T5, 18/07/2024 12:18

Nghệ An: Tàu thuyền Nghệ An chật vật tìm nơi neo đậu mùa mưa bão

Chưa có đánh giá về bài viết

Nghệ An hiện có khoảng 3.400 tàu thuyền lớn nhỏ, tuy nhiên, khu neo đậu tàu thuyền còn thiếu, luồng lạch cạn chưa đáp ứng nhu cầu của ngư dân, nhất là trong mùa mưa bão.

Khu neo đậu quá tải, luồng lạch bồi lắng

Tàu thuyền chen chúc nhau đậu thành 2 lớp ở lạch Quèn, xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: Văn Trường

Có mặt tại khu vực Lạch Quèn xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu những ngày này thấy tàu thuyền neo đậu kín cả 2 bên bờ lạch. Anh Trần Văn Minh, một chủ tàu ở xã Tiến Thủy chia sẻ: Tàu thuyền khắp nơi về tránh áp thấp nhiệt đới, không đủ chỗ đậu, do chen chúc nhau, khi gió lớn tàu thuyền bị va chạm có khi bị vỡ cả hệ thống bóng điện. Một số tàu không còn chỗ đậu có khi phải làm liều đi sâu vào khu vực Lạch Quèn hay bị bồi lắng để tìm chỗ đậu.

Ông Nguyễn Văn Ước – Chủ tịch UBND xã Tiến Thủy cho biết: Toàn xã có 262 tàu thuyền, từ năm 2016 xã được Nhà nước cho nâng cấp khu vực kè số 3, là nơi neo đậu tàu thuyền, nhưng chỉ đáp ứng được 200 tàu thuyền, còn trên 60 tàu thuyền không có nơi neo đậu phải tự đi tìm các khu vực lân cận thường xuyên bị bồi lắng, khiến cho không ít ngư dân địa phương lo lắng.

Ông Bùi Xuân Trúc – Phó phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu cho biết thêm: Toàn huyện Quỳnh Lưu hiện có trên trên 800 tàu thuyền, có 2 khu khu neo đậu tránh trú bão gồm: khu neo đậu tránh trú bão Lạch Quèn thuộc các xã Tiến Thủy và Quỳnh Thuận, khu neo đậu tránh trú bão Lạch Thơi thuộc các xã Sơn Hải và Quỳnh Thọ. Từ năm 2023 đến nay, Nhà nước đã đầu tư nâng cấp hệ thống khu neo đậu tránh trú bão Lạch Quèn xã Quỳnh Thuận và xã Tiến Thủy.

Tuy nhiên, vẫn đang còn những khó khăn như do khu neo đậu tránh trú bão Lạch Quèn thuộc “cấp vùng” nên khi mưa gió sẽ có các tàu thuyền từ tỉnh khác đi qua vào neo đậu nên có những thời điểm chật chội. Cả 2 khu neo đậu tránh trú bão đều chung tình trạng lạch bị bồi lắng nên khó khăn cho tàu thuyền vào ra.

Tàu thuyền xã Quỳnh Thuận đậu san sát nhau. Ảnh: Văn Trường

Cũng nằm trong tình cảnh trên, cảng cá Lạch Vạn và khu neo đậu tránh bão xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu bị tái bồi lấp nghiêm trọng, khiến tàu cá của ngư dân di chuyển khó khăn, thậm chí gặp nạn. Ngư dân Trần Văn Minh chia sẻ: Mỗi chuyến đi biển về cảng Lạch Vạn là phải tập trung cao độ để lái, chứ lơ là cái là tàu mắc cạn ngay. Mấy năm gần đây các tàu to, có công suất lớn, ra vào cửa lạch rất phức tạp, thường xuyên gặp sự cố mắc cạn, làm hư hỏng tàu thuyền, tốn kém chi phí cứu hộ và sửa chữa hàng trăm triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Dũng – Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc cho biết thêm: Toàn xã Diễn Ngọc có 283 tàu thuyền, vấn đề khó khăn hiện nay nhất vẫn là Lạch Vạn bị bồi lắng nghiêm trọng, trong năm 2023 bị mắc cạn 5 tàu thuyền, đầu năm 2024 bị mắc cạn 2 tàu thuyền. Có nhiều tàu thuyền lớn khi về bờ không dám vào Lạch Vạn mà phải đậu ngoài cửa lạch thuê thuyền nhỏ “tăng bo” hàng hải sản dẫn đến tăng chi phí cho các chủ tàu. Vì vậy ngư dân rất mong Nhà nước đầu tư luồng sâu hơn, rộng hơn để tàu ra, vào cập bến được thuận tiện.

Cần có giải pháp để nạo vét luồng lạch hiệu quả

Nghệ An là một trong những tỉnh có số lượng phương tiện đánh bắt khá lớn với trên 3.400 tàu thuyền. Sự phát triển này đang đặt ra vấn đề dịch vụ hậu cần, trú tránh bão như thế nào để đáp ứng yêu cầu. Thời gian qua mặc dù Nhà nước đã quan tâm nâng cấp được 5 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá gồm: Lạch Quèn, Lạch Thơi (huyện Quỳnh Lưu); Lạch Cờn (thị xã Hoàng Mai); Lạch Vạn (huyện Diễn Châu); Lạch Lò (thị xã Cửa Lò), tuy nhiên, với cửa Lạch Vạn (huyện Diễn Châu); Lạch Thơi, Lạch Quèn (huyện Quỳnh Lưu) do chưa có giải pháp mang tính căn cơ, nên tình trạng bồi lắng vẫn cứ tái diễn.

