(TSVN) – Hiện, giá xăng dầu tăng cao, rất nhiều tàu cá của ngư dân các tỉnh ven biển trong cả nước đang ở trong tình cảnh tiến thoái lưỡng nan, chưa khi nào hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân lại khó chồng khó như vậy.
Theo thống kê của Ban Quản lý các cảng cá Hà Tĩnh, tại cảng cá Cửa Sót, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà từ đầu năm 2021 đến tháng 3/2022 đến nay khoảng 439 tàu cá có chiều dài trên 6 m vào cảng cá để bốc dỡ hàng hóa. Trong đó, có 185 tàu cá trong tỉnh và 254 tàu cá ngoài tỉnh như: Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình… Tuy nhiên, từ tháng 4/2022 đến nay, trong tổng số các tàu cá trên có 148 tàu cá Hà Tĩnh và 127 tàu cá ngoại tỉnh vào cảng cá Cửa Sót để bốc dỡ hàng hóa.
Cụ thể, với Cảng cá Cửa Sót, tính đến tháng 6/2022, tại cảng cá đã có hơn 5.000 lượt tàu ra vào để bốc dỡ cá, tổng trọng lượng ước tính là 3.100 tấn, thấp hơn 30% so cùng kỳ các năm trước. Các ngư dân gặp khó khăn cũng ảnh hưởng đến những lĩnh vực khác như: dịch vụ mua bán, chế biến thuỷ sản, dịch vụ về lương thực thực phẩm cũng thất thu.
Nguyên nhân lượng tàu cập cảng giảm sút được xác định là do giá xăng dầu tăng, kéo theo các chi phí khác như: nhân công, lương thực thực phẩm… cũng tăng khiến chi khí mỗi lần ra khơi đội giá rất cao, nguồn thu của ngư dân giảm nên họ không tham gia đánh bắt. Không chỉ ảnh hưởng bởi giá dầu, sản lượng đánh bắt giảm, giá thu mua thấp cũng khiến ngư dân không còn mặn mà với những chuyến ra khơi.
Sẽ sớm có chính sách hỗ trợ xăng dầu cho ngư dân vươn khơi. Ảnh: NC
Đã vào vụ cá Nam, thời tiết thuận lợi nhưng ghe thuyền vẫn neo đậu dày đặc, kín cả khúc sông phía hạ nguồn sông Cà Ty chảy ra cảng cá Cồn Chà (Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận)… Giá xăng dầu đã tăng lần thứ 7, liên tục phá các kỷ lục, bám biển hay nằm bờ? Lựa chọn nào cũng khó với ngư dân lúc này.
Đánh bắt thủy sản là một trong những thế mạnh trong phát triển kinh tế của tỉnh Bạc Liêu và được xem là một trong những hoạt động mang lại thu nhập cao cho ngư dân ven biển. Với ngư dân, vươn khơi bám biển không những để khai thác thủy, hải sản, cải thiện cuộc sống mà còn là để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Hiện tại, Bạc Liêu có hơn 1.200 tàu khai thác hải sản; tuy nhiên, theo khảo sát, ở 3 cửa biển chính gồm: Gành Hào, Cái Cùng và Nhà Mát, đa số ngư dân ở đây đều đang rất chật vật với việc bám biển, bởi giá xăng dầu tăng cao, nhưng sản lượng khai thác lại thấp, không hiệu quả.
Theo các ngư dân, để xoay xở trong cơn “bão giá” xăng, dầu và cũng chưa biết giá xăng, dầu có dừng lại hay chưa thì họ đang gặp quá nhiều khó khăn. Do vậy, ngoài việc mong muốn đánh bắt thuận lợi thì ngư dân cũng mong được sự hỗ trợ của Nhà nước để tiếp thêm động lực, giúp họ an tâm vươn khơi, bám biển, góp phần giữ vững chủ quyền biển, đảo quê hương.
Theo Báo cáo tổng hợp thông tin báo chí và dư luận liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ ngày 27/6/2022, đến thời điểm hiện nay, tàu cá ngừng hoạt động chiếm khoảng 40 – 50%, đặc biệt là các tàu cá làm nghề tiêu thụ nhiên liệu như lưới kéo, nghề rê… làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống và an sinh xã hội của cộng đồng ngư dân. Ngành khai thác thủy sản gặp khó kéo theo cả chuỗi chế biến, kinh doanh, xuất khẩu thủy sản gặp khó vì thiếu nguyên liệu, ảnh hưởng đến sinh kế của hàng vạn lao động làm các nghề dịch vụ ven biển. Dự báo giá xăng dầu thế giới còn “neo” ở mức cao trong 6 tháng cuối năm, nên hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân ta tiếp tục bị ảnh hưởng.
Để tháo gỡ những khó khăn, kịp thời hỗ trợ cho ngư dân đảm bảo đời sống, tạo động lực khuyến khích ngư dân an tâm sản xuất, bám biển bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Công thương và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét, đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ thuyền viên làm việc trên tàu cá tạm ngừng hoạt động sản xuất do giá nhiên liệu tăng. Thời gian hỗ trợ trước mắt 6 tháng.
Ngày 5/7/2022, Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản số 4186/VPCP-NN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về hỗ trợ ngư dân ảnh hưởng do giá xăng, dầu. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý kiến như sau: Đề nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nghiên cứu để có chính sách phù hợp cho các đối tượng nông dân sản xuất kinh doanh.
Hải Lý