Thấu hiểu nỗi vất vả, những rủi ro, bất trắc trong cuộc sống lao động hằng ngày của ngư dân, Tổng LĐLĐ Việt Nam chủ trương thành lập nghiệp đoàn nghề cá trong cả nước. Phú Yên là 1 trong 4 tỉnh được chọn thí điểm thành lập nghiệp đoàn nghề cá. Đến nay, toàn tỉnh có 5 nghiệp đoàn nghề cá được thành lập nhằm tập hợp, đoàn kết lao động nghề cá, đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của ngư dân.
Gắn kết ngư dân
Phú Yên có chiều dài bờ biển gần 190km, là điều kiện thuận lợi, thế mạnh để phát triển kinh tế biển, trong đó, nghề đánh bắt hải sản được xem là mũi nhọn. Toàn tỉnh hiện có 24 xã, phường ven biển, có 7.200 tàu thuyền, với tổng công suất 208.000CV, trong đó có 741 tàu có công suất từ 90CV trở lên chuyên hành nghề đánh bắt xa bờ, câu cá ngừ đại dương với sản lượng mỗi năm khoảng 6.000 tấn, 60% sản lượng cá ngừ được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nhật, châu Âu.
Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Thị Thu Vân cho biết: Mặc dù Hoàng Sa, Trường Sa là những ngư trường quen thuộc, song ngư dân thường đi theo nhóm nhỏ không quá 3 tàu. Nếu 1 trong 3 tàu đó bị nạn thì 2 tàu kia còn “cứu” được, chẳng may 2 tàu bị nạn thì… đành chịu! Đánh bắt xa bờ nhưng phần lớn các tàu đều có công suất nhỏ, nên mỗi khi gặp tàu lạ xâm phạm thì dễ bị bắt nạt. Sự nhỏ lẻ, manh mún là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều tàu và ngư dân Phú Yên bị tàu nước ngoài hành hung, bắt bớ, thậm chí nhiều người phải bỏ mạng giữa biển. Nhằm gắn kết ngư dân thành một khối thống nhất, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế biển là mục tiêu mà các nghiệp đoàn nghề cá trong tỉnh đề ra. “Trong năm 2013, chúng tôi đã vận động thành lập 5 nghiệp đoàn nghề cá phường 6, phường Phú Đông (TP Tuy Hòa), thị trấn Hòa Hiệp Trung (Đông Hòa), xã An Ninh Tây (Tuy An) và phường Xuân Thành (TX Sông Cầu). Tại những “mái nhà chung” này, mỗi ngư dân là thành viên trong gia đình, họ cùng chia sẻ với nhau từng luồng cá và đùm bọc nhau những lúc gặp thiên tai, hoạn nạn trên biển. Việc làm ấy đã giúp ngư dân có thêm sức mạnh, vững tin vươn khơi đánh bắt, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, bà Vân nói.
Thành lập Nghiệp đoàn Nghề cá giúp ngư dân yên tâm vươn khơi đánh bắt, bám biển – Ảnh: N.Hân
Ngư dân Trà Chí Thu (thị trấn Hòa Hiệp Trung) phấn khởi chia sẻ: “Gia nhập nghiệp đoàn nghề cá là mong muốn của những người đi biển. Bởi tham gia nghiệp đoàn sẽ có sự liên kết, đem lại hiệu quả lớn cho ngư dân khi đánh bắt ở các ngư trường. Bên cạnh sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, mỗi ngư dân đã đầu tư lưới cụ, nâng cấp công suất tàu để vươn khơi. Làm gì cũng phải có một tổ chức tập hợp mọi người mới phát huy được sức mạnh”. Còn ngư dân Nguyễn Đức Phước, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường Xuân Thành (TX Sông Cầu) bộc bạch: “Việc thành lập nghiệp đoàn đã kịp thời động viên, chia sẻ khó khăn, nguyện vọng của ngư dân; giúp ngư dân bỏ thói quen đèn nhà ai nấy rạng, tàu ai người đó đi như trước đây. Bây giờ, ngư dân ra khơi và về theo đoàn, luôn liên lạc với nhau. Bên cạnh đó, nghiệp đoàn còn giúp ngư dân hiểu hơn về Luật Biển quốc tế, nhờ vậy mà bà con yên tâm bám biển”.
Để tạo nguồn lực hỗ trợ cho việc thành lập và hoạt động của các nghiệp đoàn nghề cá, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã phát động chương trình “Tấm lưới nghĩa tình” kêu gọi đoàn viên, CNVC-LĐ và các tổ chức, cá nhân hỗ trợ trang thiết bị, ngư lưới cụ, bảo hiểm thân tàu, con người… trị giá hàng tỉ đồng cho các nghiệp đoàn và ngư dân. Đến nay, 535 đoàn viên của 5 nghiệp đoàn nghề cá trong tỉnh ngày đêm bám tàu, bám biển, bám ngư trường, khai thác thủy sản xa bờ, đảm bảo đời sống, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Để “hút” ngư dân vào nghiệp đoàn
Trong quá trình triển khai thành lập và hoạt động, nghiệp đoàn nghề cá cũng gặp không ít khó khăn như: trình độ nhận thức nói chung, nhận thức về tổ chức công đoàn nói riêng của ngư dân còn hạn chế; tư duy khai thác còn manh mún, thiếu sự liên kết; đặc thù công việc của ngư dân phải hoạt động dài ngày trên biển nên công tác tuyên truyền, vận động gia nhập nghiệp đoàn còn khó; phương tiện, ngư cụ thiếu và lạc hậu, đời sống ngư dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nên việc hỗ trợ đòi hỏi phải có nguồn tài chính lớn… Đây là những khó khăn, thách thức, đặt ra bài toán về giải pháp duy trì hiệu quả đối với nghiệp đoàn còn non trẻ.
Ông Phan Thuẫn, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường 6 (TP Tuy Hòa) bộc bạch: Từ trước đến nay, ngư dân thường dựa vào kinh nghiệm và kiến thức được truyền lại, chưa được đào tạo cơ bản, phương tiện đánh bắt chưa hiện đại. Vì vậy, trong thời gian tới tổ chức công đoàn cần quan tâm tuyên truyền cho ngư dân kiến thức pháp luật quốc tế về biển. Để người lao động tiếp cận với các phương pháp khai thác mới thông qua việc học tập, trao đổi kinh nghiệm, nghiệp đoàn cần có các hoạt động mang tính thực tế, tạo sự chuyển biến, đột phá, các giải pháp đưa ra cần có kế hoạch, chiến lược bền vững nhằm bảo vệ quyền lợi của ngư dân”. Bà Nguyễn Thị Thu Vân, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, cho biết: “Thời gian tới, để đẩy mạnh việc phát triển đoàn viên, thành lập nghiệp đoàn nghề cá, tăng cường sự hỗ trợ với ngư dân, các cấp công đoàn cần tăng cường tuyên truyền các chính sách pháp luật về biển đến ngư dân. Công đoàn cũng đang đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam quan tâm thành lập dịch vụ hậu cần nghề cá giúp ngư dân giảm chi phí ra khơi. Bên cạnh đó, công đoàn kêu gọi các tập thể cá nhân, các nhà hảo tâm tiếp tục tham gia ủng hộ, hỗ trợ cho các nghiệp đoàn nghề cá và ngư dân thông qua chương trình “Tấm lưới nghĩa tình”, góp phần khẳng định và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.