Trong bóng chiều nhập nhoạng, ông Phạm Minh Hồng hồi tưởng: Thời trước, ông nội tôi và cha tôi từng đóng hàng trăm chiếc ghe bầu để chở hàng đi miền Nam. Những chiếc ghe lớn chờ đầy hàng hóa giương buồm lướt đi trên biển đã trở thành niềm tự hào của không chỉ dòng họ tôi mà của cả người dân làng Đức Trạch…
Nghề truyền thống một thời vang bóng…
Ông Phạm Minh Hồng (sinh năm 1961, Đức Trạch, Bố Trạch), là thế hệ thứ tư theo nghề đóng tàu trong gia đình. Và cả bốn người, gồm cố nội, ông nội, bố và ông Hồng đều đóng vai trò thợ cả. “Khi tôi còn bé, bố tôi đã là một thợ cả đầy kinh nghiệm.
Thời điểm ấy, việc đóng mới những chiếc tàu công suất lớn như bây giờ chưa có, mà phổ biến là các loại thuyền chài nhỏ và ghe buôn. Bố tôi kể rằng, vào khoảng những năm cuối thế kỷ XIX, cố và ông nội tôi chuyên đóng các loại ghe bầu chở hàng có tải trọng từ 40 đến 50 tấn. Ghe dùng buồm và có những chuyến rong ruổi trên biển hàng mấy tháng trời. Điểm đến của các ghe buôn là các tỉnh miền Nam, mà phổ biến là Mũi Né (thuộc tỉnh Bình Thuận ngày nay – PV). Bây giờ, ở Mũi Né hiện có một ngôi làng gồm có người Lý Hòa và Đức Trạch sinh sống…”, ông Hồng say sưa kể lại.
Và trong câu chuyện của ông luôn thấp thoáng bóng dáng của HTX đóng tàu thuyền Đức Thuận. Được thành lập vào cuối những năm 50 của thế kỷ trước, HTX đóng tàu thuyền Đức Thuận đã có những năm tháng huy hoàng với nghề đóng tàu. Trong hơn 30 năm tồn tại với con số xã viên ổn định khoảng 50 người, đã có hàng ngàn chiếc tàu lớn nhỏ ra đời từ hợp tác xã.
Ông Phạm Minh Hồng (người bên trái) và con tàu đang đóng dở.
Có thể khẳng định rằng, những khởi sắc trong đời sống của người dân Đức Trạch thuở ấy, có sự đóng góp không nhỏ của những xã viên HTX đóng tàu thuyền Đức Thuận. Và cũng từ chiếc nôi này đã cho ra đời những người thợ với đôi bàn tay “vàng” mà dù thời gian đã trôi qua rất lâu, người Đức Trạch vẫn luôn nhớ đến họ. Đó là những tay thợ cả nổi tiếng như Phạm Văn Hoàng, Phạm Văn Tụi, Phạm Văn Chiến… Bây giờ, họ đã bước qua tuổi “xưa nay hiếm” và từ giã nghề đóng tàu đã lâu. Ông Hồng nói: “Họ là những kho kinh nghiệm mà những người như tôi và thế hệ đi sau vẫn tham khảo ý kiến để những con tàu của mình đóng ngày một hoàn thiện hơn!”.
HTX đóng tàu thuyền Đức Thuận giải thể vào năm 1988. Lúc này, với những kinh nghiệm của mình, trên 50 xã viên chia ra thành nhiều nhóm nhỏ lẻ. Ông Hồng cũng dẫn đầu một nhóm. Ông trút hết vốn liếng của mình và vay mượn thêm bà con để mua nguyên vật liệu và đóng tàu theo đơn đặt hàng của ngư dân. Trong khoảng hai năm đầu, nhóm của ông khá phát triển. Nhưng đến năm thứ ba, ngư dân liên tiếp mất mùa đã đẩy tổ hợp của ông rơi vào khó khăn khi không thu được nợ. Mà chi phí cho mỗi con tàu là rất lớn. Ông và các anh em của mình không còn đủ sức để chống chọi. Yêu nghề, nhưng không thể duy trì hình thức làm ăn này nữa, họ quay trở về với vai trò người thợ.
Và trong hơn hai thập kỷ vừa qua, ông Phạm Minh Hồng đã tham gia đóng hàng trăm con tàu có công suất từ 45 CV trở lên. Ông cho biết, mỗi con tàu có ba công đoạn. Công đoạn được xem là khó nhất chính là đóng thân và vỏ tàu. Những thợ cả (trong đó có ông) thường đảm nhận công đoạn này. Chỉ vận dụng những kinh nghiệm dân gian mà mình học được, họ tự thiết kế thân, vỏ tàu và điều chỉnh phù hợp theo yêu cầu của chủ tàu. Và trên thực tế, trong số hàng trăm con tàu ông tham gia đóng, hầu hết đều hoạt động ổn định và phù hợp với các ngư trường truyền thống của ngư dân Đức Trạch, góp phần mang lại nguồn hải sản và thu nhập dồi dào cho địa phương.
Còn ông Trương Công Hoạt, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Trạch cho biết: Từ đầu năm đến nay, ngư dân địa phương đã đóng mới 7 tàu công suất từ 400CV trở lên, bổ sung vào lực lượng tàu đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa đạt gần 100 chiếc, đạt chỉ tiêu của HĐND xã đề ra.
