(Thủy sản Việt Nam) – Cứ khoảng giữa tháng 10 âm lịch hàng năm, ngư dân xã Bình Thuận, Bình Sơn, Quảng Ngãi, ai nấy cũng đều sửa lại ghe thuyền, tìm thêm bạn chài để chuẩn cho nghề mành tôm nhí. Vài tháng làm tôm nhí bằng cả năm theo nghề lưới chuồng, câu bủa, mành chà… mà công việc lại nhẹ nhàng hơn so với các nghề khác.
Biển cho 3 tháng
Những ngày cuối năm âm lịch, chúng tôi trở lại của biển Sông Đầm, xã Bình Thuận, không khí ở đây nhộn nhịp vì đang vào mùa khai thác tôm nhí. Anh Đặng Minh Nghĩa, 29 tuổi ở thôn Tuyết Diêm 2, xã Bình Thuận huyện Bình Sơn, chỉ ra biển nói: Hơn 200 chiếc tàu thuyền đánh cá đang đậu ở bến, mùa này ai cũng chuyển sang nghề mành tôm nhí hết. Tàu QNg-50033TS của tôi cũng không ngoại lệ. Năm nay, tôm nhí trúng hơn năm trước và giá cũng tăng gấp nhiều lần. Mấy ngày qua, cứ ra biển là có tôm nhí mang về, khi nào “đen đủi” lắm ghe anh cũng có 5-6 con, còn mỗi đêm kiếm vài chục con là chuyện bình thường. Thậm chí, có hôm trúng mánh kiếm được hơn 100 con, về bán được 15-20 triệu đồng, anh em bạn chài mừng hết biết. Trong các nghề đi biển, không có nghề nào đánh bắt nhẹ nhàng mà kiếm ăn được như nghề này. Mỗi ngày, cứ khoảng 4, 5 giờ chiều lại nhổ neo ra khơi, chừng 2-3 hải lý đến sáng lại về. Mỗi ghe ra biển, chỉ cần chở theo thúng, lưới, thùng xốp (hay chai nhựa để đựng tôm nhí). Trong khi đó, tổn phí của nghề này cũng rất ít, ghe công suất trên dưới 30CV, mỗi đêm phí tổn chỉ mất khoảng 400.000-700.000 đồng. Với giá tôm nhí 180.000 đồng/con như hiện nay, chỉ cần mỗi người trên ghe mành được 1 con tôm, coi như đã dư tổn rồi. Vì vậy, hành nghề tôm nhí 1 mùa bằng làm cả năm, chỉ tiếc là mùa tôm nhí chỉ kéo dài từ 3 đến 3 tháng rưỡi mà thôi.
Trần Văn Bé, chủ tàu BS010, công suất 22CV ở thôn Tuyết Diêm 1, xã Bình Thuận cho biết: Ngày thường, tàu anh làm nghề chở khách ra vào cảng, nhưng sang tháng 10 âm lịch thì không làm nghề đó nữa mà theo nghề mành tôm nhí. Năm nay chưa có ai trúng lớn, ghe nào đạt cao nhất chỉ hơn 100 triệu đồng. Mấy năm trước có ghe làm ăn được, một mùa cũng kiếm được 300-400 triệu đồng; còn ghe ít cũng kiếm được 100 triệu đồng. Nhiều tàu thuyền ở xã nhờ khai thác tôm nhí mà có tiền mua sắm ghe mới; đồng thời giúp cho hàng trăm hộ ngư dân nơi đây có tiền chi tiêu trong dịp Tết, trả nợ nần và nuôi con ăn học. Bình quân mỗi lao động làm nghề tôm nhí, mỗi mùa cũng kiếm được 30-40 triệu đồng. Cũng theo anh Bé, có năm được mùa, anh em ngư dân ở đây đón Tết và ăn Tết ngoài biển luôn. Vì kiếm được tiền ai cũng ham làm, quên cả vui chơi trong mấy ngày xuân.
Trời thương chưa trọn
Còn ngư dân Võ Trung, thôn Phú Qúi, xã Bình Châu than thở: năm nay, tôm nhí xuất hiện nhiều nhưng ở vùng cửa Sa Cần bà con đi khai thác đều đặn, còn ở cửa Sa Kỳ, sóng bủa hơi mạnh, nên nhiều người không dám liều mạng ra khơi. Làm nghề lặn như tôi mỗi ngày cũng kiếm trên dưới triệu đồng nhưng 2 tuần nay biển động chỉ biết đứng nhìn ra biển mà tiếc hùi hụi.
Ngư dân xã Bình Châu, huyện Bình Sơn không dám ra khơi khi biển động, bởi từng có tàu bị sóng đánh cho tan tành, đó là trường hợp của anh Võ Thanh Tâm 33 tuổi ở thôn Định Tân. Hơn tháng nay, anh Tâm không bước ra khỏi nhà, nhưng mắt thì thèm thuồng nhìn theo những con thuyền hú còi rời bến Sa Kỳ đi đánh bắt tôm nhí. Năm nay tôm nhiều, nếu trung mánh thì ngày cũng kiếm được 30-40 con, tiền triệu trong tay chứ chẳng ít. Đáng ra anh và hai thuyền viên trên tàu lặn tôm nhí của mình cũng tận hưởng cảm giác hối hả ra biển, đêm hả hê về bến. Vậy mà cơn biển động không báo trước giữa tháng 12/2010 đã cướp đi cơ hội của Tâm và bạn chài của mình. Hôm đó, khoảng 5 giờ, ngày 16/12, Tâm và hai thuyền viên là Mai Văn Thành (60 tuổi) và Đặng Hải (30 tuổi) bàn nhau đi xa so với mấy hôm 3-4 hải lý, có khi lại "trúng mánh". Nói là làm, con thuyền QNg 1200 TS rời bến, đến nơi, ông Thành không lặn mà Tâm và Hải lần lượt mặc đồ nhái, ngậm ống hơi, đeo kính lặn và cầm chai (để đựng tôm nhí) trầm mình xuống biển. Buổi sáng đó trời mưa nhẹ, báo hiệu tôm di chuyển nhiều, nên cả 3 thuyền viên đinh ninh "kiếm được chén cơm". Ai ngờ, khoảng 10 giờ, khi mỗi người lặn được hai hơi, bắt 4-5 con tôm nhí thì gió bắt đầu nổi lên, sóng kéo đến đùng đùng. Tất cả hối hả lên thuyền, chuẩn bị nổ máy thì chân vịt gãy ngang, ai cũng bàng hoàng lo sợ cố buộc neo cho chắc để giữ con thuyền đứng im. Sau đó liên lạc nhờ Hải đội 2 lai dắt tàu Tâm trở vào bờ. Sau tai nạn đó, chiếc tàu của anh Tâm tả tơi, phải nâng cấp, sửa chữa lại mới có thể ra khơi.
Tạm biệt các ngư dân vùng ven biển ở huyện Bình Sơn, tôi bỗng mong sao trời trong biển lặng để ngư dân khai thác được nhiều tôm nhí hơn, có như vậy đời sống họ mới vơi đi bớt nỗi nhọc nhằn.
Nguyên Hương