Thiết lập giá sàn trong thu mua và xuất khẩu là mong muốn chung của cả người nuôi và doanh nghiệp xuất khẩu cá tra hiện nay. Cùng Vietnam’s Tra, Basa lắng nghe ý kiến từ phía họ.
Quy định giá sàn sẽ đưa cá tra trở về đúng giá trị thực, đảm bảo cho doanh nghiệp và người nuôi đều có lãi – Ảnh: Duy Khương
Ông Trần Văn Hậu – Giám đốc điều hành Công ty Hùng Cá, Đồng Tháp: Nếu không có giá sàn, tình hình còn xấu hơn
Trước tình trạng một số doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra bán phá giá ngày càng gia tăng, ảnh hưởng đến lợi ích và hình ảnh của cá tra Việt Nam, VASEP có ý kiến đề xuất thành lập giá sàn trong việc thu mua và xuất khẩu cá tra, tôi rất tán thành. Hiện, 30 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra hàng đầu của Việt Nam đã thống nhất đưa ra giá sàn cá tra xuất khẩu vào thị trường Mỹ phải đạt từ 2 – 2,2 USD/pound trong những tháng cuối năm, nhằm cứu nông dân nuôi cá tra đang từng ngày, từng giờ “chết” dần. Giá cá tra nguyên liệu đang ở mức rất thấp, dưới 22.000 đồng/kg và tình hình sẽ càng xấu hơn nếu không sớm áp dụng giá sàn xuất khẩu cá tra. Giá xuất khẩu cá tra vào Mỹ cũng sẽ rơi vào tình trạng giảm thấp như châu Âu khi có hàng trăm doanh nghiệp cá tra đổ dồn vào thị trường này. Việc quy định giá sàn nhằm đưa giá cá tra về đúng giá trị thực, đảm bảo người nuôi và doanh nghiệp có lãi, tránh cạnh tranh không lành mạnh làm giảm giá, giảm chất lượng sản phẩm, mất uy tín sản phẩm cá tra Việt Nam.
Để cứu vãn tình hình xuất khẩu vào thị trường Mỹ, vừa qua, VASEP đã có văn bản kiến nghị đến Bộ trưởng Bộ NN&PTNNT về các giải pháp kiểm soát xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ. Trong đó, VASEP đề nghị Bộ trưởng cho phép áp dụng biện pháp buộc các doanh nghiệp phải đăng ký trước hợp đồng xuất khẩu để kiểm soát giá, bằng cách ra quyết định để cơ quan Hải quan yêu cầu doanh nghiệp đăng ký hợp đồng với VASEP khi làm thủ tục mở tờ khai xuất khẩu bắt đầu từ 1/8/2012.
Ông Lê Chí Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến Thủy sản An Giang: Đề xuất lần này liệu có thành?
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra bán phá giá, đã khiến cho “con cá vàng” của thủy sản Việt Nam mất đi vị thế và hình ảnh đẹp trên thị trường quốc tế.
Trước tình hình đó, VASEP cũng như một số doanh nghiệp có ý kiến đề nghị Bộ NN&PTNT và Chính phủ chấp thuận chủ trương ban hành giá sàn thu mua và xuất khẩu cá tra. Thế nhưng, đề xuất lần này liệu có được thực hiện và có thành công hay cũng lại thất bại như hai lần trước đó?
Câu chuyện thiết lập giá sàn cho cá tra đã từng được đề cập từ năm 2010, khi nhiều nông dân đòi “treo ao”, “bỏ nghề” vì giá thấp khiến nguồn nguyên liệu cá thiếu hụt trầm trọng. Doanh nghiệp tranh mua, tranh bán, mỗi người một giá. Dẫn tới yêu cầu phải có giá sàn. Cuối năm 2010, nhiều doanh nghiệp đồng thuận ký cam kết áp dụng giá sàn xuất khẩu cho năm 2011 là 3 USD/kg đối với cá tra thịt trắng (tăng 0,3 USD so với tháng 9/2010) và cá tra thịt đỏ là 2,05 USD/kg.
Đến tháng 7/2011, giá sàn cá tra xuất khẩu lại được điều chỉnh thành 3,3 USD cho cá tra thịt trắng và 2,3 USD cho cá tra thịt đỏ (trừ thị trường Mỹ). Và giá sàn đối với việc thu mua nguyên liệu cá tra là 26.000 đồng/kg. Với mức giá này, nông dân sẽ có lãi khoảng 3.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, thực tế diễn ra tại thời điểm đó hoàn toàn khác với tuyên bố được đưa ra. Đa số doanh nghiệp xuất khẩu đều mua cá của dân dưới giá sàn, kể cả cá đạt tiêu chuẩn xuất khẩu hay cá quá lứa. Thiết lập giá sàn cho cá tra là việc cần thiết, góp phần ổn định đầu vào cũng như đầu ra cho cá tra, thế nhưng điều này hoàn toàn không hề đơn giản. Bao giờ sẽ có giá sàn cho cá tra? Đề xuất lần này liệu có được áp dụng và thành công hay không?
Ông Lê Văn Chín Nhỏ – Nông dân nuôi cá tra ở xã An Thạnh I, huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng: Mong sớm có giá sàn
Mấy năm gần đây người nuôi cá tra đang kiệt sức, nếu lần này ngành thủy sản thống nhất đưa ra giá sàn để doanh nghiệp mua cá của nông dân với mức có lãi vài ngàn đồng/kg là nông dân tụi tui sống khỏe, chứ bây giờ đồng vốn vay vòng đều nằm trong ngân hàng hết cả.
Mặc dù nhiều lần tôi muốn bỏ nghề nuôi cá tra lâu rồi, nhưng bỏ không được nên cố bám ao nuôi cho vui. Gia đình nuôi số lượng 9 ha có tổng cộng 13 ao nuôi cá tra, nên lượng cá có thu hoạch quanh năm, đồng vốn xoay vòng trong ngân hàng cũng đỡ hơn so với những cá thể khác nuôi số lượng ít.
Trung bình 13 ao nuôi cá tra phải tốn khoảng 125 triệu tiền thức ăn mỗi ngày, cá nuôi vòng 6 – 7 tháng mới thu hoạch được, sản lượng đạt khoảng 250 – 300 tấn/ha. Hiện, giá 1 kg cá tra đang ở mức thấp hơn so với giá thành đầu tư nên nhiều nông dân kiệt sức, doanh nghiệp lại còn vặn vẹo để hạ giá. Vì vậy, nông dân tụi tôi đang mong chờ đưa ra giá sàn chính thức càng sớm càng tốt để người nuôi cá đỡ khổ.