Khu vực phía phía Bắc Lạch Quèn xã Tiến Thủy không đáp ứng hết được cho tàu thuyền về đậu tránh bão. Ảnh: Văn Trường

Vào mùa mưa bão, rất nhiều ngư dân lại phải chật vật tìm nơi neo đậu tàu thuyền, nhiều ngư dân còn phải mang tàu đi sang địa phương khác neo đậu, vì lạch bồi lắng và chật chội không vào được điểm tránh trú bão.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Trần Xuân Học – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng: Hiện nay ngành liên quan đã triển khai rà soát, đánh giá lại các khu neo đậu tránh trú bão, các cửa sông, cửa biển có tàu thuyền khai thác hải sản của ngư dân. Cụ thể hiện nay các cửa Lạch Thơi (huyện Quỳnh Lưu), Lạch Cờn (thị xã Hoàng Mai), Lạch Vạn (huyện Diễn Châu), Lạch Hội (thị xã Cửa Lò) lâu nay đều được triển khai nạo vét nhưng 2-3 tháng thì lại bị cát biển tràn vào bồi lắng, tàu thuyền khó ra vào

Người dân đổ vỏ ốc bên bờ Lạch Vạn, xã Diễn Ngọc, Diễn Châu đây cũng là nguyên nhân gây bồi lắng. Ảnh: Văn Trường

Mới đây, trong quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 582/QĐ-TTg, ngày 3/7/2024, Nghệ An có 7 cảng cá được đưa vào quy hoạch, trong đó có 3 cảng cá loại I, 2 cảng cá loại II và 2 cảng cá loại III. Theo đó, cảng cá loại I tại Nghệ An gồm: Cảng cá Cửa Hội tại phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò có thể đón 120 lượt tàu cá có chiều dài lớn nhất 40m cập cảng trong ngày, lượng thủy sản qua cảng mỗi năm 25.000 tấn.

Cảng cá Lạch Quèn tại các xã: Tiến Thủy và Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu có thể đón 200 lượt tàu cá có chiều dài lớn nhất 35m cập cảng trong ngày, lượng thủy sản qua cảng mỗi năm 30.000 tấn. Cảng cá Lạch Cờn tại phường Quỳnh Phương và xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, có thể đón 120 lượt tàu cá có chiều dài lớn nhất 35m cập cảng trong ngày, lượng thủy sản qua cảng mỗi năm 25.000 tấn.

Nghệ An có 7 cảng cá, 5 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá. Đồ họa: Hữu Quân

Cảng cá loại II gồm: Cảng Lạch Vạn tại các xã: Diễn Ngọc và Diễn Bích, huyện Diễn Châu, có thể đón 100 lượt tàu cá có chiều dài lớn nhất 24m cập cảng trong ngày, lượng thủy sản qua cảng mỗi năm 15.000 tấn. Cảng Lạch Lò ở các phường: Nghi Tân, Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò, có thể đón 50 lượt tàu cá có chiều dài lớn nhất 30m cập cảng trong ngày, lượng thủy sản qua cảng mỗi năm 15.000 tấn.

Cảng cá loại III gồm: Cảng Quỳnh Nghĩa tại xã Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu, có thể đón 20 lượt tàu có chiều dài lớn nhất 24m cập cảng trong ngày, lượng thủy sản qua cảng mỗi năm 3.000 tấn. Cảng Lạch Thơi tại xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, có thể đón 20 lượt tàu có chiều dài lớn nhất 24m cập cảng trong ngày, lượng thủy sản qua cảng mỗi năm 3.000 tấn.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng được quy hoạch 5 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, gồm 2 khu neo đậu cấp vùng và 3 khu neo đậu cấp tỉnh, cụ thể, khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng gồm: Lạch Quèn thuộc địa phận các xã: Tiến Thủy và Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu và tại Lạch Cờn đoạn qua các phường: Quỳnh Phương, Quỳnh Dị, Quỳnh Thiện và các xã: Quỳnh Lập, Quỳnh Lộc, thị xã Hoàng Mai. Hai khu neo đậu này đều có quy mô sức chứa 1.000 tàu cá có chiều dài lớn nhất là 35m mỗi tàu.

Khu neo đậu tránh trú bão cấp tỉnh gồm: Tại Lạch Vạn đoạn qua các xã: Diễn Kỷ, Diễn Vạn, Diễn Kim, Diễn Bích và Diễn Ngọc (huyện Diễn Châu), có sức chứa 650 tàu cá; tại Lạch Lò đoạn qua xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc có sức chứa 600 tàu cá và tại Lạch Thơi đoạn qua các xã Sơn Hải và Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Lưu có sức chứa 350 tàu. Chiều dài tàu cá lớn nhất có thể vào neo đậu tại 3 cảng này là 24m.

ông Trần Xuân Học – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ảnh: Thành Cường

Để giải quyết được tình trạng bồi lắng cần giải pháp vừa nạo vét các cửa lạch, vừa phải tiến hành kè 2 bên bờ lạch để ngăn bùn cát bồi lắng. Đây chính là giải pháp căn cơ để ngăn sự bồi lắng cửa lạch. Tuy nhiên, giải pháp cần chi phí rất lớn ...".

Ông Trần Xuân Học – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Nguồn: Báo Nghệ An

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!