Dự án “Nạo vét luồng lạch và vùng neo đậu tàu cá phường Nghi Tân” hoàn thành là nơi neo đậu, tránh trú bão cho trên 200 tàu thuyền của ngư dân thị xã Cửa Lò và vùng lân cận thuộc huyện Nghi Lộc. dự án được khởi công từ đầu năm 2013, nhưng do chưa giải phóng mặt bằng dứt điểm, cộng với thiếu vốn để triển khai nên công trình chậm tiến độ thi công, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của bà con ngư dân…
Sau mấy chặng chen lấn, tàu của ngư dân Vũ Thế Phượng (ở khối 10, phường Nghi Thủy) cũng tìm được một vị trí neo đậu tại cầu cảng số 4 – Cảng Cửa Lò. Anh Phượng cho biết: Cuối năm 2012 gia đình tôi đóng được con tàu 420 CV trị giá gần 1,7 tỷ đồng để đi khơi, nhưng mỗi lần về không nơi neo đậu nên phải cho tàu đậu ở Cảng Cửa Lò. Đưa tàu vào đây cũng là chuyện bất đắc dĩ thôi. Bởi mỗi khi có mưa to, gió bão, hàng chục chiếc tàu chen chúc, xô đẩy lẫn nhau, tàu to chen tàu nhỏ, không có trật tự chi cả. Chuyện bị va đập gây hư hỏng tàu thuyền cũng thường xuyên xảy ra. Khi gặp phải sóng lớn xô vào thành cảng gây vỡ tàu phải sửa chữa hết cả trăm triệu đồng. Thiếu nơi neo đậu, chúng tôi đành phó mặc gia tài của mình cho sóng gió. Xót của lắm nhưng đành chịu”.
Tàu của ngư dân neo đậu chen lấn với tàu hàng của Cảng Cửa Lò
Theo ông Nguyễn Văn Huệ – Chủ tịch Hội Nông dân phường Nghi Thủy: “Toàn phường hiện có 173 tàu thuyền lớn nhỏ, trong đó 20 đôi tàu có công suất từ 350 – 420 CV. Hiện nay đang tồn tại hiện tượng tàu có công suất lớn không thể vào được các bến cá, các ngư dân phải chiếm dụng cầu cảng làm nơi ra vào neo đậu, trao đổi sản phẩm đánh bắt, sửa chữa ngư cụ và tránh trú bão… Việc tàu cá từ lâu đậu trong khu cảng về nguyên tắc là không được, vì cản trở việc ra vào của tàu hàng, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho các tàu cá, vừa không đảm bảo trật tự an ninh trong khu vực cảng. Thời gian qua cũng đã xảy ra nhiều va chạm giữa tàu hàng và tàu cá làm thiệt hại kinh tế cho cả đôi bên”.
Tính đến thời điểm này Thị xã Cửa Lò có 207 chiếc tàu thuyền đánh cá các loại (phường Nghi Tân có 34 chiếc công suất dưới 90 CV; phường Nghi Thủy có 173 chiếc, trong đó có 39 chiếc trên 350 CV). Với 3 bến cá ở phường Nghi Tân (bến Mỏ Kè ở khối 6, bến Sông Kè ở khối 1 và bến ở phía Đông Bắc cửa phường giáp với xã Nghi Quang – Nghi Lộc), 1 bến cá ở phường Nghi Thủy chỉ phục vụ được cho 167 tàu thuyền nhỏ công suất dưới 90 CV của cả 2 phường. Tại các bến này cũng không có nơi neo đậu, không có cảng cá nên gây khó khăn trong việc kinh doanh và tránh trú khi mưa bão đổ bộ vào đất liền.
Thi công Dự án neo đậu tàu thuyền tại phường Nghi Tân.
