Theo Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Trà Vinh, sau hai năm thực hiện mô hình hỗ trợ ngư dân hiện đại hóa phương tiện đánh bắt thủy sản xa bờ đầu tiên, đến nay toàn tỉnh đã có hơn 80 ngư dân mạnh dạn đầu tư mua sắm giàn lưới rê hỗn hợp, nâng cao được hiệu quả kinh tế đánh bắt từ 1,5 – 2 lần so với lưới rê truyền thống.
Ông Huỳnh Văn Hạnh ở ấp Vĩnh Hưng, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh, là người đầu tiên được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi tín dụng và kỹ thuật để mua sắm giàn lưới rê hỗn hợp đánh bắt đem lại hiệu quả kinh tế cao trong hai năm nay.
Đánh bắt thủy sản bằng lưới rê hỗn hợp cho năng suất cao. Ảnh minh họa. (Nguồn: agroviet.gov.vn)
Ông Hạnh cho biết, một giàn lưới rê hỗn hợp có chiều dài 8.000 mét, độ cao của lưới 20 mét, kích cỡ lỗ lưới 16x16cm, có vốn đầu tư 1,2 tỷ đồng. Tuy chi phí cho giàn lưới rê hỗn hợp cao hơn 30% so với lưới rê truyền thống, nhưng bù lại sản lượng đánh bắt thu được đến 70% cá to đạt trọng lượng 4-16 con/kg và có giá trị kinh tế cao, như; cá thu, cá bốp, cá rún, cá chét…
Trong một chuyến đi biển từ 7 – 10 ngày, sản lượng đánh bắt của lưới rê hỗn hợp cao hơn hẳn từ 1.100 đến 1.200kg cá các loại, trừ chi phí lưới rê hỗn hợp cho thu nhập trung bình khoảng 42,3 triệu đồng/chuyến, còn lưới rê truyền thống chỉ đạt khoảng 25 – 26 triệu đồng.
Ngoài ra, chi phí về tu sửa lưới rê hỗn hợp như nhân công vá lưới, chỉ lưới… chỉ tốn 15-20 triệu đồng/năm, trong khi đó lưới rê truyền thống phải tiêu tốn đến gần 100 triệu đồng/năm.
Tỉnh Trà Vinh hiện có đội tàu công suất từ 120 CV trở lên đủ sức bủa lưới xa bờ. Để giúp các tàu đánh bắt thủy sản này nâng cao hiệu quả kinh tế, ngành nông nghiệp tỉnh đang vận động ngư dân chuyển đổi sang giàn lưới rê hỗn hợp.
Ngư dân có nhu cầu, sẽ được hỗ trợ về nguồn vốn vay ưu đãi để mua sắm giàn lưới, cải hoán hầm tàu bằng vật liệu Polyurethane vừa nhẹ, bền, kín, bảo quản hải sản được tươi sạch lâu ngày, giảm tiêu hao nước đá từ 20 – 30 % cho mỗi chuyến biển và kéo dài thời gian đánh bắt lên 9 – 15 ngày.