T2, 06/07/2020 02:02

Nghề cá Việt Nam: Hướng đến hiện đại và có trách nhiệm

Chưa có đánh giá về bài viết

Ngành thủy sản Việt Nam đang dần “chuyển từ nghề cá thủ công sang nghề cá hiện đại và có trách nhiệm”, phù hợp với thông lệ quốc tế, dần đáp ứng được các yêu cầu thị trường, nhất là những thị trường lớn, thị trường khó tính.

Sự chuyển hướng này sẽ cải thiện và nâng cao đời sống ngư dân, đưa nghề cá Việt Nam phát triển bền vững. Nhân dịp đầu Xuân, cùng nghe bà Phan Thị Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế thanh tra chia sẻ về “cuộc cách mạng” này.

 

Có thể nói, mấy năm trở lại đây, ngành thủy sản Việt Nam đã dần “thay da đổi thịt”, Vụ trưởng có thể chia sẻ thêm về sự thay đổi này?

Bất kể ngành, lĩnh vực hoạt động nào muốn phát triển đúng hướng cần có hệ thống thể chế hoàn chỉnh, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và thông lệ quốc tế. Thời gian qua, Luật Thủy sản năm 2003 và hệ thống văn bản hướng dẫn đã làm bàn đạp để thúc đẩy nghề cá Việt Nam phát triển nhanh và có chỗ đứng trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu thực tiễn, yêu cầu của thị trường nhập khẩu (nguồn gốc sản phẩm phải đảm bảo tính hợp pháp, sản phẩm xuất khẩu phải được truy suất và có nguồn gốc rõ ràng, điều kiện nuôi trồng phải đáp ứng được yêu cầu…), ngành cần thiết phải có những thay đổi. Đó cũng là cơ sở để Luật Thủy sản 2017 ra đời và đã được Quốc hội thông qua, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật được hoàn thiện. Một số quy định quốc tế đã được nội luật hóa trong Luật, Luật được xây dựng theo hướng chi tiết nên các quy định quản lý đã được quy định cụ thể ngay trong Luật. Các quy định này sẽ làm tiền đề thúc đẩy nghề cá Việt Nam dần chuyển từ nghề cá thủ công sang nghề cá hiện đại và có trách nhiệm.

Ngư dân cần nói không với khai thác IUU – Ảnh: Vũ Sinh

 

Theo Vụ trưởng, quy định nào người dân cần quan tâm để triển khai thực hiện ngay?

Theo tôi, có ba quy định cần đặc biệt quan tâm. Một là, trong hoạt động khai thác thủy sản, người dân cần nắm bắt các quy định về hạn ngạch khai thác; Quy định về chống khai thác IUU như: Giấy phép khai thác (áp dụng cho cả tàu khai thác và tàu hậu cần khai thác thủy sản); cập cảng chỉ định đối với tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên; Lộ trình lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá (tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 m trở lên phải lắp trước ngày 1/7/2019; đối với tàu làm nghề lưới kéo, câu cá ngừ đại dương có chiều dài lớn nhất từ 15 m đến dưới 24 m phải lắp trước ngày 1/1/2020; tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m đến dưới 24 m phải lắp trước ngày 1/4/2020); đánh dấu tàu cá; xác nhận chứng nhận thủy sản từ khai thác; thông báo khi cập cảng; nộp nhật ký khai thác…

Hai là, trong NTTS: Tổ chức, cá nhân NTTS bằng lồng bè hoặc nuôi đối tượng thủy sản chủ lực trước ngày 25/4/2019 phải thực hiện đăng ký lồng bè, đối tượng nuôi chủ lực trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày 25/4/2019; Cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản các đối tượng chủ lực, cơ sở sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường trong NTTS đã hoạt động trước ngày 25/4/2019 tiếp tục được hoạt động và phải làm thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện trước ngày 1/1/2020; Cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản không thuộc đối tượng quy định trên đã hoạt động trước ngày 25/4/2019, tiếp tục được hoạt động và phải làm thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện trước 1/1/2021…

Ba là, quy định về xử phạt vi phạm hành chính đã nâng lên nhiều lần đặc biệt các hành vi vi phạm IUU như: khác thác trái phép ngoài vùng biển Việt Nam bị phạt tiền đến 2 tỷ đồng, tịch thu tàu cá, tịch thu thủy sản khai thác, tước giấy phép khai thác hoặc thu hồi giấy phép khai thác…

 

Vì sao ngành thủy sản Việt Nam vẫn chưa thể gỡ được “thẻ vàng”? Thời gian sắp tới, ngành sẽ làm gì để khắc phục những tồn tại, hạn chế, thưa Vụ trưởng?

Như chúng ta đã biết, nếu chỉ có ngành thủy sản nỗ lực thì không thể gỡ được “thẻ vàng” mà cần cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân vào cuộc để nỗ lực triển khai các khuyến nghị của EC. Vì, Đoàn thanh tra của EC đã khẳng định, còn một tàu cá Việt Nam vi phạm trái phép vùng biển nước ngoài thì Việt Nam không thể gỡ được “thẻ vàng”.

Hiện nay, điều đầu tiên chúng ta cần làm là phải chấm dứt được tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm trái phép vùng biển nước ngoài, tiếp đến là kiểm soát được đội tàu, dần giảm số lượng tàu cá để cân bằng cường lực khai thác với nguồn lợi hải sản, kiểm soát được nguồn gốc thủy sản khai thác nhập khẩu vào Việt Nam, nguồn gốc thủy sản từ khai thác trong nước xuất khẩu.

 

Một chút chia sẻ của Vụ trưởng về những vấn đề của ngành thủy sản Việt Nam?

Theo tôi, hệ thống thể chế – hành lang pháp lý đã hoàn thiện, đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế. Điều này đã giúp cho ngành thủy sản Việt Nam có khả năng chuyển mình xác lập vị trí cao trên trường quốc tế, phát triển theo hướng bền vững và có trách nhiệm. Ví dụ gần đây nhất, Mỹ đã công nhận tương đương cho cá tra của Việt Nam, gỡ thuế chống bán phá giá cho một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản… Đây là những tín hiệu vui cho ngành thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, mặc dù có hệ thống thể chế hoàn thiện, tiến bộ, song việc thực thi trên thực tế còn rất hạn chế, điều này đã ảnh hưởng lớn đến việc gỡ “thẻ vàng” của ngành hải sản và sức cạnh tranh của sản phẩm thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế. Do đó, tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động thủy sản, vì quyền lợi của chính mình hãy nói không với khai thác IUU và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về thủy sản và pháp luật có liên quan.

Trân trọng cảm ơn Vụ trưởng!

>> Bà Phan Thị Huệ: “Nhân dịp đầu Xuân Canh Tý, tôi mong ngành thủy sản ngày càng vững mạnh, tiếp tục khẳng định vị trí và vai trò trong sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Tôi xin gửi tới bà con nông dân, ngư dân lời chúc mạnh khỏe, hạnh phúc, khai thác an toàn, được mùa, được giá.

Thu Hồng (Thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!