Nghệ An: Thủy sản được mùa

Chưa có đánh giá về bài viết

Hết nắng hạn rồi đến mưa lũ, những khó khăn mà thiên nhiên gây nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất. Nhưng biết khắc phục, vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội để phát triển sản xuất, có thể nói đó là đánh giá đúng về tình hình sản xuất của ngành thuỷ sản trong năm qua.

Về Quỳnh Lưu (Nghệ An), dư âm của một vụ tôm thắng lợi vẫn còn. Năm đầu tiên sản lượng tôm nuôi trên địa bàn xấp xỉ 4000 tấn. Câu chuyện con tôm thẻ chân trắng, đang là vấn đề thời sự đối với bà con nơi đây. Từ 2007, tôm thẻ chân trắng bắt đầu được bà con chú ý, và đến vụ nuôi 2010 hơn 80% diện tích nuôi tôm công nghiệp đã chuyển nuôi tôm thẻ chân trắng. Bà con nuôi 2 vụ chắc ăn trong một năm. Những hộ có năng lực tài chính, kỹ thuật tốt có thể nuôi vụ 3. Cá biệt có những điển hình như Công ty cổ phần Thành Lộc ở Cửa Lò năm 2010 đã nuôi 4 vụ. Năng suất bình quân vượt 5 tấn/ha/vụ. Nhiều hộ nuôi đạt 15 – 18 tấn/ha. Có hộ nuôi đạt 22 tấn/ha/vụ.

Tôm thẻ chân trắng đã tạo bước "nhảy vọt" trong nghề nuôi mặn lợ ở Nghệ An. Nhiều hộ đã giàu nhờ con tôm và "sống chết" với nghề. Từ áp dụng kinh nghiệm của các địa phương khác, nông dân Nghệ An đã mạnh dạn đầu tư để đưa lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2009 – 2010, nông dân Quỳnh Lưu đã đầu tư hơn 80 tỷ đồng để cải tạo hạ tầng vùng nuôi. Tính bình quân mỗi ha đầu tư khoảng hơn 200 triệu đồng. Từ đầu tư tốt cơ sở hạ tầng, kiểm soát được môi trường, bà con đã mạnh dạn thả với mật độ dày, từ 100 – 150 con/m2. Song song với việc tăng mật độ nuôi, bà con đã áp dụng thành công sáng kiến thu tỉa tôm. Từ những sáng kiến, kinh nghiệm, cộng với sự mạnh dạn đầu tư, sản lượng tôm nuôi toàn tỉnh năm nay lần đầu tiên đã vượt con số 7000 tấn.

Về vùng nuôi tôm, xe hơi đời mới xuất hiện ngày càng nhiều. Trong chuyến công tác cùng với Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản tỉnh, chúng tôi được uống "bia rửa" xe cùng Nguyễn Ngọc Sáng ở Diễn Liên. Con Fortune, gần 1 tỷ đồng vừa "ngoắc" biển đăng ký được Sáng mua bằng tiền tôm vụ vừa rồi. Sáng khoe hiện đang sở hữu 10 ha ao đầm nuôi tôm, 1 trại sản xuất tôm giống, cùng 1 đại lý thức ăn… Nông dân thu tiền tỷ từ tôm trước đây là "của hiếm" nay là chuyện bình thường… Con tôm thẻ chân trắng sau vài năm du nhập vào Nghệ An, nay đã làm nên điều kỳ diệu cho vùng đất này.

Không chỉ chú trọng vào con tôm, để nâng cao hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích, nhiều giống nuôi mới có giá trị kinh tế cao được đưa vào thử nghiệm như: cá bống bớp, cá vược, cua… Không chỉ có hơn 2000 ha nuôi tôm được chú trọng, diện tích nuôi cá nước ngọt cũng được mở rộng, với hơn 20.000 ha. Trong đó có 1.400 ha thả giống cá rô phi đơn tính, phục vụ cho xuất khẩu. Ở Quỳnh Lưu, Diễn Châu, nhiều cánh đồng nuôi cá rô phi đơn tính đã được quy hoạch. Chỉ chờ đầu ra thuận lợi là bà con sẽ đầu tư sản xuất theo hướng công nghiệp. Diện tích cá vụ 3 cũng đang tăng dần, đạt 8000 ha. Tuy là năm thời tiết không thuận lợi: hết hạn hán rồi đến mưa bão nhưng sản lượng cá nước ngọt vẫn đạt 26.000 tấn. Trong đó có 7000 tấn cá rô phi đơn tính.

