Từ sự tò mò một đoạn tư liệu trong sách “Vi cá mập đảo Phú Quý là mặt hàng hải sản nổi tiếng có giá trị kinh tế cao, đã từng đem lại cho ngư dân một khoản thu nhập lớn”, tôi tìm đến gặp những lão ngư ở thôn Quý Thạnh (xã Ngũ Phụng) để nghe họ kể về những ngày dọc ngang biển Đông câu cá mập.
Lão ngư Đoàn In say sưa kể chuyện bủa mập của ông thời trẻ.
Bủa cá mập ngày ấy
Mở đầu câu chuyện, bằng giọng nằng nặng, đậm vị biển khơi, lão ngư Đặng Lữ (năm nay trên 60 tuổi) không giấu nổi sự tự hào của ông về nghề câu cá mập của quê mình: “Tui không rõ nghề bủa cá nhám (cách gọi cá mập của người Phú Quý) có từ khi nào. Từ ngày lớn lên đã thấy ông, cha làm nghề này, rồi sau truyền lại cho bọn tui. Ở Phú Quý, duy nhất chỉ có Quý Thạnh là chuyên làm nghề này và cũng nhờ nó mà kinh tế gia đình mới đỡ vất vả”.
Cá mập có tên khoa học Selachimorpha, là một nhóm cá thuộc lớp sụn, với hàng trăm loài. Ở Phú Quý, ngư dân thường gặp một số loài cá mập sau: mập bông, mập cồn, mập chuối, mập nhọn… Cách nay độ trăm năm, việc khai thác, đánh bắt cá mập đã trở thành một nghề nổi trội, thu hút đa số ngư dân đảo Phú Quý; trong đó, thôn Quý Thạnh là địa phương dẫn đầu, nhà nhà đều hành nghề bủa cá mập.
Mùa bủa (cách gọi quen thuộc của ngư dân) thường diễn ra trong 4 tháng (1- 4 âm lịch), nhưng dần về sau thì câu quanh năm. Ngư trường chủ yếu là quanh đảo Phú Quý, Nam quần đảo Trường Sa, thậm chí sát hải phận các nước Đông Nam Á, như: Indonesia, Malaysia.
Lão ngư Đoàn In, năm nay 72 tuổi nhớ lại: “Tui theo cha đi bủa (cá) nhám sớm lắm, ý như vừa làm vừa học nghề đó chú. Ngay sau khi ăn tết, cả làng náo nức ra khơi, cả một đoàn thuyền hừng hực lao đi, náo động cả một vùng biển trời”. Mỗi lần ra khơi, ngư dân Quý Thạnh thường tổ chức thành 1 đội khoảng 3 chiếc ghe. Trên mỗi ghe có 8 – 10 lao động.
Ngư cụ bủa mập là một sợi dây cước dài, gọi là dây triêng, đây là dây câu chính của dàn câu. Dây triêng có đường kính khoảng 3 – 4mm dài khoảng khoảng 18.000 – 20.000m. Trên sợi dây triêng, cứ cách 50m buộc một đoạn dây cước, đường kính nhỏ hơn dây triêng, gọi là thẻo câu. Dây thẻo được tạo từ 3 sợi dây cước se vào thành 1, dài khoảng 10m. Dưới cùng của thẻo câu là đoạn dây đờn làm kẽm (cũng 3 se thành 1) dài độ 1m. Sau cùng, là lưỡi câu làm bằng inox 6 li, trên có khoen để buộc vào đoạn dây đờn. Các lão ngư Quý Thạnh cho hay, các phương tiện đi câu đều được làm thủ công. Ví như lưỡi câu, ngư dân phải mất nhiều ngày để mài giũa, uốn cong; hoặc bỏ ra cả ngày để se dây thẻo (gọi là đánh thẻo). Thường một dàn bủa mập có khoảng 400 chiếc lưỡi câu. Cùng với con tàu, dàn câu này là khối tài sản của ngư dân.
Thịt cá mập phơi khô.
Mồi câu là các loại cá tươi, có nhiều máu, vị càng tanh, mập càng khoái, như: cá lồ ồ, cá nục, cá chuồn, cá ngừ… thậm chí phải bắt cá heo cắt khúc để làm mồi câu. Khi mồi câu đã móc vào lưỡi, ngư dân cho ghe chạy theo hướng đã định sẵn rồi buông câu. Thời gian buông câu ở tầm 3 – 4 giờ chiều, sau khi câu chìm vào lòng đại dương chờ cá xuất hiện thì các thủy thủ trên tàu tranh thủ ăn uống, nghỉ ngơi. Đến khoảng 11 – 12 giờ đêm thì tiến hành thăm câu, hoặc cũng đột xuất khi cá xuất hiện và “cắn câu”.
