“Mỗi chuyến ra khơi, tụi tui lỗ cả triệu đồng. Bỏ biển thì không biết lấy chi mà sống vì mấy miệng ăn đều trông vào đó”, chủ tàu cá kiêm thuyền trưởng Lê Chiến ở cảng Lạch Vạn huyện Diễn Châu (Nghệ An) rầu rầu tâm sự.
Là một trong những cảng cá tấp nập bậc nhất miền Trung, thường mỗi buổi trưa cảng Lạch Vạn có hàng trăm tàu thuyền về đổ cá, tiếp nhiên liệu, đá lạnh,… Tuy nhiên, từ ngày giá xăng dầu tăng cao, bến cá này đìu hiu đến lạ thường.
Thuyền trưởng Lê Chiến buồn rười rượi bên cảng cá vắng bóng ngư dân, chỉ còn đoàn thuyền chấp nhận nằm bờ. Ảnh: Nguyên Khoa.
Trầm ngâm nhìn về phía đội tàu của mình chưa dám ra khơi dù đang chính vụ cá, anh Chiến cho biết, sau khi vượt qua được những thiệt hại của các trận bão lũ lớn năm ngoái và phát hiện nhiều ngư trường có trữ lượng cá lớn, nhiều ngư dân mạnh dạn vay vốn ngân hàng, đóng mới tàu để ra khơi với hy vọng đổi đời. Thế nhưng chưa trả hết nợ thì giá xăng lại tăng khiến họ rơi vào thế bí.
“Mỗi một tàu ra khơi xa bờ, phải thuê từ 5 đến 7 nhân công, trong khi giá xăng dầu tăng, điện tăng dẫn đến giá đá lạnh tăng, nhân công cũng đang tăng từng ngày khiến cho chuyến ra khơi nào cũng lỗ. Từ cuối tháng 2 đến nay, thuyền bầy tui lỗ đến mấy chục triệu rồi, giờ không biết lấy gì để ra khơi nữa nên đành phải cầm chừng và nằm chờ thôi”, anh Chiến thở dài nói.
Cùng chung hoàn cảnh với anh Chiến, hàng trăm ngư dân khác ở vùng biển Diễn Châu cũng đang lao đao chưa biết tính chuyện làm ăn thế nào khi xăng dầu đắt đỏ.
“Ngày đánh cá còn có lãi, gia đình chúng tôi đều tập trung ở cảng cá vào mỗi buổi trưa để chờ tàu về, đứa nhỏ thì phụ giúp mang cá lên bờ, phân loại cá, đứa lớn thì mang cá đi bán, các cụ già thấy thuyền về tấp nập, cá đầy khoang cũng mừng vui ra mặt. Nhưng nay thì không còn nữa, cả cảng cứ buồn thiu và thiếu cái không khí ấm no, tấp nập”, chị Nguyễn Thị Gái vừa tâm sự vừa chỉ tay lên hướng cảng, nơi chỉ có lác đác vài người đang nhặt cá để mang đi chợ bán.
Bãi cá trên cảng Lạch Vạn vắng ngắt dù đang giữa mùa khai thác. Ảnh: Nguyên Khoa.
Cảng cá Quỳnh Phương, nơi tập trung chủ yếu những tàu công suất lớn, đánh bắt xa bờ của ngư dân vùng Quỳnh Lưu, Diễn Châu, cũng bao trùm một không khí ảm đạm đến nao lòng.
Tàu không dám ra khơi vì lỗ, chủ tàu loay hoay tìm cách tu sửa lưới, ngư cụ để chờ đợi, trên bờ không còn cảnh các bà, các chị đội thúng chờ chồng như trước.
“Mỗi tàu công suất lớn chúng tôi tiêu thụ từ 35 đến 40 nghìn lít dầu cho mỗi chuyến đi, trong khi giá dầu tăng thêm 3.550 đồng một lít, giá điện tăng kéo theo giá đá lạnh cũng tăng khiến cho chủ tàu phải đội thêm chi phí từ 3 đến 5 triệu đồng, vả lại chưa biết là có tìm được luồng cá hay không nên ngư dân nào đi là phải cắn răng mà chịu lỗ”, ông Nguyễn Văn Sáng, chủ tàu đánh bắt xa bờ ở cảng Quỳnh Phương tính toán.
