Dễ nuôi, chi phí thấp, chất lượng cao, sản phẩm đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa nên giá bán cao và ổn định là những lợi thế lớn của nghề nuôi Artemia ở Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Thế nhưng, nghề nuôi Artemia ở đây vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng…
Chỉ sau 25 ngày nuôi có thể thu hoạch đợt trứng bào xác đầu tiên.
Mấy năm gần đây, giá muối liên tục ở mức thấp, nên nhiều diện tích muối được nông dân Vĩnh Châu chuyển sang nuôi Artemia, làm cho sản lượng trứng bào xác Artemia không ngừng tăng lên. Khác với cây hành tím, dù sản lượng tăng, nhưng giá thu mua trứng bào xác Artemia chẳng những không giảm, mà còn luôn ở mức cao. Trong vụ nuôi 2012, diện tích nuôi Artemia của thị xã đạt 510ha với tổng sản lượng trứng bào xác thu được gần 17 tấn và giá bán bình quân từ 1 – 1,2 triệu đồng/kg trứng tươi. Ông Lê Minh Trường, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu cho biết: Giá trứng bào xác Artemia mấy năm nay tương đối ổn định, nên số hộ có lãi ở năm 2012 chiếm đến 90%, dù năng suất bình quân chỉ mới đạt 33,11kg/ha. Kết quả này khá thấp bởi ngay trong thời điểm nuôi đầu tiên vào năm 1985, năng suất đã đạt 80kg/ha. Ông Đinh Văn Vũ, Chủ nhiệm hợp tác xã Artemia Vĩnh Châu, khẳng định: “Những mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi thâm canh năm ngoái đạt năng suất rất cao, bình quân từ 80 – 120kg/ha trứng bào xác. Điều này cho thấy, hiệu quả khả năng phát triển nuôi Artemia là rất cao”.
Năm 2013, theo kế hoạch của Phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu, diện tích nuôi Artemia của thị xã vào khoảng 500 – 700ha, năng suất bình quân ước đạt 36 kg/ha. Ông Văn Đắc Phuôn, Giám đốc Trung tâm tập huấn và chuyển giao nông nghiệp Nam bộ (xã Vĩnh Tân, thị xã Vĩnh Châu), người đã có thời gian dài gắn bó với nghề nuôi Artemia phân tích: “Với giá hiện tại (1,1 – 1,2 triệu đồng/kg), nếu năng suất đạt 36kg/ha như kế hoạch thì người nuôi vẫn khó có lời. Nhưng kết quả này chưa xứng với tiềm năng, bởi nghề nuôi Artemia ở Vĩnh Châu nếu được đầu tư thỏa đáng, năng suất thấp nhất cũng phải từ 60kg/ha trở lên”. Đối với nghề nuôi Artemia chỉ có Vĩnh Châu là thuận lợi nhất vì nhờ lượng acid béo không no trong thành phần trứng bào xác cao gấp 2 – 3 lần so với sản phẩm cùng loại của các nước trên thế giới. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, Nguyễn Văn Khởi nhận xét: “Artemia nuôi tại Vĩnh Châu có nguồn gốc từ Mỹ, nhưng sau thời gian thích nghi đã trở thành vật nuôi bản địa, vì các chỉ tiêu thủy, lý, hóa tại vùng nuôi Vĩnh Châu rất phù hợp với sự phát triển của Artemia”.
Nhu cầu trứng bào xác Artemia trong nước và thế giới hiện nay là rất lớn, trong khi nguồn cung không đáp ứng đủ nên giá Artemia những năm gần đây liên tục tăng. Ông Đinh Văn Vũ cho biết: “Chỉ tính riêng nhu cầu trong nước, nguồn trứng bào xác Artemia chỉ mới đáp ứng được 20-30% nhu cầu. Bởi vậy, giá trứng tươi hiện nay đã ở mức 1,1-1,2 triệu đồng/kg, giá trứng khô từ 4,5-5 triệu đồng/kg. Riêng năm 2012, có thời điểm giá trứng khô lên đến 8 triệu đồng/kg”. Dù cung không đủ cầu, nhưng nghề nuôi Artemia những năm qua vẫn chưa có sự cải thiện đáng kể cả về diện tích, năng suất, lẫn hiệu quả. Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu, lý giải: Cái chính là thủy lợi và nguồn vốn đầu tư của người nuôi còn hạn chế nên ảnh hưởng đến việc mở rộng diện tích và gia tăng năng suất”. Ngoài ra, năng suất nuôi Artemia giảm mạnh còn do công nghệ nuôi đã lạc hậu so với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay.
Trước những lợi thế của nghề nuôi Artemia, tỉnh Sóc Trăng xác định đây là một trong 5 đối tượng nuôi chủ lực cần được quan tâm đầu tư phát triển. Ông Nguyễn Chí Công đề xuất: “Đề tài nghiên cứu xây dựng mô hình nuôi của Trường Đại học Cần Thơ vừa qua cho thấy, nếu công trình nuôi đảm bảo và áp dụng biện pháp kỹ thuật mới sẽ cho năng suất từ 90 – 180kg/ha. Như vậy, để phát triển nghề nuôi Artemia hiệu quả cần giải quyết tốt khâu thủy lợi vùng nuôi và có cơ chế chính sách về vốn cho hộ nuôi”. Ông Đinh Văn Vũ, Chủ nhiệm hợp tác xã Artemia Vĩnh Châu, phân tích thêm: “Mỗi héc- ta chỉ cần khoảng 10 triệu đồng là có thể cải tạo công trình theo đúng kỹ thuật. Nhưng người nuôi vẫn không có vốn để thực hiện. Ngay cả HTX cũng không đủ nguồn vốn để đầu tư giống hết diện tích 500ha trong vùng nuôi, mà chỉ có thể thực hiện khoảng 150ha và trong số này cũng chỉ có khoảng 50ha đủ điều kiện đầu tư để nuôi thâm canh theo quy trình của Trường Đại học Cần Thơ”.
Với mục tiêu phát triển nghề nuôi Artemia mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Lê Thành Trí cho rằng: Tiềm năng phát triển nghề nuôi Artemia ở Vĩnh Châu là rất lớn, nhờ có lợi thế về chất lượng, thị trường tiêu thụ ổn định và là đối tượng dễ nuôi, chi phí đầu tư thấp. Để nghề nuôi này phát triển, trước mắt, lãnh đạo thị xã và ngành nông nghiệp sẽ thực hiện công tác quy hoạch lại vùng nuôi, xác định diện tích nuôi. Trên cơ sở đó, xây dựng các dự án, tranh thủ các nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tiếp tục xây dựng các mô hình nghiên cứu để chuyển giao cho người nuôi. Liên quan đến vốn đầu tư cho hộ nuôi, Phó Chủ tịch Lê Thành Trí nhấn mạnh: “Nếu cần thiết, tỉnh sẽ tính đến phương án bảo lãnh cho người nuôi được tiếp cận nguồn vốn ngân hàng vì mức đầu tư mỗi héc – ta nuôi Artemia là không cao”.