Nghệ An: Thành công nuôi tôm trên cát

Chưa có đánh giá về bài viết

Nhờ các nguồn hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, nguồn ngân sách tỉnh, Dự án CRSD…, Nghệ An đã xây dựng thành công nhiều mô hình nuôi tôm an toàn sinh học theo VietGAP đạt kết quả cao.

chương trình có sự hỗ trợ của trung tâm khuyến nông quốc gia

Theo Trung tâm Khuyến nông Nghệ An, tiềm năng diện tích nuôi tôm trên cát của tỉnh khoảng 600 ha, đến nay đưa vào nuôi 124 ha, tập trung chủ yếu tại xã Diễn Kim (60 ha), Diễn Trung (41 ha), Diễn Thịnh (10 ha) huyện Diễn Châu; Quỳnh Lập thị xã Hoàng Mai 10 ha; thị xã Cửa Lò 3 ha. Những năm gần đây, Nghệ An đã phát triển nhanh nhiều mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát theo công nghệ cao và mang lại cho năng suất 10 – 20 tấn/ha/vụ. Trong vụ 1 năm 2016, với diện tích thả nuôi 124 ha, sản lượng toàn tỉnh 1.300 tấn và xuất hiện nhiều mô hình đạt hiệu quả cao.

thành công nuôi tôm trên cát

Thu hoạch tôm nuôi trên cát – Ảnh: Huy Hùng

Điển hình là hộ nuôi của ông Huỳnh Văn Tiến, tại xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu; với diện tích 1,5 ha gồm 4 ao nuôi và 1 ao chứa, ông Tiến thả nuôi 1 triệu con tôm thẻ PL12; sau 85 ngày nuôi, thu hoạch 15 tấn, tôm đạt size 60 con/kg. Với giá bán bình quân 160.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí gia đình ông thu lãi 1,5 tỷ đồng. Kể đến tiếp theo là mô hình của ông Hồ Sỹ Kiếm, tại xã Diễn Trung với tổng diện tích 0,9 ha gồm 1 ao chứa và 2 ao thả tôm; ông thả 720.000 con tôm PL10, sau 90 ngày nuôi, tôm đạt tỷ lệ sống 85%, cỡ tôm thu trung bình đạt 65 con/kg; với giá bán bình quân 158.000 đồng/kg,  thu về gần 1,5 tỷ đồng sau khi trừ hết các khoản chi phí, gia đình ông đạt lãi ròng là 900 triệu đồng.

Để đạt được thành công như trên, các hộ nuôi bắt buộc phải tuân thủ kỹ thuật nghiêm ngặt. Đặc biệt, các mô hình phải áp dụng hoàn toàn công nghệ nuôi vi sinh, không sử dụng hóa chất, kháng sinh trong quá trình nuôi mà chỉ sử dụng các chế phẩm sinh học như: sử dụng nhóm vi sinh Bacillus, Bacillus Subtilus, Bacillus pumilus… để phân hủy chất thải hữu cơ; định kỳ sử dụng các chế phẩm làm sạch môi trường và phòng ngừa một số bệnh bằng các sản phẩm Aquapond 100; Super VS, Zeolite bacillus, Pond-clear…; các chế phẩm kích thích và tăng cường sức đề kháng cho tôm bằng beta Glucan, Vitamin C, viruto… hay để phòng bệnh thông qua bổ sung các nhóm vi khuẩn Lactobacillus aedophilus, Bacillus Subtilus… Đặc biệt, các hộ phải có ao chứa để chủ động nguồn nước trong quá trình nuôi để đạt được thành công.

Nghề nuôi tôm trên cát tại Nghệ An đã mang lại nhiều lợi thế như tận dụng tối đa diện tích đất bỏ hoang, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho người dân ven biển, giảm áp lực khai thác hải sản ven bờ, đảm bảo an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, cùng với việc tăng nhanh về diện tích và sản lượng thì vấn đề về cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất còn thiếu đồng bộ, ô nhiễm môi trường, suy thoái sinh thái, dịch bệnh thường xuyên xảy ra là những vấn đề trọng tâm được đặt lên hàng đầu trong chiến lược phát triển bền vững nuôi tôm trên cát ở các tỉnh miền Trung nói chung và tại Nghệ An nói riêng.

Châu An

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!