Ngư dân cần được tiếp sức

Chưa có đánh giá về bài viết

Làng biển Cửa Việt những ngày sau tết, dọc bến sông từ thôn Tân Xuân (Gio Linh, Quảng Trị) về cảng biển hàng trăm tàu, thuyền đang neo bờ đợi qua ngày biển động. Mưa giăng kín mặt nước, sóng biển thản nhiên vỗ vào mạn thuyền mặc cho ngư dân đang cồn cào với bao nỗi lo toan…


Biển đợi sức người

Nghề biển luôn ẩn chứa nhiều bất trắc. Ngư dân ngoài việc chống chọi với sóng to gió lớn còn phải đối phó với tình trạng tranh chấp trên biển nên họ cần được trang bị đầy đủ về phương tiện khai thác, kiến thức pháp luật và những kỹ năng ứng phó thích hợp.

Nhưng chuyến trở lại Cửa Việt lần này nếu để tìm gặp những “tỷ phú” ngư dân quả thật không khó, bởi sau bao nhiêu năm bám biển, ngư dân vùng Cửa Việt đã tìm ra cách chế ngự thiên nhiên. Đó là những điển hình như ông Võ Lới ở thị trấn Cửa Việt hiện là chủ nhân của 2 con tàu đánh bắt xa bờ 650 CV thu hút khoảng 20 lao động, tổng giá trị tài sản lên đến hàng chục tỷ đồng. 

 


Ngư dân Nguyễn Thanh Luận chuẩn bị ra khơi.

 

Nhắc đến danh tiếng “tỷ phú” Võ Lới, Chủ tịch UBND xã Gio Việt Nguyễn Thanh Thương cho biết: “Quả thật, khi nói đến việc đánh bắt thì cả vùng Cửa Việt này không ai hiệu quả như ông Lới nhưng không phải muốn là được. Ông Lới đã có một quá trình vật lộn với bao khó khăn thử thách và đã không ít lần trả giá cho sự thành công này. Bây giờ ông Lới có tàu to máy lớn ra khơi vào lộng mỗi chuyến thu cả trăm triệu đồng, ngư dân ở đây ai cũng thán phục nhưng rất khó để làm giàu như ông Lới. 

Toàn xã Gio Việt có 2.400 lao động, trên 60% là làm nghề biển, vậy nhưng chỉ có 160 chiếc tàu thuyền lớn nhỏ với tổng công suất là 8.033 CV, trong đó tàu 45 CV trở lên chỉ có 70 chiếc. Muốn đánh bắt xa bờ trước hết phải sắm được thuyền từ 90 CV trở lên, tức là loại tàu đủ sức bám biển cả suốt năm, bất chấp sóng to gió lớn ngoại trừ bão tố. Đối với nghề biển, khi gặp mùa biển động buộc ngư dân phải nằm nhà, chứ không thể ra khơi. Nhưng với tàu của ông Lới thì biển càng động ông lại dông tàu ra khơi để khai thác cá thu và không ít lần trúng đậm…”.

Tôi hỏi: “Tại sao ngư dân không mạnh dạn sắm tàu to máy lớn như ông Lới?”, anh Thương cho biết: “Nghề biển không hề đơn giản. Trước hết là phải có tiền mới mua sắm đủ phương tiện. Mỗi chiếc tàu 90 CV trở lên trị giá khoảng 2 tỷ đồng, 1 vàng lưới bùng nhùng để đánh bắt cá thu khoảng 1,5 tỷ đồng. Để hạ thuỷ một chiếc tàu đã ngót từng ấy tiền, chưa kể các vật tư khác như dầu, đá lạnh và cơm gạo mắm muối cho hàng chục con người suốt cả tháng trời trên tàu đâu phải chuyện dễ…”

Ngư dân đang cần vốn

Tôi tìm đến Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp &PTNT Cửa Việt để tìm hiểu về cơ chế cho vay vốn hỗ trợ ngư dân khai thác biển thì được biết, tính đến tháng 1/2012, tổng dư nợ cho vay riêng nghề biển của Chi nhánh tại vùng Cửa Việt đạt 35 tỷ đồng, trong đó khai thác xa bờ 36 chiếc khoảng 8 tỷ đồng, tàu trung bờ 35 chiếc khoảng 3,5 tỷ đồng, tàu nhỏ khai thác ốc, ghẹ khoảng 5 tỷ đồng, tức là cho vay trên lĩnh vực khai thác chỉ xấp xỉ trên 50% tổng dư nợ cho vay nghề biển tại địa bàn. 

 


Phơi cá.

 

Lý giải về điều này anh Đỗ Văn Mão, Giám đốc Chi nhánh cho rằng: “Nếu xét về nhu cầu của ngư dân ở vùng Cửa Việt là rất lớn, nhưng căn cứ vào giá trị tài sản thế chấp để chúng tôi ấn định mức vay. Nếu một tàu trị giá từ 1,2- 2 tỷ đồng, ngân hàng cho vay 500 triệu đồng. Cần phải nói thêm rằng hầu hết việc cho vay đối với các tàu khai thác xa bờ đều phát huy hiệu quả. Cho dù lãi suất là rất cao 18,5%/năm, tức là vay 1 tỷ một tháng phải trả 15 triệu tiền lãi, vậy mà trong 36 chiếc xa bờ vay hiện đã có 15 chiếc trả xong nợ. Do đó trong kế hoạch của năm 2012 chúng tôi sẽ giải ngân vốn đầu tư cho 5-7 chiếc, vay nâng cấp tàu thuyền chứ không cho vay đóng mới…”

