(TSVN) – Những năm qua, số tiền hỗ trợ thông qua các chính sách của Đảng và Nhà nước là nguồn động lực to lớn giúp ngư dân phát triển năng lực sản xuất, cơ cấu lại nghề nghiệp khai thác theo hướng xa bờ và hiện đại, góp phần nâng cao thu nhập cho ngư dân.
Huyện Đông Hải là địa phương có đội tàu khai thác hải sản chiếm trên 50% tổng số tàu cá của tỉnh Bạc Liêu. Những năm gần đây, hoạt động khai thác hải sản ít nhiều gặp khó khăn nhất định, tuy nhiên năm 2023, đặc biệt những tháng cuối năm, ngư dân càng thêm khó. Chi phí đầu vào phục vụ chuyến biển tăng, trong khi giá các sản phẩm bán ra lại giảm, khiến nhiều chủ phương tiện cho tàu nằm bờ. Theo thống kê của UBND huyện, hiệu quả khai thác hải sản của các đội tàu giảm rõ rệt, chỉ có từ 40 – 60% số tàu hoạt động hiệu quả, còn lại hòa vốn và lỗ, thậm chí nhiều phương tiện phải tạm ngưng hoạt động.
Sự tiếp sức kịp thời từ các chính sách sẽ giúp ngư dân giảm bớt lo toan, an tâm bám biển. Ảnh: LT
Một số ngư dân tại huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chia sẻ, một năm có 12 tháng thì ngư dân chỉ đi biển được chừng 6 tháng, 6 tháng còn lại nghỉ vì biển động hoặc vào mùa sinh sản, mùa nước trong không có cá. Năm nay biển ít cá hơn mọi khi, giá dầu lại tăng cao nên hầu như ngư dân nào cũng bị lỗ. Trước tỉnh còn có chính sách hỗ trợ dầu cho tàu cá đánh bắt xa bờ theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ nhưng gần 2 năm nay không thấy nữa; hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân ngày thêm khó hơn.
Thực hiện Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg ngày 13/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản khơi xa, đến nay UBND tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt 1.400 tàu cá đăng ký hoạt động thường xuyên trên các vùng biển xa, tổng số tiền đã chi hỗ trợ ngư dân là 1.547,2 tỷ đồng. Trong đó hỗ trợ chi phí nhiên liệu cho 8.917 lượt tàu cá/21.339 chuyến biển với số tiền hỗ trợ là 1.481,2 tỷ đồng; hỗ trợ mua bảo hiểm thân tàu 4.258 lượt tàu/31,3 tỷ đồng; hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm thuyền viên 33.827 lượt người/ 7,4 tỷ đồng; hỗ trợ mua máy thông tin liên lạc tầm xa có tích hợp định vị vệ tinh 806 máy/26,6 tỷ đồng.
UBND tỉnh Quảng Trị cũng ban hành quyết định phê duyệt danh sách và bố trí kinh phí hỗ trợ tiền mua nhiên liệu đợt 1, mua bảo hiểm tàu cá đợt 1, năm 2023 theo Quyết định số 48/2010/ QĐ-TTg ngày 13/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ với tổng số tiền hơn 35,7 tỷ đồng. Theo đó, trong đợt 1 có 422 chuyến biển của các tàu cá tham gia khai thác trên các vùng biển xa được hỗ trợ tiền mua nhiên liệu với tổng số tiền 35,48 tỷ đồng. Trong đó, tàu cá huyện Gio Linh được hỗ trợ 400 chuyến biển với số tiền 33,405 tỷ đồng; huyện Triệu Phong được hỗ trợ 14 chuyến biển với 1,275 tỷ đồng và huyện Vĩnh Linh được hỗ trợ 8 chuyến biển với 0,8 tỷ đồng. Hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm thuyền viên cho 52 tàu cá với tổng số tiền hơn 308,5 triệu đồng.
Ngày 21/11/2023, UBND tỉnh Quảng Bình có Quyết định số 3308/QĐ-UBND về việc trích từ nguồn Trung ương bổ sung có mục tiêu thực hiện Quyết định 48/2010/QĐ-TTg hơn 20 tỷ đồng để hỗ trợ cho chủ tàu cá tham gia khai thác vùng biển xa. Cụ thể, UBND tỉnh Quảng Bình chuyển về Kho bạc Nhà nước TP Đồng Hới hơn 1 tỷ đồng; huyện Bố Trạch hơn 3,5 tỷ đồng; thị xã Ba Đồn hơn 6,3 tỷ đồng; huyện Quảng Trạch hơn 9,4 tỷ đồng để hỗ trợ chi phí mua bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm tai nạn thuyền viên, chi phí nhiên liệu đi và về của chuyến biển cho các chủ tàu cá. Tại Kỳ họp thứ 12 năm 2023, HĐND tỉnh Quảng Bình khóa XVIII đã thống nhất rất cao việc thông qua chính sách hỗ trợ cước phí thuê bao dịch vụ giám sát hành trình tàu cá trong giai đoạn 2024 – 2026. Theo nghị quyết được ban hành, trong năm 2024, mỗi tàu cá được hỗ trợ 100% cước thuê bao dịch vụ giám sát hành trình, tối đa không quá 300.000 đồng/tháng với mỗi tàu. Năm 2025, mỗi tàu cá được hỗ trợ 70% cước thuê bao dịch vụ giám sát hành trình, tối đa không quá 210.000 đồng/tháng với mỗi tàu. Năm 2026, tiếp tục hỗ trợ 50% cước thuê bao dịch vụ, tối đa không quá 150.000 đồng/tháng. Nguồn kinh phí thực hiện thuộc ngân sách tỉnh. Trước thông tin này, nhiều chủ tàu cá và ngư dân phấn khởi vui mừng bởi hành trình bám biển vươn khơi luôn có Nhà nước và các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ. Anh Phạm Tuyển (SN 1982, chủ tàu QB 91999 TS) không khỏi phấn chấn với chính sách hỗ trợ mới. Theo anh, với thời gian 3 năm hỗ trợ, ngư dân sẽ dần quen với việc có mặt thường trực của thiết bị giám sát hành trình, sự đồng hành của cơ quan chức năng và các chuyến biển cũng sẽ thuận lợi, an tâm hơn.
Hồng Hạnh