Mới đây, nghiệp đoàn khai thác hải sản thứ 3 của tỉnh Tiền Giang vừa mới được thành lập tại xã Kiểng Phước (huyện Gò Công Đông) với 331 lao động tham gia, nâng số đoàn viên nghiệp đoàn khai thác hải sản toàn tỉnh lên hơn 1.000 người sau gần một năm thành lập. Điều này cho thấy, nghiệp đoàn đã mang lại lợi ích thiết thực.
Ra đời từ yêu cầu thực tế
Theo số liệu của Chi cục Thủy sản Tiền Giang, toàn tỉnh có gần 1.355 phương tiện khai thác hải sản với các loại nghề như: lưới kéo 527 chiếc, lưới rê 97 chiếc, câu 88 chiếc, lưới vây ánh sáng 122 chiếc, dịch vụ hậu cần nghề cá 181 chiếc, các nghề khác 340 chiếc, với tổng công suất hơn 270 ngàn mã lực. Tổng số lao động thường xuyên hoạt động trên biển gần 15.000 người, sản lượng hải sản khai thác năm 2012 là 83.536 tấn. Riêng xã Kiểng Phước hiện có 1.000 lao động làm nghề nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản với 112 tàu cá các loại, hàng năm mang về đất liền 7.000 tấn thủy sản với tổng giá trị hơn 130 tỷ đồng.
Với số lượng tàu thuyền và cơ cấu ngành nghề hiện tại, có thể nói nghề khai thác hải sản tỉnh Tiền Giang khá phát triển, song trình độ của đa số ngư dân còn thấp, ít có điều kiện nắm được các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; chưa có cầu nối giúp ngư dân chia sẻ những khó khăn, hoạn nạn với nhau trong những ngày lênh đênh trên biển; chưa có tổ chức đại diện, bảo vệ người lao động khi có xảy ra tranh chấp ngư trường, chăm lo tốt hơn cho đời sống người lao động…, do đó, cần thiết phải có một tổ chức làm đầu mối tuyên truyền, theo dõi, giúp đỡ và đứng ra bảo vệ những lợi ích chính đáng của ngư dân.
Trước yêu cầu thực tế, vào tháng 12/2011, Liên đoàn Lao động tỉnh Tiền Giang cùng với chính quyền và các ban ngành, đoàn thể địa phương đã vận động và thành lập 2 Nghiệp đoàn khai thác hải sản tại phường 2 (TP. Mỹ Tho) và thị trấn Vàm Láng (huyện Gò Công Đông) với 629 đoàn viên. Sau gần 1 năm thành lập, ngày 21/11 vừa qua, nghiệp đoàn khai thác hải sản thứ 3 của tỉnh tiếp tục được thành lập tại xã Kiểng Phước (huyện Gò Công Đông) với 331 lao động tham gia, nâng số đoàn viên nghiệp đoàn khai thác hải sản toàn tỉnh lên hơn 1.000 người.
Ông Nguyễn Thanh Yên, đoàn viên Nghiệp đoàn khai thác hải sản xã Kiểng Phước cho biết, làm nghề biển là chấp nhận rủi ro luôn rình rập, nhưng mỗi lần ra biển thì cả chủ tàu lẫn thuyền viên đều không tránh khỏi tâm trạng lo âu dù đã đi biển nhiều năm. Mặt khác, trước đây cũng chưa có tổ chức nào tập hợp những người lao động trên biển nên cũng chưa tạo được sự đoàn kết, giúp đỡ nhau giữa những người đi biển; đến khi quyền lợi bị xâm hại họ cũng không biết dựa vào đâu, không có tổ chức nào đứng ra bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Chính vì vậy, khi nghe Nhà nước có chủ trương thành lập nghiệp đoàn khai thác hải sản ở địa phương thì rất nhiều người làm nghề đánh bắt trên biển hăng hái nộp đơn tham gia.
