11 tháng đầu năm 2012, ngư dân Nghệ An khai thác được 14.591 tấn hải sản các loại, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2011. Theo đánh giá của ngành thủy sản Nghệ An, trong đánh bắt, khai thác hải sản trên biển, ngư dân đã bám ngư trường và chú ý đầu tư phương tiện nhiều hơn. Việc làm này cũng nhằm mục đích tăng hiệu quả trong khai thác hải sản, đưa khai thác hải sản trở thành nghề hấp dẫn.
Nghệ An có 4 huyện biển là Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Cửa Lò, với hàng nghìn ngư dân tham gia khai thác, đánh bắt hải sản trên biển. Tại Nghệ An, nghề khai thác biển được hình thành từ lâu đời, có nhiều xã số lượng ngư dân chiếm trên 40% số dân trong xã. Năm 2012, được sự giúp đỡ của ngành thủy sản và chính quyền địa phương, ngư dân Nghệ An xây dựng được các mô hình mới trong khai thác thủy sản, như thành lập các tổ liên kết cùng hỗ trợ nhau trong khai thác, tiêu thụ hải sản. Các tổ liên kết hỗ trợ nhau trong bảo vệ ngư trường và hỗ trợ, bảo vệ nhau khi gặp các tình huống phát sinh trong khi đi đánh bắt hải sản trên biển. Huyện Diễn Châu còn xây dựng được đội dân quân tự vệ biển, với mục đích lồng ghép đánh bắt hải sản trên biển với việc bảo vệ chủ quyền biển; tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về biển đảo đến các ngư dân khác; quan sát, phối hợp xử lý các tình huống trên biển nhằm giúp cho tàu thuyền khác yên tâm bám biển, khai thác hải sản.
Tỉnh Nghệ An khuyến khích, tạo thuận lợi cho ngư dân trong khai thác hải sản bằng việc cho vay vốn ưu đãi để cải hoán, đóng mới, nâng công suất tàu thuyền; giúp các tàu thuyền trang bị phương tiện thông tin liên lạc; phát hiện ngư trường. Ngoài việc giúp đỡ ngư dân trong tỉnh yên tâm bám biển, khai thác nguồn lợi hải sản, tỉnh Nghệ An cũng tạo thuận lợi cho các tàu thuyền ngoài tỉnh vào địa phương khai thác hải sản, tránh trú bão và sử dụng các dịch vụ hậu cần nghề cá. Cảng cá Cửa Hội của Nghệ An đang là địa chỉ tin cậy để tàu thuyền ngư dân các tỉnh đến sử dụng các dịch vụ hậu cần nghề cá và tiêu thụ hải sản sau đánh bắt. Tại cảng cá này, mỗi tuần có từ 100 đến 120 tàu thuyền các tỉnh (nhiều nhất là Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên) đến sử dụng các dịch vụ hậu cần nghề cá và tiêu thụ hải sản.