(TSVN) – Thời tiết tháng 4/2024 tương đối thuận lợi, nhu cầu tiêu thụ hải sản tăng khi mùa du lịch bắt đầu khởi động nên ngư dân Nghệ An tích cực ra khơi bám biển. Cùng đó, địa phương đẩy mạnh công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU), chú trọng thực hiện các chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản xa bờ.
Thời tiết tháng 4/2024 thuận lợi cho việc nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản. Sản lượng khai thác và thu hoạch thủy sản tăng, nhu cầu tiêu dùng tăng nên bà con ngư dân nỗ lực vươn khơi bám biển, duy trì sản xuất.
Hiệu quả khai thác ngày càng tăng nhờ ngư dân đầu tư thêm phương tiện đánh bắt chuyên sâu. Ảnh: ST
Theo Cục Thống kê Nghệ An, sản lượng thủy sản khai thác trong tháng 4/2024 ước đạt 22.257 tấn, tăng 2,54% (+552 tấn), so cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng khai thác thủy sản biển ước đạt 21.637 tấn, tăng 2,52% (+532 tấn); sản lượng khai thác thủy sản nội địa ước đạt 620 tấn, tăng 3,33% (+20 tấn). Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 62.675 tấn, tăng 3,51% (+2.123 tấn). Trong đó, sản lượng khai thác biển ước đạt 60.213 tấn, tăng 3,53% (+2.052 tấn); sản lượng khai thác thủy sản nội địa ước đạt 2.462 tấn, tăng 2,97% (+71 tấn).
Những năm qua, cùng với các chính sách hỗ trợ đóng mới tàu vươn khơi của Chính phủ, Nghệ An đã ban hành các chính sách riêng để hỗ trợ ngư dân chuyển đổi phương tiện, tiếp tục vươn khơi đánh bắt. Nhờ đó, ngư dân đã mạnh dạn chuyển đổi từ tàu nhỏ sang tàu lớn vươn khơi; đồng thời, đầu tư thêm các phương tiện đánh bắt theo hướng chuyên sâu, nâng hiệu quả khai thác… Để nâng cao giá trị hải sản sau khai thác, ngư dân đã đầu tư công nghệ, thiết bị chế biến ngày càng hiện đại hơn, góp phần giảm tiêu hao và tăng giá trị hải sản.
Cùng với các địa phương trong cả nước, thời gian qua, cơ quan chức năng Nghệ An đã thực hiện nhiều giải pháp để hoạt động khai thác đi vào nề nếp, nhờ đó, các vi phạm khai thác IUU ngày càng giảm. Tính đến ngày 30/4, tỉnh Nghệ An có 3.462 tàu, thuyền khai thác thủy sản. Trong đó, tàu cá thuộc diện phải đăng ký (có chiều dài lớn nhất từ 6 m trở lên) là 2.565 chiếc, trong đó có 2.318 chiếc đã được đăng ký (đạt 90,37%) và đã được cập nhật lên hệ thống cơ sở dữ liệu Vnfishbase (đạt 100%). Số tàu còn hạn đăng kiểm là 1.234/1.576 tàu thuộc diện phải đăng kiểm (đạt 78,3%) và đạt 100% số tàu đang hoạt động khai thác. Số tàu cá đã cấp Giấy chứng nhận ATTP còn hạn là 935/1.085 tàu, đạt 86,18% so với tổng số tàu cá phải cấp và đạt 100% số tàu đang hoạt động khai thác.
Số tàu đã cấp phép đang còn hạn là 2.211/2.318 tàu thuộc diện phải cấp phép (đạt 95,38%) và đạt 100% số tàu đang hoạt động. Tổng số tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là: 1.052/1.085 chiếc thuộc diện phải lắp, đạt tỷ lệ 96,95%. Số tàu cá chưa thực hiện việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là 33 chiếc, chiếm tỷ lệ 3,05%.
Trong 4 tháng đầu năm 2024, các lực lượng chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản 31 đối tượng/31 phương tiện với tổng số tiền phạt 490,3 triệu đồng, tước quyền sử dụng chứng chỉ thuyền trưởng đối với 12 thuyền trưởng theo quy định.
Mặc dù vậy, hiện địa phương vẫn còn đó tình trạng tàu “3 không” đi đánh bắt, tàu ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình VMS diễn biến phức tạp và tỉnh đang dồn sức xử lý.
Để khắc phục những tồn tại và để chuẩn bị tốt cho chương trình làm việc với đoàn thanh tra của EC, ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các Sở, ngành, địa phương tập trung quyết liệt thực hiện các nội dung. Trong đó, thực hiện nghiêm túc có hiệu quả, có kết quả Chỉ thị số 32 của Ban Bí thư, Nghị quyết số 52 của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT trong thực hiện các nhiệm vụ chống khai thác IUU, đăc biệt là đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện các nhiệm vụ. Đồng thời phải xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân không thực hiện nhiệm vụ được giao. Kịp thời động viên, khen thưởng những cá nhân, tổ chức có cách làm hay, sáng tạo trong thực hiện công tác phòng chống IUU.
Nguyễn Hằng
Thực hiện chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, tới đây, Nghệ An sẽ triển khai có hiệu quả Đề án hỗ trợ đầu tư đổi mới công nghệ chế biến, bảo quản hải sản tập trung. Hiện, Nghệ An đang tích cực triển khai chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cho ngư dân lên bờ, giảm dần khai thác, khuyến khích các hoạt động khai thác theo hướng du lịch và bảo vệ môi trường sinh thái biển...