Ông Lưu Minh Nhật, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau cho biết, sau gần một tháng lênh đênh trên biển, hơn 300 chiếc tàu đánh bắt thủy sản xa bờ ở thị trấn Sông Đốc đã về tới đất liền, mang theo nhiều tôm, cá các loại.
Nhiều tàu sau khi trừ chi phí, mỗi tàu thu lãi từ 100 triệu đồng trở lên. Bà con rất phấn khởi khi trúng đậm ngay mẻ lưới đầu năm, báo hiệu một năm mới “cá nặng tôm đầy.”
Không riêng ngư dân thị trấn Sông Đốc, hàng trăm ngư dân ở cửa biển Khánh Hội thuộc xã Khánh Hội, huyện U Minh và cửa biển Cái Đôi Vàm thuộc huyện Phú Tân điều trúng đậm mùa tôm cá đầu năm.
Ông Trần Hiếu Vạn, chủ của hai chiếc tàu đánh bắt thuỷ sản xa bờ ở thị trấn Sông Đốc cho biết, nhờ nắm vững quy luật hội tụ của các loại tôm cá trên biển, ngư dân đã triển khai sản xuất và trúng đậm. Vụ vừa qua sau khi trừ chi phí hai tàu của ông còn lãi được 220 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Nghĩa, sở hữu một chiếc tàu ở cửa biển Khánh Hội cho biết, tàu của ông xuất phát ra khơi từ 7/1, sau một tháng bám biển, tàu mang về trên hai tấn tôm cá các loại. Sau khi trừ chi phí còn lãi gần 100 triệu đồng. Rất nhiều tàu khác ra khơi đều đã trúng đậm chuyến khai thác biển đầu năm.
Nghề khai thác thủy sản là nghề vô cùng cực nhọc và đầy nguy hiểm. Nếu như Tết đến mọi người nghỉ ngơi thì ngư dân lại bám biểm bám tàu. Họ vừa ăn Tết trên biển, vừa sản xuất cả ngày lẫn đêm.
Ông Lê Văn Sử, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, trong lúc nguồn tài nguyên trên biển ngày càng cạn kiệt thì có nhiều ngư dân chịu khó triển khai đánh bắt xa bờ đạt hiệu quả cao.
Năm 2014, Cà Mau phấn đấu đạt sản lượng khai thác biển 200.000 tấn.