Ông Võ Văn Xồi, Chủ tịch Nghiệp đoàn khai thác hải sản xã Kiểng Phước cho biết, nghiệp đoàn được hình thành sẽ tạo điều kiện cho hàng ngàn ngư phủ làm việc trên biển có điều kiện tiếp cận, nắm vững các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước biển đảo, về ngành nghề khai thác hải sản và liên quan đến người lao động để họ tự giác chấp hành cũng biết được quyền lợi hợp pháp của chính mình.
Thực sự là chỗ dựa của ngư dân
Theo Liên đoàn Lao động huyện Gò Công Đông, sự ra đời của Nghiệp đoàn khai thác hải sản xã Kiểng Phước là một minh chứng thực tế về sự hấp dẫn của Nghiệp đoàn đối với ngư dân, bởi những lợi ích thiết thực mà nghiệp đoàn đã mang lại sau khi ra đời hai nghiệp đoàn đầu tiên của tỉnh. Điều đáng mừng hơn, công tác triển khai vận động, tuyên truyền để ra đời nghiệp đoàn khai thác hải sản xã Kiểng Phước diễn ra rất thuận lợi ngoài dự kiến, với thời gian từ khi triển khai vận động đến khi thành lập chỉ mất vài tháng (từ tháng 6/2012) nhưng tập hợp được hơn 300 đoàn viên là các chủ tàu, thuyền trưởng, tài công, thủy thủ trong địa bàn xã.
Tại lễ ra mắt Nghiệp đoàn khai thác hải sản Kiểng Phước, ngư phủ Phan Thanh Sơn cho biết, để tìm hiểu về nghiệp đoàn, anh đã hỏi thăm những người bạn đã tham gia Nghiệp đoàn khai thác hải sản xã Vàm Láng. Qua đó, anh biết rằng tham gia nghiệp đoàn thật sự được hưởng nhiều lợi ích thiết thực như: Ngư phủ khó khăn được nghiệp đoàn giúp đỡ, khi mưu sinh trên biển thì sau lưng luôn có nghiệp đoàn theo dõi sâu sát và sẵn sàng giúp đỡ khi gặp tai nạn, khó khăn. Do đó, khi làm đơn tham gia nghiệp đoàn ngay tại quê hương mình anh chẳng chút do dự và rất háo hức.
Không những thế, ông Lê Văn Năm, đoàn viên Nghiệp đoàn khai thác hải sản thị trấn Vàm Láng cho biết, nghiệp đoàn còn tiếp thêm sức mạnh để ngư dân an tâm bám biển, cũng như tạo ra mối quan hệ gắn bó lâu dài, hài hòa giữa chủ tàu và anh em đoàn viên. Sự ra đời của nghiệp đoàn khai thác hải sản giúp ngư dân an tâm vươn đến những vùng biển xa, không chỉ vì gia tăng thu nhập, mà quan trọng hơn cả là góp phần quan trọng trong việc bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo quê hương.
Ông Trương Văn Hiền, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Tiền Giang cho biết, trong thời gian tới cũng sẽ có 2 nghiệp đoàn khai thác thủy sản mới được thành lập tại TP. Mỹ Tho và huyện Gò Công Đông. Bên cạnh đó, nhiều địa phương khác có tàu đánh bắt xa bờ cũng đã có đơn đề nghị xúc tiến thành lập nghiệp đoàn. Điều này cho thấy sự ra đời và hoạt động của nghiệp đoàn trước đó đã có sức lan tỏa, thu hút sự quan tâm của cộng đồng ngư dân. Tuy nhiên, theo ông Hiền, để mỗi nghiệp đoàn ra đời phải thực sự vững vàng, xứng đáng là chỗ dựa của bà con ngư dân, tỉnh Tiền Giang chủ trương làm từng bước, chắc chắn, rồi sau đó mới tiếp tục thành lập nghiệp đoàn khác.