Đi biển là một nghề nguy hiểm. Và nghề câu cá mập là nghề nguy hiểm nhất. Mập là loài cá hung dữ; có những con rất to, con to nhất có thể lên đến hàng tấn. Răng chúng cấu tạo nhiều hàng, lúc tấn công có thể nuốt nguyên con người. Sức vùng vẫy có thể làm chao đảo gây chìm ghe câu. Vì thế, để bắt được chúng là một điều không đơn giản. “Khi dàn câu căng cứng, chiếc ghe bắt đầu tròng trành, nghĩa là mập đã “dính”. Lúc đó toàn bộ thủy thủ phải tập trung cao độ, cơ bắp căng lên, chân đứng tấn, đồng lòng dốc sức thu câu. Nếu con lớn phải dùng lao đâm chết, rồi dùng móc khấu lên”, ông Đoàn In kể lại.
Cũng theo các lão ngư này, ngày xưa ở đảo Phú Quý mập nhiều vô kể, ngư dân chỉ cần dong buồm ra 7 – 8 hải lý là có thể bủa được. Thường thời gian câu từ 20 – 30 ngày, dịp nào “trúng mánh” chỉ 2 – 3 đêm “đủ tổn” thì về.
Khi được hỏi về quá trình xử lý cá sau khi bắt được, ông Đoàn Lữ cười cho biết “nhất vi, nhì gan, tam bì, tứ nạc”. Sau ông giải thích thêm: vi, gan, da (bì), thịt là 4 thứ quý nhất của cá mập. Cá mập sau khi bắt lên dùng dao cắt lấy những phần sụn như: vây, đuôi, sau đó làm sạch phần da bên ngoài ta thu được vi. Vi cá có màu trắng trong, hoặc trắng ngà; được cung cấp cho thị trường Phan Thiết, Vũng Tàu, Mỹ Tho, Nha Trang. Gan cá sử dụng để nấu lấy dầu. Với phần thân cá, ngư dân lột lấy da đem phơi khô, có thể sử dụng để làm đồ thuộc da, hoặc cắt khúc, ngâm nước làm thực phẩm. Thịt được cắt thành từng thỏi nhỏ phơi khô; hoặc chế biến thành món ăn. Những khi nhiều quá, chỉ cần cắt lấy vi, phần còn lại đem bỏ lại xuống biển.
Theo tài liệu y học, vi và dầu cá mập là những thực phẩm quý, bổ dưỡng cho cơ thể con người; có thể gọi chúng là thực phẩm chức năng hoặc dược phẩm. Chính vì vậy, vi cá có giá cả rất cao trên thị trường, lên đến hàng triệu đồng 1 kg vi khô. Do giá vi cao nên trước đây nghề câu cá mập thu hút rất lớn ngư dân Phú Quý tham gia; có thời điểm số lượng tàu thuyền hành nghề bủa mập chiếm gần 50% tổng số tàu thuyền trên đảo với những phương tiện đánh bắt hiện đại.
Và… bây giờ
Sau khi được nghe những câu chuyện hấp dẫn về đại dương, về cuộc đời ngư dân trên đảo từ lão ngư thôn Quý Thạnh, tôi tìm đến một quán ăn trên đảo để được thưởng thức món cá nhám. Sau khi xem qua thực đơn, tôi chọn món cá nhám hấp cuốn bánh tráng; nhưng thật tiếc nhận được câu trả lời từ cô chủ quán: “Món này mấy hôm nay không có. Chú thông cảm gọi món khác”. Rồi cổ tâm tình: “Cá nhám giờ hiếm lắm chú, năm thi mười họa tôi mới mua được một con, hôm nào có thì bán đắt như tôm tươi”. Tôi đành chọn món khác và không hỏi tại sao vì “khoảng chục năm trở lại đây, người ta bán ghe, bán đồ câu hết rồi. Hiện giờ số người làm nghề này chỉ đếm trên đầu ngón tay” mà tôi đã nghe lúc gặp các lão ngư thôn Quý Thạnh trước đó.
Cùng chung tình cảnh với cô chủ quán ăn, cơ sở thu mua hải sản Cô Tám ở thôn Quý Thạnh cũng như các cơ sở khác trên đảo luôn trong tình trạng “khát” hàng. Chủ cơ sở cho hay: “Cá tươi còn không có, có đâu để xẻ phơi chú! Từ đầu năm tới giờ, tui có mua được con nhám nào đâu. Hồi những năm 80 (những năm 1980) nhiều lắm, tui mua xẻ đâu có kịp, phải huy động cả nhà làm mới khắp”. Chủ cơ sở nói thêm: “Gia đình có “chén cơm” ăn cũng từ nghề mua, xẻ phơi cá mập”. Cũng được biết rằng, do nguồn cá mập khan hiếm nên Cô Tám đã chuyển sang thu mua các loài cá khác thay vì chỉ mua một thứ hàng như trước.
Từ những ngư dân tôi gặp và câu chuyện của họ, so sánh với tình trạng hiện nay, tôi nhận ra rằng nguồn lợi biển không phải là vô tận. Biển luôn hào phóng với con người, song con người cũng phải biết bảo vệ nguồn lợi biển. Nếu chỉ biết khai thác tận diệt, sẽ đến lúc cạn kiệt tài nguyên. Khi ấy phương tiện đánh bắt dù hiện đại đến đâu, đi xa đến đâu, kết quả vẫn là những con thuyền trống không cùng với những phí tổn không đáng có. Hình như điều đó đang xảy ra ít nhiều thì phải?!