Trước tình hình trên, từ năm 2005, UBND Thị xã Cửa Lò được tỉnh cho lập dự án đầu tư cầu cảng và nơi neo đậu tàu thuyền cho ngư dân tại khối 6, phường Nghi Tân và 1 phần diện tích nuôi trồng thủy sản của xã Nghi Quang. Dự án có tổng dự toán 13 tỷ đồng bao gồm 2 hạng mục chính là nạo vét luồng lạch và làm cầu tàu neo đậu cho khoảng trên 500 tàu thuyền đánh bắt xa bờ và gần bờ. Theo ông Nguyễn Quốc Dưỡng, Giám đốc Ban quản lý các dự án Thị xã Cửa Lò: Sau một thời gian triển khai, dự án đã thi công được 1/3 khối lượng, trong đó việc nạo vét cơ bản đã xong, đang thi công hạng mục xây dựng cầu tàu. Mặc dù UBND tỉnh giao đến 15/7 phải hoàn thành và đến 30/7/2014 bàn giao nhưng đại diện Ban quản lý dự án thị xã cho biết là rất khó để hoàn thành theo đúng mốc trên. Nguyên nhân chính là dự án được tỉnh đầu tư và phê duyệt nhưng chưa cấp kinh phí. Bên cạnh đó, do một phần diện tích bãi neo đậu phải nạo vét thuộc diện tích đất nuôi trồng thủy sản của xã Nghi Quang (Nghi Lộc); diện tích này xã đã giao và người dân đang nuôi ngao, chưa đến kỳ thu hoạch nên chưa thể bàn giao mặt bằng để thi công, tổ chức nạo vét. Và phần hạng mục bến neo đậu tàu cá do nhà thầu Công ty TNHH Mạnh Phú đảm nhận đã không đủ năng lực để thi công, nên ngày 8/8/2013, UBND tỉnh đã có Công văn số 5411/UBND – CT về việc chấm dứt hợp đồng thi công hạng mục Bến neo đậu tàu cá thuộc công trình trên. Hiện nay Công ty THHH Hòa Hiệp đang tiến hành đúc cấu kiện bê tông và chuẩn bị mặt bằng để hoàn thiện công trình. Nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ thi công là do chưa giải phóng mặt bằng dứt điểm; công trình thiếu nguồn vốn để triển khai…
Nguyện vọng của ngư dân Cửa Lò không chỉ là nơi neo đậu tàu thuyền, tránh trú bão mà quan trọng hơn là bến cá để bán sản phẩm cũng như tiếp tế hậu cần nghề cá được thuận lợi. Ông Nguyễn Văn Bình ở khối 1, phường Nghi Thủy đi đánh cá về đang neo thuyền tại khu vực Cảng Cửa Lò, ông cho hay: “Ngày trước, khi chưa có cầu tàu nối từ cầu tàu số 1 và số 2 sang cầu số 3 và số 4, tàu thuyền đi về có thể theo lạch vào sâu phía trong để về Nghi Thủy, vừa nhập cá lại gần nhà nên rất thuận lợi. Từ ngày có cầu tàu, do thiết kế quá thấp nên tàu thuyền cỡ lớn của ngư dân không thể vào lạch được, cực chẳng đã phải neo đậu ở ngoài sông, chen lấn với bến bãi xuất nhập hàng của cảng. Hơn 40 tàu đánh cá xa bờ có công suất trên 90 CV của phường Nghi Thủy phải đầu tư 21 thuyền nhỏ để trung chuyển, tăng bo sản phẩm đánh bắt vào bến cá gần nhà và chở đá lạnh, nhu yếu phẩm phục vụ tàu thuyền đi biển. Đặc thù ngư dân ở đây đánh bắt trong ngày nên bình quân cứ 2 tàu cá thì phải có 2 lao động và 1 thuyền nhỏ túc trực để lo chuyên chở, khoản này không chỉ khiến người dân mất chi phí từ 120 – 150 triệu đồng mỗi năm mà còn mất thời gian vì chờ đợi, tàu đậu xa nhà lại không an toàn….
Tàu thuyền không chỉ là phương tiện để kiếm kế sinh nhai, mà nó còn là tài sản to lớn nhất của đời ngư phủ. Thuyền còn là ngôi nhà chung của hàng chục lao động “bạn ngang”. Ngư dân Thị xã Cửa Lò đang rất mong chờ được Nhà nước quan tâm, đầu tư nguồn vốn kịp thời để dự án nhanh chóng hoàn thiện cho bà con yên tâm bám biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Tổ quốc.