Làng biển cửa sông Soài Rạp thuộc thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang có hàng trăm cư dân sinh sống nhờ khai thác hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá. Cảng cá Vàm Láng là khu vực sầm uất nhất huyện, ngày nào cũng có tàu về mang cá, tôm cung cấp cho đất liền và tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương.
Huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang có 761 tàu cá, trung bình mỗi tàu từ 7-10 lao động; trong đó nhiều nhất là thị trấn Vàm Láng với 401 chiếc, xã Tân Phước 96 chiếc… Các tàu cá được đầu tư khá hiện đại, hằng năm mang về đất liền hơn 22.000 tấn hải sản các loại. Trong năm 2012, sản lượng khai thác biển 34.900 tấn (tăng 3.500 tấn so với năm 2011), tổng giá trị trên 500 tỉ đồng. Cảng Vàm Láng là một trong những cảng cá lớn nhất tỉnh. Mỗi ngày nơi đây đón hàng trăm tàu thuyền của ngư dân địa phương và các tỉnh khác vào bán cá, mua nguyên vật liệu để tiếp tục ra khơi. Những ngày được mùa cá, cảnh mua bán diễn ra tất bật từ nửa đêm đến tận trưa. Nguồn cá từ đây được chuyển đi tiêu thụ ở nhiều nơi.
Bà Lê Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Vàm Láng cho biết, thị trấn hiện có hơn 500 hộ dân sống bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng và kinh doanh dịch vụ thủy sản. Số phương tiện khai thác thủy sản biển của các ngư dân trong thị trấn hơn 400 tàu, với tổng công suất 74.241 CV, trong đó có 249 phương tiện đánh bắt xa bờ, được đầu tư trang thiết bị khá hiện đại, đủ sức đánh bắt ở những ngư trường xa. Những năm qua, các dịch vụ hậu cần nghề cá như: cảng cá, sửa chữa tàu, ghe, thu mua, sơ chế hải sản, cung cấp dầu, nước đá… cũng phát triển nhanh chóng. Đến nay, thị trấn có gần 120 cơ sở chế biến thủy, hải sản; chủ lực vẫn là xẻ khô, làm mắm, làm ruốc, sơ chế ghẹ, sơ chế tôm, cua, sơ chế thủy sản đông lạnh phục vụ xuất khẩu. Nghề biển cũng góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người hàng năm của Vàm Láng tăng lên, năm 2012 đạt 21,5 triệu đồng/người. Năm 2012, sản lượng đánh bắt, khai thác thủy sản của thị trấn khoảng 22.549 tấn, đạt 107% kế hoạch năm, với giá trị hơn 300 tỉ đồng. “Bà con rất chịu khó làm ăn. Các chủ ghe không chỉ đầu tư ghe tàu phát triển mà còn lo cho con học hành nâng cao trình độ, mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực khác”- bà Thu nói.
Thị trấn Vàm Láng có rất nhiều ngư dân giỏi nghề biển, có thâm niên bám biển và làm giàu từ biển như: ngư dân Huỳnh Văn Sạch, Khu phố 3, thị trấn Vàm Láng có 3 ghe cào mực, trung bình mỗi chuyến ra khơi thu được khoảng 2-3 tấn mực, sau mỗi chuyến đi biển lời hơn 50 triệu đồng… Chuẩn bị cho chuyến biển mới, thuyền trưởng Nguyễn Văn Đạo cho biết, tính sơ sơ đã gần 70 triệu đồng rồi. Trúng mùa, ngư phủ được khoảng 10-12 triệu đồng/người; còn thất thì được 5-7 triệu đồng/người. Ông Đạo kể: “17 tuổi, ông đã đi biển rành rồi. Từ kéo lưới, ướp cá, khuân vác cá, vệ sinh ghe tàu, tới sửa chữa máy, tính toán luồng cá không có gì ông không làm được. Mỗi chuyến đi từ 2-3 tháng ròng rã ngoài biển, lúc nào cũng chăm chắm luồng mực nó chảy về đâu, rạng san hô chỗ nào cao, chỗ nào sâu để đánh lưới sao cho vừa đủ rộng mà kéo ra nhanh chớ không thì vướng là mất lưới. Trúng mùa, chủ bạn cùng hưởng, chia bạc trăm triệu vui tưng bừng; rồi khi dầm mình trong mưa bão, sóng gió đánh bạt tàu giữa khơi chỉ mong sao cho còn cái mạng mà về đất liền”…
Cảng cá Vàm Láng, thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang được xem là khu vực trung chuyển hải sản sầm uất nhất khu vực Gò Công, góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Những lao động ở cảng cá này cũng “đói, no” theo từng chuyến biển. Hằng ngày, 3 giờ sáng, Cảng cá Vàm Láng bắt đầu một ngày làm việc mới. Những chiếc ghe, tàu nối đuôi nhau cập cảng mang theo đầy ắp cá, tôm. Từng tổ bốc vác hơn chục thanh niên kéo xe đẩy ùa ra sát bờ kè nhận cá từ ghe rồi vội vàng kéo lên bờ, những phụ nữ tất tả chạy theo những xe đẩy cá. Chị Hà, ấp Xóm Đình, xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông, cho biết: “Ở đây tiền công tính theo tiếng, theo khối lượng công sức lao động bỏ ra nên ai cũng tranh thủ đến sớm để kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình. Công việc cực nhọc nhưng không làm lấy gì để mưu sinh”. Trên cảng cá, chị Kim Hoàn đang loay hoay sơ chế các loại cá cho chủ buôn trước khi đưa lên xe chở đi tiêu thụ. “Công việc của tôi theo mùa. Mùa nào tàu thuyền về nhiều thì việc nhiều, mùa mưa bão thì ít việc”- chị Kim Hoàn cho biết.
Trời càng về sáng, không khí làm việc trên bến cảng khẩn trương hơn. Chú Trần Văn Rồi, ấp Muôn Nghiệp, xã Bình Đông, huyện Gò Công Đông là đội trưởng đội bốc vác ở cảng cá cho biết, khoảng 14-20 (ÂL) hàng tháng là tàu, ghe đánh bắt ra khơi. Chú Rồi nói: “Ngày cao điểm có tới 70-80 lao động bốc vác. Mỗi tàu vận chuyển hàng trăm cây nước đá, hàng ngàn lít dầu. Mùa cá về lại thức thâu đêm chuyển cá về vựa, bốc lên xe. Cực mà có ăn là vui rồi. Chủ tàu, bạn ghe, anh em bốc vác đều là xóm giềng với nhau, được mùa là cả xóm vui lắm!”. Theo chú Rồi, mỗi ngày cao điểm người lao động kiếm được 200.000-300.000 đồng, ngày ít hơn cũng được 50.000-70.000 đồng/ngày, nên ai cũng mong chuyến biển về đầy ắp cá tôm. Cảng cá lúc nào cũng đông đúc, hàng trăm người cần mẫn mưu sinh. Thỉnh thoảng, họ dừng tay, túm tụm chuyện trò, cười đùa rồi lại nhanh chóng vào vị trí công việc mỗi khi có tàu cập bến.