Nghêu Bến Tre: Phát triển bền vững để hội nhập

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Điều kiện tự nhiên ưu đãi đã tạo ra nhiều lợi thế để phát triển kinh tế biển, trong đó nguồn lợi từ con nghêu ở các bãi triều ven biển là một tiềm năng kinh tế vô cùng to lớn của tỉnh Bến Tre. Đặc biệt, mới đây, nghề sản xuất, quản lý và khai thác nghêu Bến Tre đã được Hội đồng Quản lý Biển Quốc tế công nhận đạt tiêu chuẩn chứng nhận MSC đã tạo đà phát triển cho ngành hàng giàu tiềm năng này.

Lợi thế lớn

Bến Tre là tỉnh ven biển ĐBSCL, cuối nguồn sông Cửu Long, tiếp giáp với Biển Đông với hệ thống sông ngòi chằng chịt, có đường bờ biển dài 65 km tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển giống loài thủy sản lợ, mặn góp phần hình thành hệ sinh thái đa dạng, phong phú cho tỉnh, đặc biệt điều kiện tự nhiên của vùng đất này thích hợp cho các loài nhuyễn thể sinh sôi nảy nở nhất là con nghêu là vật nuôi mang lại lợi ích kinh tế khá cao. Dòng triều ra vào các cửa sông trên tạo thành hàng chục nghìn ha bãi bồi, rất thuận lợi để cho con nghêu sinh sống và phát triển.

Theo Sở NN&PTNT Bến Tre, địa phương là tỉnh đứng đầu cả nước về phát triển nghề nuôi nghêu tiềm năng về diện tích nghêu ở Bến Tre đạt 15.000 ha; trong đó, diện tích có thể phát triển là 7.164 ha, sản lượng 25.000 – 27.000 tấn mỗi năm. Hiện nay, tỉnh có diện tích nghêu hơn 2.850 ha; trong đó, nghêu thương phẩm là 2.248 ha, diện tích nghêu giống hơn 580 ha.

Diện tích nghêu trên được xác lập bởi 7 HTX khai thác nghêu, bao gồm: HTX Thủy sản Rạng Đông (Đồng Tâm, huyện Bình Đại); HTX Thủy sản An Thủy, Tân Thủy, Bảo Thuận (huyện Ba Tri); HTX Thủy sản Thạnh Lợi, Bình Minh (huyện Thạnh Phú) và các tập đoàn nghêu với gần 20.000 thành viên, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương, góp phần tăng thu nhập ổn định cho người dân ven biển. 

Nổi bật trong số đó là HTX Thủy sản An Thủy với 4.719 thành viên, vốn góp là 1,6 tỷ đồng. Tổng vốn hoạt động là 28,8 tỷ đồng; đây cũng là một trong những HTX đạt chứng nhận MSC cho sản phẩm nghêu. Năm 2023, doanh thu của HTX đạt 20,185 tỷ đồng, lợi nhuận 9,1 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 42 người và không thường xuyên cho 300 lao động tại địa phương (công thuê khai thác nghêu, bình quân 5,1 triệu đồng/người/tháng). Năm 2024, HTX đề ra mục tiêu khai thác bán nghêu thịt sản lượng 500 tấn, doanh thu đạt 11 tỷ đồng. Để đạt mục tiêu, HTX sẽ triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như: tổ chức khai thác can, rải nghêu khu vực dày chậm lớn và nghêu ngoài kích cỡ khách hàng trả lại đến khu vực thích hợp trên sân bãi HTX, sản lượng 100 tấn và can, rải nghêu giống. Đồng thời, đầu tư nghiên cứu, học tập kinh nghiệm các ngành nghề đã đăng ký kinh doanh của HTX, trong đó có phát triển mô hình du lịch trải nghiệm cộng đồng; đầu tư kỹ thuật nuôi nghêu trong hồ; liên kết đầu tư nuôi nghêu với thành viên HTX; cung cấp thêm các dịch vụ phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập cho thành viên HTX. Bên cạnh đó, tham gia hỗ trợ cùng với chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa cho gia đình chính sách các dịp lễ, Tết…

Nâng tầm thương hiệu

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, nghề sản xuất, quản lý và khai thác nghêu Bến Tre đã được Hội đồng Quản lý Biển Quốc tế công nhận đạt tiêu chuẩn chứng nhận MSC; thời gian chứng nhận từ 23/5/2024 – 22/5/2029. Đây là lần thứ ba nghề quản lý và khai thác nghêu Bến Tre đạt chứng nhận này. Trước đó, năm 2009, nghêu Bến đạt chứng nhận MSC và được duy trì công nhận lần hai vào năm 2016.

Nghêu Bến Tre được thị trường EU công nhận là sản phẩm sạch, đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, giá trị tăng 3 – 4 lần so với trước; ảnh: ST

Khi đạt được cấp chứng nhận MSC là một lợi thế để tỉnh Bến Tre mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là tạo sự đồng thuận của cộng đồng trong vấn đề phát triển bền vững đối với nghề quản lý và khai thác nghề nghêu của tỉnh trong tương lai. Cùng với đó, việc duy trì và được tái công nhận chứng nhận MSC đối với nghề nghêu Bến Tre là sự nỗ lực và đồng thuận rất lớn của cộng đồng người dân ba huyện ven biển Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú trong việc khai thác và đồng quản lý nghề nghêu.

Để phát huy lợi thế này, ông Đoàn Văn Đảnh, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh thông tin, dự kiến trong tháng 6/2024, đơn vị sẽ tổ chức hội nghị trao giấy chứng nhận MSC cho 7 HTX khai thác nghêu trên địa bàn tỉnh; đồng thời, giới thiệu vùng nguyên liệu nghêu đã được chứng nhận MSC cho các doanh nghiệp chế biến nghêu. Về lâu dài, Sở sẽ tiếp tục định hướng cho cộng đồng sản xuất nghêu duy trì và phát triển chứng nhận MSC; đồng thời, xây dựng chỉ dẫn địa lý; bảo tồn nguồn lợi nghêu giống bố mẹ, khai thác hợp lý và bảo vệ tốt nguồn nghêu giống tự nhiên.

Bên cạnh đó, tỉnh Bến Tre hình thành và thúc đẩy liên kết ngang và liên kết dọc để phát triển phát triển thương hiệu MSC đối với con nghêu Bến Tre trên thị trường trong nước và quốc tế; tiếp tục triển khai các đề tài nghiên cứu nhằm đảm bảo phù hợp với các nguyên tắc và bộ tiêu chí của MSC. Mặt khác, địa phương tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu; tất cả các vùng nghêu tập trung đều được kiểm soát về vệ sinh an toàn thực phẩm; đồng thời, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực các HTX sản xuất nghêu trên địa bàn tỉnh để đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất.

Vân Anh

Việt Nam là quốc gia tiên phong công khai cam kết sử dụng chứng nhận MSC để thúc đẩy việc khai thác bền vững mà tiêu biểu là nghề nghêu ở Bến Tre. Việc một địa phương đạt chứng nhận MSC được xem là sự kiện quan trọng có tầm ảnh hưởng lớn đến quá trình hội nhập kinh tế quốc tế trong đó có ngành thủy sản. MSC chính là tấm visa giúp con nghêu Bến Tre dễ dàng hơn trong việc tiếp cận và chinh phục thị   trường khó tính trên thế giới.

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!