T2, 06/07/2020 10:48

Ngư dân bàng hoàng khi tàu bị phá

Chưa có đánh giá về bài viết

Sáng 13/12/2013, tàu cá QNg 92046 TS tiếp tục rời bến Cổ Lũy hướng về quần đảo Hoàng Sa hành nghề. Ra khơi lần này, các ngư dân vẫn không quên lần ghé vào đảo Phú Lâm nhờ Trung Quốc cấp cứu người bị nạn rồi lại bị đập phá đồ đạc.

Chạy vào Phú Lâm

Vào mùa này, những chiếc tàu đánh bắt xa bờ ở xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi tấp nập mở những phiên biển cuối cùng, kết thúc một năm đánh bắt.

Những ngày cuối đông, gió biển thổi hắt vào làn hơi muối mặn. Biển mặn đã ban cho các ngư dân bám biển xa bờ có cuộc sống no đủ. Nhưng ra khơi đánh bắt xa bờ, ngư dân đã nếm vị đắng khi bị lính Trung Quốc đập phá đồ đạc trong chuyến biển vừa qua. Các thiết bị trên tàu bị đập gồm: 1 máy Icom, máy dò cá, máy định vị. Tổng thiệt hại khoảng 70 triệu đồng.

Một số thiết bị trên tàu QNg 92046TS bị đập hỏng

Thuyền trưởng Nguyễn Văn Lâm kể lại, trước đó, vào ngày 1/12/2013, khi tàu đang hành nghề câu cá ngừ đại dương ở vùng biển Hoàng Sa thì ngư dân Nguyễn Văn Xiện, 36 tuổi bị nạn do cánh quạt chém vào cổ. Ngư dân trên tàu đã điện về Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn tại Đà Nẵng nhờ hỗ trợ. Do yêu cầu cấp cứu khẩn cấp, trong khi quãng đường hành trình vào bờ còn khá xa. Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn đã điện cho Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn phía Trung Quốc để phối hợp cứu ngư dân Việt Nam.

Thời gian trên biển trôi qua hết sức nặng nề. Ngư dân bị thương lả đi vì máu tuôn ra nhiều. Qua máy thông tin, các ngư dân được hướng dẫn cấp cứu người bị nạn bằng cách băng bó và thắt động mạch, nhưng vẫn không cầm máu được. Sau khi thống nhất với phía Trung Quốc, Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn thông báo tàu chạy thẳng vào đảo Phú Lâm. Phía Trung Quốc sẽ chờ cấp cứu ngư dân vào lúc 3 giờ sáng 2/12.

Chiếc tàu công suất lớn mở hết tốc lực chạy vào đảo. Khi đến đầu cảng quân sự Phú Lâm ở quần đảo Hoàng Sa, tàu phải dừng lại vì thấy trước đảo có gắn đèn đỏ. Các ngư dân dự đoán, nếu không có tàu ra đón mà xông vào thì rất dễ bị bắn. Tàu phải dừng lại chờ đợi. Một đêm trôi qua trong không khí nặng nề. Đến sáng 2/12/2013, tàu ngư dân được chạy vào đảo. Phía Trung Quốc đã cấp cứu cho ngư dân bị thương qua khỏi cơn nguy kịch.

 

Mò mẫm về quê

Khi tàu vào cảng, ngư dân chứng kiến hòn đảo Phú Lâm của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm giữ đã được xây dựng như một thành phố biển. Tại cảng có rất nhiều tàu lớn neo đậu. Khi tàu ngư dân vào cảng, khoảng 300 lính Trung Quốc kéo ra cầu cảng nhìn xuống. Máy ảnh từ trên cầu hướng về phía các ngư dân và nháy liên tục. Một người phiên dịch xuống tàu, đề nghị ngư dân dồn lên trước mũi, cúi mặt xuống, không được quan sát xung quanh.

Các ngư dân ngồi ngoài sàn tàu tự nhiên nghe âm thanh ầm ầm trong ca bin. Đó là lúc phía Trung Quốc đập hỏng hệ thống thông tin gắn trên tàu. Thuyền trưởng Lâm là người ngồi trong cabin nên chứng kiến rõ vụ việc. Ông Lâm cho biết: Họ lấy chiếc radio đập vào máy thông tin và cho rằng vào cảng Trung Quốc thì không được sử dụng. Theo quy định của Luật hàng hải quốc tế, trong một số trường hợp tàu vào cảng thì phải niêm phong hệ thống thông tin.

Lúc 8 giờ 30 phút ngày 2/12/2013, tàu tuần tra và máy bay Trung Quốc đã kèm tàu ngư dân ra khỏi vùng biển Phú Lâm vài chục hải lý. Thuyền trưởng Lâm báo cáo Bộ đội Biên phòng và chia sẻ: “Chúng tôi cảm ơn phía Trung Quốc đã giúp đỡ ngư dân Việt Nam. Tuy nhiên, họ đập phá tài sản trên tàu đã gây khó khăn cho ngư dân. Vậy nhưng họ vẫn bắt tôi ký tên cam kết là không bị gây khó khi vào Phú Lâm”.

Trên đường tàu hành trình về Việt Nam, các ngư dân phải mò mẫm sử dụng la bàn để định hướng. Thuyền trưởng Lâm cho biết, “đã 2 lần cập vào tàu bạn để hỏi đi theo hướng nào thì cắt đường về Cổ Lũy gần nhất”.

Ảnh: Thanh Trung

Tối 3/12/2013, tàu ngư dân về tới địa phương trong niềm vui của người thân. Vì từ lúc tàu vào đảo Phú Lâm, máy thông tin trong đất liền mất hoàn toàn tín hiệu. Người dân xóm chài chạy nháo nhào vì không biết ngư dân vào cảng Phú Lâm đã gặp chuyện gì.

>> “Hành nghề trên biển bị nạn, họ cứu mình thì mình cảm ơn, nhưng cuối cùng họ lại đập đồ trên tàu của mình” – Thuyền trưởng Nguyễn Văn Lâm kể lại với giọng buồn buồn. Suốt 20 năm hành nghề ở vùng biển Hoàng Sa, đã nhiều lần chạm mặt tàu tuần tra, nhưng đây là lần đầu tiên anh đặt chân lên đảo Phú Lâm thuộc chủ quyền Việt Nam.

Thanh Trung

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!