Giờ đây, cứ ra khơi chuyến nào là lỗ chuyến ấy, nhưng vì không có nghề gì khác nên ngư dân các xã Quỳnh Long, Quỳnh Phương, Quỳnh Nghĩa, đang tìm cách chuyển từ đánh bắt dài ngày sang ngắn ngày, tìm các ngư trường gần và đặc biệt là chuyển đổi hình thức đánh bắt để hy vọng vớt vát phần nào.
Trong khi đó, các ngư dân vùng biển Cửa Lò, Cửa Hội đang tìm cách liên kết tàu thuyền với nhau để giảm chi phí. Cứ 3 – 4 tàu kết lại với nhau và tắt máy, chỉ một tàu nổ máy, kéo các tàu khác ra khơi cùng lúc. Khi đến luồng cá, các tàu sẽ tách ra để đánh, khi đầy mẻ lưới, một tàu sẽ làm nhiệm vụ vừa mang cá vào bờ vừa tiếp thêm nhiên liệu, đá lạnh, thực phẩm cho các tàu khác.
“Mặc dù có giảm được một ít chi phí nhưng đây cũng chỉ là cách làm đối phó, tạm thời của ngư dân mà thôi chứ không thể sống lâu dài bằng cách này được”, ông Nguyễn Văn Hùng, chủ tàu cá ở phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò cho biết.
Chỉ thi thoảng lắm mới có đợt tàu về nhưng vì đi ngắn bờ, ngắn ngày nên chỉ toàn được những mẻ cá loại nhỏ, rất khó bán nhưng các bà, các chị vẫn cố gắng nhặt nhạnh, lựa chọn để mang đi chợ kiếm chút đỉnh. Ảnh: Nguyên Khoa.
Không chỉ đối mặt với việc lỗ ròng sau những chuyến ra khơi, các làng chài ở miền Trung đang còn phải đối mặt với thực trạng lao động bỏ nghề biển vì quá bèo bọt và bấp bênh. Trước, lao động vùng biển có thể thu nhập từ 2 đến 4 triệu đồng mỗi tháng, nhưng khi tàu thuyền đắp chiếu thì lao động nghề biển cũng không có việc làm hoặc có nhưng thu nhập bấp bênh.
Với đặc thù các làng biển hầu như không có nghề phụ, nên mỗi ngư dân ra khơi phải nuôi theo cả “bầu đoàn thê tử”. Nhưng khi mà thu nhập của bản thân họ còn chưa đủ sống thì việc nuôi thêm đội quân “ăn theo” là rất khó khăn.
Trước thực trạng đó, nhiều thanh niên vùng biển đã không mặn mòi với biển nữa mà tìm cách Nam tiến để làm thuê, hoặc vay mượn để đi xuất khẩu lao động.
Ông Đậu Xuân Thủy, chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc huyện Diễn Châu (Nghệ An) cho biết toàn xã có hơn 1.000 người lao động trực tiếp bằng nghề biển nhưng thực trạng giá xăng dầu rồi giá điện tăng đã khiến cho bà con lao đao. Từ đầu năm 2011 đến nay, các làng biển chứng kiến hàng trăm thanh niên trai tráng bỏ vào Nam làm công nhân ở các khu công nghiệp, vào Tây nguyên làm phu cà phê, cao su và 58 thanh niên bỏ biển để đi xuất khẩu lao động. “Nếu thực trạng này còn tiếp diễn thì các làng biển sẽ vắng dần trai tráng ra khơi, đây cũng là điều đáng buồn”, ông Thủy cho biết.
Tại các làng biển khác của miền trung như ở các cảng cá Cửa Hội, Cửa Sót, Cửa Nhượng, Vũng Áng (Hà Tĩnh) tình trạng cũng không có gì sáng sủa hơn.
Hà Nguyên Khoa
Theo VNE