Trở lại câu chuyện với anh Thương, Chủ tịch UBND xã Gio Việt về những thắc mắc của tôi về cơ chế vay vốn để đóng tàu to máy lớn, tức là nếu một hộ không đủ sức vay thì lập ra nhóm hộ để cùng thế chấp tài sản vay vốn hợp sức làm ăn. Qua tìm hiểu tôi mới biết thêm rằng, trước hết về phía ngân hàng không chấp thuận. Mô hình “tàu đánh bắt xa bờ” trước đây không hiệu quả do phải chịu cảnh “cha chung không ai khóc” đã để lại cho ngân hàng một bài học. Do đó ngân hàng nhất quyết “nói không” với mô hình vay nhóm hộ mà chỉ chấp thuận cho vay hộ cá nhân.

Ngoài ra còn phải kể đến những trường hợp không may gặp bất trắc nên lâm vào cảnh nợ nần. Anh Nguyễn Văn Ngọc ở khu phố 5, thị trấn Cửa Việt đã không ít lần cầm đơn đến gõ cửa ngân hàng xin được vay vốn để phục hồi sản xuất nhưng không được. Anh Ngọc vốn là chủ nhân của 2 con tàu (1 xa bờ, 1 trung bờ) nhưng do gặp nạn chìm nên tàu bị hư hỏng nặng, hiện đang nợ ngân hàng 50 triệu đồng. Bây giờ anh Ngọc muốn được vay thêm vốn để khôi phục lại tàu thuyền, trở lại biển đánh bắt mới có cơ hội hoàn trả nợ ngân hàng và cải thiện đời sống gia đình. Chúng tôi được biết nhu cầu vay vốn của ngư dân là rất lớn. Riêng ở xã Gio Việt, trên lĩnh vực chế biến vào lúc cao điểm cần khoảng 1,5 tỷ đồng cho 75 lò sấy hoạt động, vậy nhưng do cơ chế vay ở ngân hàng khó khăn nên phần lớn các chủ cơ sở đều phải vay ngoài chịu lãi suất cao. Hàng trăm ngư dân ở Gio Việt đang cần vốn đầu tư tàu to máy lớn, mở rộng thu mua, chế biến hải sản…

Cần tiếp sức cho ngư dân

Để tìm ra những giải pháp giúp ngư dân tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn vốn vay của nhà nước, thiết nghĩ cần phải có một cơ chế thông thoáng hơn. Dẫu rằng trên thực tế, ngư dân đã và đang thụ hưởng một số chính sách hỗ trợ như bù giá xăng dầu, trợ cấp khó khăn cho học sinh vùng biển bãi ngang…Tuy nhiên, để thực sự làm thay đổi cuộc sống của ngư dân thì nhà nước cần có chính sách hỗ trợ lãi suất, bù lãi suất trong vay vốn.

Nên chăng dành một nguồn vốn và cơ chế huy động vốn nhằm đáp ứng nhu cầu vay của dân, bởi trên thực tế ở địa bàn Cửa Việt, tổng dư nợ cho vay toàn xã hội là 50 tỷ đồng, nhưng tiền gửi huy động từ dân đã là 40 tỷ. Các ngân hàng trên địa bàn tỉnh cần mạnh dạn rót thêm vốn cho ngư dân làm ăn để họ tăng thu nhập từ đó mới có tiền gửi ngân hàng.

Tiếp sức cho ngư dân, ngoài chuyện cho vay vốn còn phải chú trọng tập huấn cho ngư dân về kiến thức pháp luật, trang bị phương tiện hỗ trợ để có ứng xử thích hợp khi gặp các sự cố tranh chấp trên biển, góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh hải bên cạnh việc khai thác, đánh bắt hải sản. Chúng tôi gặp anh Nguyễn Thanh Luận là chủ nhân của một tàu xa bờ thu hút 10 lao động, đồng thời là trung đội trưởng Đội dân quân biển xã Gio Việt.

Anh cho biết, trung đội được thành lập từ 3 năm nay. Nhiệm vụ của trung đội khi ra biển là trợ giúp các tàu bạn bị nạn và nắm bắt tình hình, diễn biến của các tàu lạ trên biển vi phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam. Anh kiến nghị cần được trang bị các phương tiện hỗ trợ để chủ động trong công tác. Kể từ khi trung đội dân quân biển ở Gio Việt đi vào hoạt động đến nay chưa gặp phải trường hợp tranh chấp lớn nào, chỉ có trường hợp tàu của các tỉnh bạn đến hoạt động ở khu vực đảo Cồn Cỏ dùng bộc phá để khai thác huỷ diệt hải sản, trung đội đã kịp thời báo với các ngành chức năng xử lý…

Trung đội trưởng Nguyễn Thanh Luận dẫn chúng tôi ra thăm con tàu, nơi anh sống, làm việc, gần gũi nó nhiều hơn đất liền. Con tàu này sẽ mãi gắn bó với anh, chuyên chở khát vọng bình yên nối từ đất liền ra biển cả. Dẫu phải đối mặt với nhiều thử thách nhưng tôi tin anh và những ngư dân trên vùng biển Cửa Việt này sẽ đạp bằng gian khó, vững chãi trước trùng khơi.


HỒ NGUYÊN KHA

Theo Báo Quảng Trị
                       

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!