(TSVN) – “Cuộc chiến” chống khai thác IUU đang vào giai đoạn cao điểm với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm thực hiện thắng lợi Chương trình hành động của Chính phủ đề ra. Tỉnh Nghệ An cũng tích cực triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, để chung tay góp phần tháo gỡ “thẻ vàng” của EC.
Nghệ An hiện có 3.469 tàu cá, với tổng công suất 654.224 CV; trong đó, số tàu cá trên 12 m có 1.762 chiếc. Ngư dân Nghệ An đánh bắt hải sản bằng các nghề: Lưới rê, lưới chụp, lưới vây, lưới kéo và nghề câu. Với mục tiêu gỡ bỏ “thẻ vàng” của EC, trong năm 2023, tỉnh Nghệ An tiếp tục đôn đốc, quyết liệt hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, thực hiện đầy đủ đăng ký, đăng kiểm, cấp Giấy phép khai thác thủy sản. Song song đó, thường xuyên rà soát, cập nhật số lượng tàu cá địa phương vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia VNFishbase.
Các địa phương, đơn vị cũng thực hiện nghiêm túc, việc kiểm soát tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản từ khai thác, truy xuất nguồn gốc thủy sản. Đồng thời, theo dõi, lập danh sách các tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU; phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương để theo dõi, kiểm soát và xử lý tàu cá của tỉnh hoạt động trên địa bàn của tỉnh khác để ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi khai thác IUU.
Nghệ An hiện có 3.469 tàu cá đang hoạt động. Ảnh: Hồng Diện
Ông Cao Huy Nam, Phó phòng Thanh tra – Pháp chế, Chi cục Thủy sản, Sở NN&PTNT Nghệ An cho biết, tại địa phương, Chi cục Thủy sản thường xuyên phối hợp với các cơ quan, ban ngành kiểm tra, giám sát các phương tiện tàu thuyền của ngư dân trước khi ra khơi đánh bắt hải sản. Cùng đó, khi tham gia đoàn công tác của Cảnh sát Biển trực tiếp lên tàu cá để kiểm tra, nắm được thực trạng vấn đề chấp hành việc đánh bắt của ngư dân địa phương. Chi cục sẽ tiếp tục tham mưu cho Sở NN&PTNT, UBND tỉnh để phối hợp chặt chẽ hơn với các lực lượng chức năng, trong đó có Cảnh sát Biển để tiến hành xử lý cũng như phổ biến, tuyên truyền đến tất cả bà con ngư dân của địa phương hiểu và chấp hành đúng các quy định của pháp luật, đặc biệt là không vi phạm vùng biển nước ngoài.
Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành kế hoạch đón và làm việc với Đoàn thanh tra của EC; mục đích, yêu cầu việc làm này là nhằm chứng minh, nỗ lực và quyết tâm của Nghệ An cùng cả nước thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Thủy sản về chống đánh bắt IUU; chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ tài liệu chứng minh quá trình thực hiện IUU theo các nội dung khuyến cáo của EC tại chuyến kiểm tra, làm việc lần thứ 3 vào nửa cuối tháng 10/2022.
Nội dung làm việc tại Nghệ An sẽ tập trung vào việc các tàu cá đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài, kiểm soát tàu cá ra vào cảng, tàu cá đánh bắt trên biển và kiểm soát tàu cá hoạt động IUU tại cảng cá; kiểm tra, thực hiện các quy định về lắp đặt thiết bị giám sát hành trình VMS, công tác vận hành quản lý và xử lý dữ liệu tàu cá bị mất kết nối VMS và ra ngoài vùng biển Việt Nam; kiểm tra việc thực hiện đăng ký, cấp phép khai thác cho tàu cá, lập danh sách tàu cá IUU và theo dõi các tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU, trách nhiệm của thuyền trưởng đối với tàu cá đánh bắt từ vùng lộng trở ra phải cập cảng chỉ định; kiểm tra công tác xác nhận truy xuất nguồn gốc đối với hải sản xuất đi châu Âu; công tác quản lý cường lực khai thác phù hợp với nguồn lợi thủy sản, đảm bảo phát triển bền vững; kiểm soát sản lượng hải sản cập bến…
Theo đó, UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành và địa phương ven biển thực hiện nghiêm túc Luật Thủy sản năm 2017 và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các hướng dẫn, quy định của Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh về khắc phục đánh bắt hải sản theo IUU và khuyến cáo gỡ “thẻ vàng” IUU. UBND tỉnh đặc biệt yêu cầu có biện pháp kiểm tra, quyết liệt xử lý tình trạng tàu cá Nghệ An có dấu hiệu và vi phạm khi khai thác, đánh bắt ở vùng biển nước ngoài; triển khai có hiệu quả quy định về quản lý tàu cá; đảm bảo tất cả các tàu cá theo quy định phải đăng ký và cấp phép đánh bắt và cập nhật đầy đủ dữ liệu vào dữ liệu của tỉnh và đồng bộ vào hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia VNFishbase; tổng hợp hồ sơ xử phạt tàu cá vi phạm Luật Thủy sản theo Nghị định 42/2019/NĐ-CP, đặc biệt lưu ý danh sách tàu cá đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài về IUU, thể hiện được nội dung vi phạm bị xử lý, quá trình theo dõi xử lý có tàu nào tái phạm hay không…
Bên cạnh đó, hồ sơ dữ liệu về thiết bị giám sát hành trình, tàu cá mất tín hiệu kết nối VMS hoặc vượt ra ngoài ranh giới biển được theo dõi, xử lý đến cùng, dễ truy cập; đảm bảo hồ sơ xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản đầy đủ, lưu trữ có hệ thống, dễ truy cập, đáp ứng yêu cầu về truy xuất nguồn gốc theo chuỗi từ khâu kiểm soát tàu cá ra vào cảng cho đến giám sát sản lượng, theo dõi tàu cá IUU, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản…
Duy trì vệ sinh môi trường cảng cá, nước rửa sản phẩm phải là nước sạch nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; sản phẩm hàng hóa tập kết lên bến và xuống tàu phải được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, đảm bảo vệ sinh.
UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Sở Ngoại vụ, Văn phòng UBND tỉnh theo chức năng nhiệm vụ được giao, bố trí đầy đủ lực lượng ứng trực, kiểm soát và làm việc nếu đoàn công tác châu Âu có lịch đến làm việc với tỉnh.
UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị ven biển tăng cường tuyên truyền cho cộng đồng ngư dân biết, hiểu rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ tàu cá trong việc thực hiện chống đánh bắt khai thác vi phạm IUU; nắm chắc họ tên chủ tàu, số điện thoại, vị trí neo đậu đối với tàu cá nằm bờ không đi khai thác hoặc tàu cá có nguy cơ cao vi phạm IUU trên địa bàn; quản lý chặt chẽ các đối tượng, nắm chắc địa bàn để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các tàu cá đi khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài; tổng hợp hồ sơ xử lý vi phạm hành chính theo Nghị định 42/2019/NĐ-CP và hồ sơ làm việc với chủ tàu cá về xử lý vi phạm.
Hồng Hạnh