Nghiên cứu sử dụng ấu trùng ruồi lính đen trong thức ăn thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Kết quả của Dự án “Sản xuất và sử dụng ấu trùng ruồi lính đen (Hermetia illucens Linnaeus, 1758) làm thức ăn cho một số đối tượng thủy sản nước ngọt có giá trị kinh tế tại Thừa Thiên – Huế” đã bước đầu mang lại nhiều lợi ích kinh tế, môi trường và xã hội.

Nhiều tiềm năng

Ruồi lính đen (Hermetia illucens) thuộc họ Stratiomyidae, là côn trùng vô hại đối với con người, không đến gần con người, không phải là ký chủ trung gian truyền bệnh cho con người và vật nuôi (Spranghers và cộng sự, 2017).

Ruồi lính đen đã quen thuộc từ lâu trong sản xuất phân hữu cơ, xử lý chất thải, thậm chí làm thức ăn cho một số động vật trên cạn. Ruồi lính đen lớn nhanh, dễ nuôi, chúng thậm chí ăn cả phân và xác động vật. Ruồi lính đen cái có thể sinh hàng trăm quả trứng trong một lần, trứng chỉ cần 4 ngày để nở thành ấu trùng, bắt đầu có thể ăn chất hữu cơ. Sau 14 ngày phát triển, ấu trùng biến thái hoàn chỉnh thành ruồi lính đen trưởng thành. Ruồi con thường được tìm thấy gần nguồn rác hữu cơ, nơi có nhiều ruồi trong giai đoạn sinh sản và trứng.

Trên thế giới, việc nuôi sinh khối ấu trùng ruồi lính đen (ATRLĐ) và sử dụng chúng làm thức ăn trong chăn nuôi đã được nhiều nhà khoa học tiến hành và công bố với những kết quả rất khả quan trong việc sử dụng chúng làm thức ăn trực tiếp hay thay thế một phần bột cá trong khẩu phần thức ăn chăn nuôi.

Được biết, ở Việt Nam đã có nhiều nghiên cứu và báo cáo về đối tượng ruồi lính đen. Trong đó đề cập đến tiềm năng, ưu điểm, lợi thế và những trở ngại của việc sử dụng ATRLĐ trong chăn nuôi nói chung và nuôi trồng thủy sản nói riêng. Tuy nhiên chưa có một nghiên cứu hoàn chỉnh về quy trình nuôi, đặc biệt là sử dụng phụ phế phẩm làm chất nền,…

Với thực tiễn đó, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế đã tiến hành thực hiện Dự án “Sản xuất và sử dụng ATRLĐ (Hermetia illucens Linnaeus, 1758) làm thức ăn cho một số đối tượng thủy sản nước ngọt có giá trị kinh tế tại Thừa – Thiên Huế”.

Ruồi lính đen là một loài côn trùng vô hại và khả năng nuôi cấy sinh khối tại các trang trại quy mô nhỏ

Mục tiêu nhằm xây dựng quy trình nuôi ruồi lính đen từ phế phụ phẩm nông nghiệp ở quy mô nông hộ; Hoàn thiện quy trình nuôi một số loài thủy sản nước ngọt bằng thức ăn ATRLĐ; Xây dựng được một số mô hình nuôi thủy sản nước ngọt bằng thức ăn ATRLĐ. Đồng thời đánh giá được khả năng sinh trưởng, năng suất, hiệu quả kinh tế, chất lượng sản phẩm và ảnh hưởng tới miễn dịch của một số đối tượng nuôi thủy sản nước ngọt khi sử dụng ATRLĐ làm thức ăn.

Giảm chi phí

Đến nay, sau gần 2 năm triển khai Dự án, nhóm nghiên cứu đã thực hiện hiệu quả các nội dung đề ra. Kết quả điều tra ghi nhận có 11 loại phụ phế phẩm nông nghiệp có thể sử dụng để nuôi ruồi lính đen. Trong đó có bã đậu phụ, bánh dầu lạc khô được xác định là loại phụ phế phẩm phù hợp nhất cho nuôi ruồi lính đen.

