(TSVN) – Hằng năm, cứ đến mùa biển động, ngư dân làm nghề đánh bắt cá bằng lưới cước ven bờ ở Quảng Ngãi lại bước vào mùa làm ăn.
Từ tháng 9 đến tháng 12 âm lịch, trong khi đa số các tàu thuyền chuyên đánh bắt ở vùng khơi, vùng lộng đều nằm bờ, thì vùng biển ven bờ của tỉnh Quảng Ngãi lại nhộn nhịp các ghe nhỏ, thúng chai của ngư dân làm nghề săn cá lưới cước. Bất chấp những con sóng lớn cao từ 2 – 4 m, nhiều ngư dân vùng bãi ngang ven biển xã Đức Minh, huyện Mộ Đức vẫn đưa thuyền ra khơi, bởi họ hy vọng vượt sóng ra xa thì sẽ thu được những mẻ cá đầy.
Đa số những chiếc thuyền của ngư dân có công suất dưới 20 CV thường đánh bắt cách bờ chừng 5 – 7 hải lý. Thuyền nhỏ đi hai người, lớn bốn người, họ chủ yếu là anh em hoặc người thân…
Ngư dân Đinh Nho, xã Đức Minh cho biết, vượt sóng ra biển đã khó nhưng khi trở về bờ lại càng khó hơn. Chỉ cần những quyết định và phán đoán sai thì hậu quả và thiệt hại sẽ khó lường. Dẫu biết ra khơi mùa này thường gặp nhiều bất trắc nhưng vì miếng cơm nên ngư dân đành đánh liều vậy thôi. “Nhiều hôm “trúng mánh” thu bạc triệu chứ chẳng ít, còn không thì cũng kiếm được vài trăm nghìn đồng nên ngư dân ai cũng ham”, ngư dân Nho chia sẻ.
Những chuyến biển của ngư dân thường kéo dài khoảng chừng 6 – 8 tiếng là trở về. Thuyền vừa cập bờ, những người vợ của ngư dân cũng khẩn trương ra hỗ trợ chồng đưa chiếc thuyền vào sâu trong bờ để tránh những con sóng lớn.
Trung bình sau mỗi chuyến đánh bắt, ngư dân có thể kiếm được từ 400.000 – 500.000 đồng, nhiều hôm may mắn, trúng đậm mỗi ngư dân cũng thu về 1 – 2 triệu đồng.
Theo ngư dân Nguyễn Thanh Bình, xã Đức Minh, nghề đánh bắt gần bờ tréo ngoe lắm. Mùa biển động lại là thời điểm cá tôm nhiều hơn hẳn các tháng biển lặng. Biển động, nhiều loại tôm cá thường dạt vào gần bờ và những “cây chà” ngư dân dựng trên biển trú ngụ, nên mỗi chuyến ra biển chỉ từ 6 – 8 tiếng nhưng đánh bắt được rất nhiều hải sản. “Bên cạnh đó, thời gian đánh bắt ngắn nên hải sản vẫn còn tươi sống, bán được giá cao hơn hơn những ngày bình thường”, ngư dân Bình nói.
Ngư dân Nguyễn Tèo, xã Bình Châu cho biết, mùa này, các vùng biển ven bờ thường xuất hiện luồng cá di chuyển nên các tàu cá thường ra khơi từ đêm khuya đến rạng sáng là đánh được mẻ cá lớn. Hầu hết tập trung đánh cá cách đảo Lý Sơn từ 3 – 5 hải lý, trung bình mỗi ngày 2 chuyến về bờ vào lúc rạng sáng và chiều muộn. Mỗi chuyến bình quân tàu kéo được 4 – 5 tạ cá, tôm, thu nhập từ 20 – 40 triệu/chuyến. Các ngư dân phấn khởi vì chỉ cần vài giờ đồng hồ ra khơi cũng kiếm được vài triệu đồng.
Theo các ngư dân làm nghề đánh bắt cá lưới cước ven bờ, trước đây hầu hết đều sử dụng lưới cước 2, lưới cước 3 để đánh bắt. Trong 5 năm trở lại đây, ngư dân chuyển sang sử dụng lưới cước 4, lưới cước 5. “Kích thước mắt lưới nhỏ sẽ bắt được cá nhiều hơn, nhưng giá trị kinh tế không cao. Kích thước mắt lưới lớn sẽ bắt được cá lớn, vừa có thu nhập cao, vừa nuôi dưỡng được nguồn lợi thủy sản để tạo sinh kế lâu dài”, ngư dân Tèo cho hay.
Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Châu Nguyễn Thanh Hùng cho biết, trên địa bàn xã hiện có hơn 500 ngư dân hành nghề lưới cước vào mùa biển động. Mùa này, dòng nước đáy bị xáo động, nhiều loại cá di chuyển lên tầng nước nổi, nên ngư dân đánh bắt được sản lượng khá. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn trong mùa biển động, trước khi ra khơi, ngư dân nên theo dõi, cập nhật dự báo thời tiết để chủ động trong đánh bắt. Khi hoạt động trên biển phải mặc áo phao, tuyệt đối không được ra biển khi có bão, áp thấp nhiệt đới.
Như Đồng