T2, 06/07/2020 10:32

Nghề câu cá, kiếm tiền triệu

Chưa có đánh giá về bài viết

Hằng năm, bắt đầu vào khoảng tháng 4 âm lịch, ngư dân vùng biển lại cầm câu ra biển đánh cá. Nghề đánh bắt và khai thác thủy hải sản đã có từ lâu đời và trở thành một nghề truyền thống của người dân thị trấn Cửa Tùng (Vĩnh Linh, Quảng Trị).

Thị trấn Cửa Tùng có diện tích đất tự nhiên 469 ha, có bờ biển dài 5 km, có bãi tắm và cửa lạch, vùng biển có nhiều rạn đá và san hô là nơi trú ngụ, sinh sống của các loài thủy hải sản có giá trị kinh tế cao, cách đảo Cồn Cỏ gần 30 km. Hiện nay, Cửa Tùng đang trên đà phát triển nhanh chóng, thị trấn hiện có 11 khu phố với 1.701 hộ và 6.421 nhân khẩu, trong đó có 7 khu phố làm nghề khai thác thủy hải sản, với gần 120 tàu thuyền công suất lớn nhỏ khác nhau. Trước đây, do chưa áp dụng khoa học kỹ thuật và trang thiết bị vào khai thác nên sản lượng khai thác của ngư dân còn thấp. Những năm trở lại đây, được nhà nước và chính quyền địa phương hỗ trợ về vốn, trang thiết bị, kỹ thuật đánh bắt… cộng với việc ngư dân vùng biển Cửa Tùng mạnh dạn đầu tư mua các tàu thuyền lớn để đánh bắt trung bờ, xa bờ nên sản lượng khai thác ngày càng cao. 

Cầm câu ra biển đánh cá, cứ nghĩ đơn giản như là một thú vui, nhưng đối với các ngư dân, là một việc đòi hỏi tính kiên nhẫn, 2 giờ sáng là thời gian bắt đầu cho một ngày làm việc mới.

 

Cá về bến

Trước khi bắt đầu một chuyến ra khơi, các thuyền viên phải kiểm tra đầy đủ dụng cụ, thiết bị, đặc biệt là dầu chạy máy, đá lạnh, cần câu, mồi câu, đồ ăn nước uống cho các thuyền viên. Khi người thuyền trưởng bắt đầu đưa thuyền rẽ sóng ra khơi cũng là lúc các thuyền viên tranh thủ chợp mắt, máy định vị sẽ cho biết ở những con nước nào có nhiều cá, hay những “ngôi nhà cá” được các ngư dân dựng trên biển bằng lá dừa hoặc lá mè tré được phơi khô. Những “ngôi nhà cá” có khung làm bằng tre dựng thành hình chóp có đáy được buộc cách các chân đế khoảng 50 – 60 cm. Ở giữa khối hình chóp đó sẽ được dựng đá hoặc cát giúp cho “ngôi nhà” chìm sâu dưới nước. Lá mè tré và lá dừa sau khi phơi khô được buộc thành từng bó và buộc vào xung quanh khung tre vừa tạo ra nơi trú ẩn cũng như tạo nguồn thức ăn cho cá, bởi những lá khô ngâm lâu ngày dưới nước sẽ là nơi cho rong rêu và các sinh vật phù du bám vào phát triển. Để cho “ngôi nhà” được giữ lại trên biển thì nó được buộc với các quả phao bằng nhựa, trên cùng của “ngôi nhà” sẽ buộc với các khối phao bọc trong các bao tải nhằm đánh dấu vị trí cũng như “cơn” riêng của từng thuyền cá. Điều đặc biệt là dù cho chủ “ngôi nhà cá” hôm đó không ra khơi thì các tàu thuyền khác không có quyền xâm phạm.

15 giờ chiều là lúc các thuyền trưởng cho tàu cập bến, kết thúc một chuyến ra khơi, lúc này trên các boong tàu, sản lượng khai thác được đã lên đến hàng tạ, có thuyền lên đến hàng tấn thu về khoảng 15- 20 triệu đồng/chuyến, chia trung bình cho các thuyền viên mỗi người cũng được gần 1 triệu/ngày.

Thuyền trưởng Lê Văn Dũng, khu phố An Đức 3, thị trấn Cửa Tùng, cho biết: “Năm nay sản lượng khai thác nhiều hơn những năm trước, chủ yếu là cá xanh, có ngày câu được 4 đến 5 tạ cá xanh, giá cá xanh khoảng 30 nghìn/kg, nhờ vậy mà năm nay người dân vùng biển phấn khởi hơn nhiều”. 

Đến Cửa Tùng trong những ngày này, chúng tôi cảm nhận được không khí vui mừng của ngư dân sau mỗi chuyến ra khơi. Anh Nguyễn Thanh Chương, ở khu phố An Hòa 2, thị trấn Cửa Tùng, một ngư dân đã hơn 20 năm gắn bó với biển bộc bạch: “Tôi đi biển từ khi học xong lớp 9, những năm trước sản lượng rất thấp, cao nhất mỗi chuyến đi chỉ được 400- 500 ngàn đồng là nhiều, rất hiếm khi đi câu được 700- 800 ngàn đồng/ngày. Nhưng năm nay nhờ gió êm, biển lặng nên mỗi chuyến ra khơi sau khi bán cá xong cũng được chia gần 1 triệu đồng/người, và hầu như chuyến nào cũng đều nhau. Điều đáng mừng hơn là năm nay sản lượng đánh bắt các tàu thuyền tương đương nhau, nên mỗi chuyến ra khơi luôn đem lại niềm vui cho bà con nơi đây”.

Khi công nghệ đánh bắt được cải tiến, ngư dân ngày càng quyết tâm bám biển không những giúp cải thiện cuộc sống mà nhiều gia đình trở nên khá giả, các trang thiết bị được sắm sửa ngày càng đầy đủ hơn. Anh Nguyễn Văn Khoa, thuyền trưởng của một chiếc tàu có công suất lớn ở khu phố An Đức 3, vui mừng cho biết: “Thuyền của tôi gồm 10 thuyền viên. Năm nay khác với mấy năm trước là các thuyền viên đều rất phấn khởi lúc đi cũng như lúc về. Tàu tôi đi từ tháng 4 âm lịch đến giờ chưa ngày nào dưới 2 tạ cá, chủ yếu cá xanh, mỗi con từ 0,8 kg trở lên. Tôi và các ngư dân ở đây chỉ mong cho trời yên, biển lặng đến hết mùa câu khoảng tháng 10, 11 âm lịch để ngư dân tiếp tục bám biển kiếm tiền xây nhà và cho con cái học hành đến nơi đến chốn”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Tế, Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Tùng cho biết: “Trong chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Đảng ta xác định xây dựng nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển và giàu từ biển. Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị trấn Cửa Tùng luôn xác định khai thác thủy sản là một nghề mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của địa phương. Người dân thị trấn Cửa Tùng mong muốn Đảng và Nhà nước quan tâm hơn nữa giúp ngư dân có thêm tàu thuyền, trang thiết bị, tiếp tục bám biển nhằm cải thiện cuộc sống và bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương”.

Ngô Thủy

Báo Quảng Trị

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!