Chiều 28/8, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) họp trực tuyến với các bộ, ngành và tỉnh, thành ven biển về tình hình kết quả chống khai thác IUU.
Đồng chí Phạm Minh Chính – Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì từ điểm cầu Hà Nội. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo IUU Quốc gia và điểm cầu 28 tỉnh, thành phố ven biển.
Chủ trì từ điểm cầu Nghệ An có đồng chí Nguyễn Văn Đệ – Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo tỉnh về chống khai thác IUU. Tham gia có đại diện các sở, ban, ngành và đại diện UBND các huyện, thị ven biển; đại diện Ban chỉ huy các đồn Biên phòng và các xã ven biển.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã điểm lại kết quả sau gần 7 năm triển khai các biện pháp gỡ thẻ vàng theo khuyến cáo của EC đối với thuỷ sản Việt Nam.
Để gỡ thẻ vàng, chống khai thác hải sản IUU, ngoài ban hành Luật Thuỷ sản và các Nghị định mới, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và Thủ tướng đã có các Nghị quyết, Chỉ thị để thống nhất hành động và huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc nên không có lý do gì để cản trở, trì hoãn. Vì vậy, các địa phương phải thảo luận thẳng thắn, cởi mở đề ra giải pháp thực hiện hiệu quả, nói đi đôi liền với làm, ra quân là thành công chiến thắng…
Đồng chí Nguyễn Văn Đệ – Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Phùng Thành Vinh- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Ban thường trực Ban Chỉ đạo IUU tỉnh chủ trì hội nghị từ điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Hải
Tiếp đó, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo sơ bộ tình hình, kết quả chống khai thác IUU, trong đó nêu một số nét nổi bật về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; đồng thời điểm qua kết quả thực hiện trên từng nội dung khuyến cáo như hoàn thiện khung pháp lý; quản lý đội tàu, theo dõi kiểm soát và giám sát hoạt động tàu cá; kết quả điều tra xác minh, xử lý đối với một số tàu cá vi phạm nhập khẩu và xuất khẩu hải sản; tình hình khởi tố vụ việc đối với một số tổ chức, cá nhân có liên quan.
Cụ thể, cả nước đã khởi tố 11 vụ án hình sự, đang điều tra hình sự đối với 3 vụ có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự tại một số tỉnh; đưa ra truy tố xét xử 3 vụ liên quan đến hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá đi khai thác hải sản bất hợp pháp. Từ đợt thanh tra của EU lần thứ 4, cả nước đã xử phạt 2.877 trường hợp với số tiền trên 93 tỷ đồng, trong đó từ đầu năm 2024 xử phạt 2.154 trường hợp, với tổng số tiền 61 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh kết quả nổi bật trên, phát biểu tham luận tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành và địa phương cũng nêu lên một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân khiến công tác đấu tranh chống khai thác IUU chưa đạt hiệu quả cao.
Tại hội nghị, báo cáo của tỉnh Nghệ An cho biết, toàn tỉnh có đội tàu 3.630 chiếc khai thác thủy sản, trong đó tàu cá thuộc diện phải đăng ký (dài trên 6m) là 2.733 chiếc. Hiện 2.556 chiếc đã được đăng ký, đạt 93,52% và 100% tàu đã cập nhật lên hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia. Thực hiện chỉ đạo về tập trung xử lý nhóm tàu cá “3 không”, Nghệ An đã tập trung rà soát và xử lý đăng ký là 282/459 tàu, đạt 61,44% và đang làm thủ tục đến 31/8/2024 sẽ hoàn thành đăng ký tàu cá “3 không”. Trong 8 tháng đầu năm 2024, tỉnh đã xử phạt 183 vụ, với số tiền 3,02 tỷ đồng, gấp 3,7 lần so năm 2023.
Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến thảo luận, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Thường trực Ban chỉ đạo IUU Quốc gia và trực tiếp yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung cao điểm nguồn lực ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; tăng cường lực lượng chức năng tại các địa bàn trọng điểm; áp dụng triệt để Nghị quyết số 04/2024/NQHĐTP ngày 12/6/2024 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao về xử lý các hành vi vi phạm IUU.
Đại diện các sở, ban, ngành là thành viên Ban chỉ đạo IUU tỉnh Nghệ An theo dõi hội nghị đánh giá công tác chống khai thác IUU từ điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Hải
Bên cạnh đó, đề nghị Bộ Công an và các tỉnh xử lý nghiêm các trường hợp xuất và nhập khẩu hải sản trái phép bị phát hiện. Chỉ đạo các địa phương khẩn trương hoàn thành công tác quản lý đội tàu, xử lý dứt điểm tàu cá “3 không”; điều tra, xử phạt nghiêm các vụ việc khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; tình trạng gửi và ngắt kết nối VMS khi đi đánh bắt. Kiểm soát chặt chẽ ngay từ trong bờ, kiên quyết xử lý nghiêm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan. Tổ chức các đoàn công tác của lãnh đạo Chính phủ đi giám sát, chấn chỉnh công tác khai thác IUU tại các địa phương.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận các địa phương đã có chuyển biến, nhưng đồng thời cũng chia sẻ những băn khoăn khi kết quả chống khai thác IUU còn hạn chế vì kết quả cuối cùng vẫn chưa đạt. Việc xử lý tàu cá “3 không” đi khai thác còn dai dẳng, chưa dứt điểm; tình trạng tàu cá mất tín hiệu VMS còn diễn biến phức tạp, các nhà cung cấp dịch vụ mạng có xác minh, làm rõ và khắc phục được không? Việc xác minh xử lý tàu cá vi phạm mất kết nối, đánh bắt trái phép sang vùng biển nước ngoài còn tái diễn… Cần làm rõ trách nhiệm của cấp uỷ chính quyền địa phương, các bên liên quan để các có câu trả lời và giải pháp xử lý dứt điểm, hiệu quả.
Lực lượng Kiểm ngư Nghệ An bắt giữ và lập biên bản để xử phạt 1 chủ tàu vi phạm đánh bắt trên biển. Ảnh: Nguyễn Hải
Thủ tướng nhấn mạnh, Trung ương đã có các Nghị quyết, Chỉ thị và các khung pháp lý đầy đủ để xử lý, đề nghị cấp uỷ, chính quyền địa phương các cấp cần nâng cao nhận thức, vào cuộc trách nhiệm; tập trung nhân lực, nguồn lực và quyết tâm cao để thực hiện, mang lại kết quả rõ nét. Sau triển khai giao việc phải đôn đốc, giám sát; tăng cường phối hợp cộng tác cả trong khâu kiểm tra lần xử lý vi phạm, truy tố, xử lý hình sự… Mục tiêu sắp tới không có gì khác là thuỷ sản Việt Nam phải gỡ được thẻ vàng EC. Cần tập trung nhân lực, vật lực để hoàn thành và chuẩn bị làm việc với đoàn kiểm tra EC lần thứ 5 sắp tới.
Nguồn: Báo Nghệ An