… và buổi xế chiều
Khi tôi hỏi hiện tại thợ đóng tàu của Đức Trạch có khoảng bao nhiêu người, ông Hồng trầm tư: Tổng cộng chỉ khoảng dưới 20 người, trong đó thợ cả là người Đức Trạch chỉ còn tôi và anh Đậu Văn Ba. Tôi thì sắp sửa “nghỉ hưu” rồi, chỉ còn lại anh Ba là thế hệ kế tiếp… Bây giờ thanh niên trai tráng trong làng ít người theo nghề này lắm, tôi e rằng mai này, dân Đức Trạch muốn đóng tàu mới thì phải thuê thợ từ nơi khác về thôi…
Điều lo lắng của ông Hồng là hoàn toàn có cơ sở. Hiện tại ở địa phương có khá nhiều thợ đóng tàu đến từ tỉnh Nghệ An. Nhiều người trong số họ đóng vai trò thợ cả, còn thợ của Đức Trạch chỉ được thuê để thực hiện các công đoạn đơn giản. Với tiền công dao động 200.000 đồng/ngày, họ chỉ đơn thuần xem đó là một nghề kiếm sống và dường như không còn “say nghề” như cha ông mình thuở xưa.
Con tàu có công suất 500CV vừa mới hạ thuỷ, thợ đóng tàu đang hoàn thiện nốt những khâu cuối cùng để ra khơi.
Ông Hồ Đăng Chiến, Chủ tịch UBND xã Đức Trạch cũng khẳng định: Nghề đóng tàu đang dần mai một tại địa phương, cho dù nhu cầu đóng mới và sửa chữa tàu ở đây là khá cao. Nếu Đức Trạch không nhận được sự hỗ trợ của tỉnh, huyện trong việc khôi phục và phát triển nghề này, thì chắc chắn việc thất truyền là không tránh khỏi… Nếu điều đó xảy ra thì sẽ là một thiệt thòi và nuối tiếc lớn cho địa phương, đặc biệt là những kinh nghiệm quý của nghề sẽ biến mất cùng với những người thợ lành nghề khi họ không còn có cơ hội để truyền lại cho con cháu…
Giấc mơ của người thợ
Có lẽ, đấy không chỉ là giấc mơ của riêng ông Hồng. Khi tôi có mặt tại bãi đóng tàu và gặp gỡ các cư dân nơi đây, nhiều người đều cho rằng, quy hoạch riêng một khu vực để đóng mới và sửa chữa tàu cá là phù hợp với Đức Trạch. Hiện tại, các tổ nhóm đóng tàu hoạt động theo kiểu tự phát, chỗ nào phù hợp cho quá trình đóng và hạ thủy tàu thì chọn chỗ đấy. Và họ hiểu rằng, việc đóng tàu theo kinh nghiệm dân gian mà không có các bản vẽ kỹ thuật, thợ kỹ thuật là vi phạm các quy định của cơ quan chức năng. Để có thể kết hợp những kinh nghiệm quý từ những người thợ tài hoa và các kiến thức khoa học trong nghề đóng tàu ngày nay, nếu không có một cơ sở đóng tàu được đầu tư ổn định, thì đó chỉ là một giấc mơ xa vời…
“Tôi thực sự muốn truyền lại những kinh nghiệm của mình cho con em trong làng, nhưng mà khó quá, không biết phải làm răng. Nếu tỉnh, huyện quan tâm hỗ trợ để xã tôi có một địa điểm vừa đóng và sửa chữa tàu thuyền, đồng thời tạo điều kiện cho con em thiếu việc làm học nghề, thì tôi tin nghề này sẽ tiếp tục phát triển và đáp ứng nhu cầu của ngư dân địa phương và cả các xã lân cận!”, ông Hồng trăn trở.
Đồng tình với ý kiến này, ông Hồ Đăng Chiến, Chủ tịch UBND xã khẳng định, cùng với sự phát triển của nghề biển ở Đức Trạch, khôi phục nghề đóng tàu truyền thống là hướng đi đúng. Địa phương sẽ phát triển bền vững hơn khi vừa tham gia đánh bắt hải sản, vừa có thể cung ứng các dịch vụ hậu cần, sửa chữa và đóng mới tàu thuyền. Những người như ông Hồng chính là những hạt nhân quan trọng trong việc khôi phục và phát triển nghề truyền thống của quê hương…
Trước lúc chia tay, ông Hồng dẫn tôi đi xem con tàu ông đang đóng. Con tàu dài trên 21m, công suất dự kiến trên 500CV với tổng trị giá khoảng 2,5 tỷ đồng. Đứng trên mũi tàu, ông say sưa: “Những tàu này sẽ tham gia đánh bắt hải sản ở các ngư trường xa như đảo Trường Sa, Hoàng Sa, vịnh Bắc Bộ… Tôi và anh em đóng tàu luôn cố gắng hết sức để cho ra đời những con tàu đạt yêu cầu, để ngư dân làng mình yên tâm đi biển. Tôi từng trải qua bốn năm là lính đảo Trường Sa, có mặt ở hầu hết các đảo lớn nhỏ. Từng ấy thời gian vật lộn với sóng gió Trường Sa, tôi cũng hiểu được phần nào đặc điểm của biển xa, vì vậy, trong quá trình đóng tàu, tôi luôn cố gắng vận dụng những kinh nghiệm để sản phẩm của mình và các anh em thợ ngày một hoàn chỉnh hơn!”.
Chia tay làng biển Đức Trạch và những con người tâm huyết với quê hương, tôi cũng mơ giấc mơ của ông Hồng và những thợ đóng tàu đã bao năm gắn bó với nghề. Rằng nghề đóng tàu sẽ không mai một mà tiếp tục phát triển, như đã có một thời vang bóng…