Do thời tiết trên các vùng biển thuận lợi nên hoạt động khai thác hải sản trong tháng 7 của các tàu cá tiếp tục được duy trì mức độ cao, sản lượng các chuyến đi biển khá.
Được mùa biển
Hơn 1 tháng qua, tại các cửa biển của tỉnh Quảng Ngãi nhộn nhịp tàu thuyền đầy ắp cá trở về. Dưới bến, tàu cá neo đậu san sát để ngư dân chuyển cá lên. Trên bờ, xe đông lạnh từ các nơi đổ về chuyển cá đi tiêu thụ.
Riêng tại cửa biển Mỹ Á xã Phổ Quang, Đức Phổ, Quảng Ngãi, ngư dân liên tiếp trúng đậm. Còn đánh bắt trong lộng có những tàu sau một đêm ra khơi trở về đã kiếm được cả trăm triệu đồng. Ngư dân nơi đây cho rằng nhờ được mùa cá nên tinh thần các bạn thuyền đều phấn chấn, quên mệt mỏi mà tranh thủ ra khơi bám biển.
Còn tại khu vực biển Nha Trang (Khánh Hòa), hầu hết các chủ tàu đánh bắt đều có lãi. Như tàu của anh Nguyễn Văn Thanh, chủ tàu BĐ 95854 (Hoài Nhơn, Bình Định), trong chuyến đi đánh bắt dài ngày (20 ngày), tại quần đảo Trường Sa đã đánh bắt được 17 – 18 tấn cá. Anh Thanh lãi trên 150 triệu đồng sau khi trừ các chi phí. Theo đánh giá của ông Võ Hồng Hà (Phó Ban Quản lý cảng cá Hòn Rớ, Nha Trang), mỗi ngày có từ 45 – 50 chuyến tàu cập cảng để bán các loại cá cơm, cá nục… rồi tiếp tục khẩn trương mua nhu yếu phẩm cho chuyến đi biển tiếp theo.
Ảnh: Phan Thanh Cường
Cá hố được mùa, được giá
Trong tháng qua, tại bãi biển Tỉnh Thủy, xã Tam Thanh, TP Tam Kỳ, Quảng Nam, ngư dân vui mừng khi được mùa cá hố. Chỉ cần đánh bắt bằng lưới mành gần bờ, tối ra khơi, sáng về, mỗi ghe cũng đánh được từ 5 tạ đến 1 tấn cá. Hiện, giá mỗi kg cá hố tươi từ 13.000 – 15.000 đồng, cá hố khô từ 40.000 – 50.000 đồng. Vì vậy, nhiều ngư dân không bán cá tươi, chọn cách xẻ thịt phơi khô để được giá hơn. Trung bình mỗi chuyến đi biển, 1 ghe con với vài ngư dân lãi 5 triệu đồng từ cá hố.
Trúng đậm cá cơm
Tại các làng chài ở Tuy Phong, Bình Thuận, ngư dân vui mừng khi được mùa cá. Ngư dân cho biết, tháng này được nhất là cá cơm, cá chim, cá thu, cá hố… Cá to, cá nhỏ đủ loại. Bình quân mỗi thuyền đánh bắt được 2 – 3 tấn cá cơm sau mỗi chuyến ra khơi. Rất nhiều chủ thuyền ở Tuy Phong những ngày qua đều thu khá.
Bên cạnh yếu tố được mùa, hải sản ở Tuy Phong còn được giá. Nghề chế biến nhờ đó cũng dồi dào nguyên liệu. Chỉ riêng xã Phước Thể có hơn chục cơ sở chế biến cá hấp hoạt động cả ngày lẫn đêm, giải quyết việc làm thời vụ cho cả trăm lao động tại địa phương với mức thu nhập khá.
Được biết, trong 7 tháng năm 2012, sản lượng hải sản toàn huyện gần 22.000 tấn, đạt gần 60% kế hoạch năm 2012 và tăng 18,84% so với cùng kỳ.
Cuối vụ cá ngừ đại dương
Mặc dù đã hết mùa đánh bắt, song sản lượng khai thác đạt ở mức khá. Trong 7 tháng đầu năm, sản lượng cá ngừ của ngư dân tỉnh Bình Định đạt 5.635 tấn, Phú Yên đạt 6.000 tấn và Khánh Hòa đạt 1.000 tấn. Cụ thể, ngư dân Bình Định khai thác vùng khơi nhiều hơn nên sản lượng khai thác cá ngừ trong tháng 7 đạt thấp, trung bình 0,7 – 1 tấn/tàu/chuyến biển, có 35 – 45% đội tàu hoạt động khai thác có lãi, còn lại hòa vốn và lỗ. Trong khi đó, ngư dân Khánh Hòa chủ yếu khai thác ở vùng lộng, nên vẫn đạt hiệu quả cao. Trung bình từ 1 – 3 tấn, giá cá ngừ câu vàng 145.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí lãi 100 – 250 triệu/tàu/chuyến biển, thu nhập quân 10 – 20 triệu/lao động.
Tuy nhiên, giá cá ngừ câu tay giảm từ 135.000 đồng/kg còn 110.000 đồng/kg nên bà con cũng không có lãi nhiều.
Sản lượng mực không cao, giá rớt
Bên cạnh niềm vui được mùa, thì hàng loạt tàu câu mực ở TP Đà Nẵng có nguy cơ bỏ biển vì do ảnh hưởng của thời tiết sản lượng không cao và mực rớt giá thê thảm nhất từ trước đến nay, từ 150.000 đồng giá thu mua mực của năm ngoái nay chỉ còn 50.000 đồng. Theo ông Trần Văn Mười – chủ tàu câu mực (ĐNa – 90567) thuộc loại lớn nhất Đà Nẵng, cho biết, giá mực đầu năm nay có rớt nhưng cũng còn được 120.000 đồng/kg, cố gắng vẫn ra khơi được. Nhưng với giá này, ra biển, đánh được bao nhiêu cũng lỗ. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do thương lái Trung Quốc ngưng thu mua nguyên liệu.
Được biết, Đà Nