(TSVN) – Mặc dù không phải là sản phẩm tiêu dùng đặc trưng nhưng có thể thấy, chỉ khi vào dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu sử dụng các loại thủy sản khô trên thị trường mới bắt đầu tăng mạnh. Cũng từ nhu cầu này mà trong những tuần qua, nghề làm khô tại nhiều tỉnh miền Tây đã bắt đầu nhộn nhịp, để kịp thời cung ứng cho thị trường tiêu dùng ngày Tết.
Tại xã Khánh An, huyện An Phú, An Giang những ngày này, hàng trăm lao động từ người già đến trẻ em đều tất bật làm khô. Người đánh vảy, người mổ cá, quần quật suốt ngày từ khâu làm sạch đến ướp muối để hôm sau kịp đưa lên giàn phơi, nhanh chóng có cá khô kịp phục vụ cho những ngày Tết đang đến.
Anh Huỳnh Văn Dũng, chuyên làm khô lâu năm ở xã Khánh An cho biết, làng khô ở đây sản xuất quanh năm, nguồn nguyên liệu dồi dào được nhập từ Thái Lan về qua cửa khẩu Campuchia. Còn vào mùa lũ, lượng cá đồng trong nước phong phú, nên các hộ nuôi đem cá tươi đến tận nơi bán. Cả gia đình anh cộng thêm với khoảng 5 lao động, mỗi đợt sản xuất cho ra trên 3-6 tấn khô, bán với giá tại chỗ là 160.000 – 220.000 đồng/kg.
Theo ông Nguyễn Tấn Tài, chủ cơ sở khô cá lóc Kim Huê, ở huyện Chợ Mới, An Giang, vào những tháng gần Tết như hiện nay, cơ sở ông tiêu thụ 800 kg đến 1 tấn tấn khô, trong khi ngày thường khoảng 250 – 300 kg khô thành phẩm.
Tương tự, tại các làng nghề khô biển ở các huyện Ngọc Hiển, Năm Căn, Trần Văn Thời, Đầm Dơi (tỉnh Cà Mau), vào thời điểm này nhà nhà đều tranh thủ thời gian, làm không kể ngày đêm để kịp cung ứng sản phẩm cho thị trường Tết và giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Bà con cho biết, nghề sản xuất cá khô, bánh phồng tôm hoạt động quanh năm. Tuy nhiên, cao điểm là dịp cuối năm, lúc này trùng với thời điểm hoạt động đánh bắt biển nên nguồn nguyên liệu cá tôm rất dồi dào, kịp thời cung ứng cho các cơ sở sản xuất. Các mặt hàng được khách hàng ưa thích, nhất là dịp Tết Nguyên đán hàng năm như khô cá kèo, khô cá khoai, khô cá ngát, tôm khô, bánh phồng tôm…
Tại khu vực ấp Cảng, thị trấn Trần Đề (Sóc Trăng) vào thời điểm này mới cảm nhận được hết không khí nhộn nhịp, hối hả của nghề làm khô nơi đây cùng mùi vị đặc trưng của nhiều loại cá khô phảng phất theo hơi gió biển. Nhiều giàn khô được dựng lên, những mẻ khô cứ đều đặn nối tiếp nhau, như bao ước vọng về sự duy trì và phát triển mạnh mẽ hơn làng nghề truyền thống của địa phương. Và thứ quà từ vùng quê giáp biển cứ như thế níu chân khách thập phương từ hàng chục năm nay.
Bên cạnh việc giữ giá bình ổn, các cơ sở sản xuất đặc sản phục vụ thị trường Tết ở Cà Mau, An Giang, Đồng Tháp… còn chú trọng đến vấn đề bảo đảm vệ sinh ATTP, nhằm bảo vệ sức khỏe, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Để giữ vững uy tín cho “thương hiệu khô Trần Đề” (Sóc Trăng), hầu hết các cơ sở tại đây đều rất chú trọng việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm ngay từ khâu nhập hàng, phân loại đến bảo quản, đóng gói. Ông Lê Văn Dũng, Chủ vựa khô Dũng Phượng, thị trấn Trần Đề cho biết thêm: “Hàng mình chỉ nhập tại những nơi có uy tín, có địa chỉ rõ ràng. Khách mà có yêu cầu hút chân không hay dán nhãn mác mình cũng làm đầy đủ để sản phẩm bảo quản được lâu hơn. Hiện tại lượng đơn đặt hàng hầu như tăng lên mỗi ngày”.
Hiện, để phát triển nghề khô, các địa phương đã có những chính sách như kêu gọi nhiều dự án đầu tư vào làng nghề để giúp các chủ cơ sở sản xuất, hộ gia đình có điều kiện được vay vốn ưu đãi, tiếp cận công nghệ, thiết bị chế biến sản phẩm hiện đại. Đặc biệt, công tác hỗ trợ quảng bá, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm.
Anh Vũ