Bên cạnh đó, việc sử dụng trực tiếp ruồi lính đen (tươi và khô) làm thức ăn cho ếch Thái Lan, cá lóc và cá rô đầu vuông đã ảnh hưởng tới tỷ lệ sống và sinh trưởng của chúng, ít ảnh hưởng tới chất lượng thịt và chỉ tiêu vi sinh trong sản phẩm thủy sản.

Cụ thể, tại mô hình nuôi cá lóc thương phẩm của ông Nguyễn Văn Dũng, xã Phú Mỹ (Phú Vang), việc sử dụng thức ăn từ ấu trùng ruồi lính đen cho tỷ lệ sống đạt 77,7%, kích cỡ hơn 401 g/con, năng suất 62,13 tấn/ha. Lợi nhuận từ mô hình nuôi này đạt trên 185 triệu đồng/ao (3.000 m²), với tỷ suất lợi nhuận 26,2%. Hộ ông Lê Phú Diệm, ở phường Hương Chữ (TX. Hương Trà) tham gia mô hình nuôi ếch Thái Lan bằng thức ăn sản xuất từ nguyên liệu ấu trùng ruồi lính đen cho tỷ lệ sống 70%, kích cỡ 239 g/con và năng suất 13,4 kg/m². Còn ở mô hình nuôi cá rô đầu vuông của ông Văn An, ở xã Thủy Phù (thị xã Hương Thủy) khi tham gia dự án cũng cho tỷ lệ sống con nuôi đạt 85%, kích cỡ 160 g/con và năng suất 31,2 tấn/ha. Lợi nhuận gần 94 triệu đồng/ao (3.000 m²), với tỷ suất lợi nhuận 27,1%.

Thức ăn dạng viên và dạng bột được nhóm nghiên cứu liên kết sản xuất. Ảnh: Hoài Nguyên

Qua khảo sát, chất lượng thịt của các đối tượng nuôi theo mô hình không bị ảnh hưởng khi cho ăn thức ăn ấu trùng ruồi lính đen. Hơn nữa, việc sử dụng ấu trùng ruồi lính đen làm thức ăn trong nuôi trồng thủy sản còn giúp giảm ô nhiễm môi trường. Vì qua quy trình nuôi ruồi lính đen đã gián tiếp giúp xử lý hiệu quả chất thải trong chăn nuôi, trồng trọt, chế biến, rau củ dư thừa,…

Đặc biệt, theo các hộ tham gia mô hình dự án, giá thành bột ấu trùng ruồi lính đen dao động từ 12.000 – 20.000 đồng/kg, thấp hơn khoảng 2,5 lần so giá bột cá (từ 30.000 – 50.000 đồng/kg). So sánh giá thành thức ăn có chứa hàm lượng protein từ 25 – 40% đối với thức ăn từ nguyên liệu ấu trùng ruồi lính đen với giá các loại thức ăn công nghiệp bán trên thị trường cũng chênh lệch thấp hơn từ 6.000 – 10.000 đồng/kg.

Để tiết kiệm chi phí, đem lại hiệu quả cao trong nuôi trồng thủy sản, theo nhóm thực hiện dự án của Trường đại học Nông Lâm – Đại học Huế, người nuôi cần kết hợp sử dụng 50% ấu trùng ruồi lính đen và 50% thức ăn công nghiệp. Các hộ nuôi cần thay thế đến 30% protein bột cá bằng bột ấu trùng ruồi lính đen khi nuôi cá lóc, cá rô đầu vuông và khoảng 40% đối với nuôi ếch Thái Lan.

Việc sử dụng kết hợp thức ăn ấu trùng ruồi lính đen giúp nâng cao khả năng sinh trưởng, phát triển, cũng như năng suất, lợi nhuận khi nuôi cá lóc, cá rô đầu vuông, ếch Thái Lan,… theo hướng thương phẩm.

Lê Loan

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!