Dân biển năm nay cũng được mùa. Quỳnh Phương một địa phương có đến hơn 75% lao động làm nghề khai thác thuỷ hải sản, với 617 phương tiện tàu cá. Năm 2010 Quỳnh Phương đã khai thác được gần 8000 tấn hải sản các loại, tăng hơn 50% so với kế hoạch đề ra. Giá trị sản xuất đạt 146 tỷ đồng. Bình quân một lao động đi biển thu nhập đạt 35 triệu/năm, so với 2009, tăng hơn 10 triệu đồng. Cá biệt có những tàu áp dụng nghề mới đem lại thu nhập cao như tàu Hoàng Đức Luận ở Tân Tiến với nghề lưới hồng túi mực. Thu nhập của lao động trên tàu đạt 50 triệu/năm (chưa kể nghề câu). Cá biệt có những chuyến đạt 170 triệu đồng. Ở Quỳnh Phương hiện bà con đang du nhập về nhiều nghề mới đem lại hiệu quả kinh tế như rê xù, bóng ghẹ, rê 3 lớp…

Ngoài vươn xa, vươn khơi, bám biển dài ngày, cải tiến phương thức đánh bắt, thắng lợi của năm 2010 giúp ngư dân ở đây mạnh dạn đầu tư hiện đại hoá sản xuất. Có 2 phương tiện đã đăng ký lắp máy dò cá tầm ngang với hơn 320 triệu đồng/máy để chuyển sang đánh bắt cá tầng đáy nâng cao hiệu quả sản xuất. Để bám biển dài ngày đòi hỏi phải có sự gắn kết hỗ trợ cho nhau. Tổ liên kết ra đời với nhiệm vụ hỗ trợ khai thác – tìm kiếm cứu nạn. 10 tổ liên kết đã được thành lập ở Quỳnh Lập với 70 tàu tham gia. Với sự hỗ trợ của Nhà nước về máy bộ đàm tầm xa, liên lạc giữa đất liền với các tổ được giữ thường xuyên giúp cho ngư dân yên tâm sản xuất…

Xu hướng chung của nghề cá Nghệ An là giảm phương tiện lắp máy công suất nhỏ – tăng phương tiện lắp máy công suất lớn để chống chọi với sóng to gió lớn. Toàn tỉnh có 4.292 phương tiện đánh bắt. Trong đó tàu lắp máy từ 90 CV trở lên là 830 chiếc, tăng so với năm 2009 là 24 phương tiện. Loại máy trên 400 CV là 79 chiếc, năm 2009 mới có 50 chiếc. Lượng tàu thuyền toàn tỉnh giảm so với năm trước là 164 phương tiện, trong lúc đó tổng công suất máy lại tăng lên. Đây là một bước đi đúng hướng nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở khu vực ven bờ.

Nhiều mô hình được xây dựng như mô hình "lưới rê đánh cá thu, cá ngừ ở Quỳnh Phương, Quỳnh Lưu; ứng dụng máy tời thu lưới vây ở Quỳnh Phương – Quỳnh Lập. Từ thành công, các mô hình đã và đang được nhân rộng nhằm nâng cao hiệu quả đánh bắt, giảm chi phí, tăng thu nhập cho người lao động. Từ những thay đổi trong sản xuất, năm 2010 sản lượng khai thác hải sản đã vượt con số 56.000 tấn.

Có thể nói năm qua thuỷ sản tỉnh Nghệ An vượt qua khó khăn một cách ngoạn mục. Được mùa, đời sống của hàng vạn ngư dân và nông dân được cải thiện.

Công Sáng

Theo Báo Nghệ An, 13/01/2011

 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!