Phú Thành cho biết: Ngày trước tàu thuyền của ngư dân xã đánh bắt xa bờ thỉnh thoảng đi vào vùng đánh cá chung đều bị tàu Trung Quốc kiểm tra rất gắt, thậm chí dùng vòi rồng xua đuổi. Theo anh, với diễn biến trên biển sau vụ dàn khoan hiện nay thì ngư dân đánh bắt xa bờ, nhất là vùng biển phía trong như ngư trường Hoàng Sa sẽ phải quyết tâm và cảnh giác hơn.

Hiện Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh và Đội Kiểm ngư tại Nghệ An đã có các chuyến công tác hướng dẫn, động viên ngư dân các huyện ven biển Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Cửa Lò bám biển để đánh bắt cá. Để bảo đảm an toàn, khi đánh xa bờ, bà con nên thành lập các nghiệp đoàn, hiệp hội để khai thác và hỗ trợ nhau; không nên quá lo lắng hoặc sợ va chạm với tàu lạ không ra biển mà ảnh hưởng đến đời sống, thu nhập.

Ông Trần Hữu Tiến, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Chủ tịch Hội nghề cá Nghệ An cho biết: Ngư dân Nghệ An cũng như cả nước cực lực phản đối và lên án hành vi bất chấp luật pháp quốc tế và Luật Biển năm 1982 của Liên Hợp quốc của Trung Quốc nhưng phải hành động tỉnh táo, thận trọng. Trong khi tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ phản đối, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam thì ngư dân phải tiếp tục ra khơi bám biển, khi gặp tình huống va chạm trên biển có yếu tố nước ngoài thì ứng xử đúng mực, đúng quy tắc trên biển Đông mà ngành cũng như Hiệp hội đã có tập huấn hàng năm cho chủ thuyền và thuyền viên. Đó là cách hiệu quả để người dân thể hiện lòng yêu nước; đồng thời góp phần thực thi và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.

Nguyễn Hải

Báo Nghệ An

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!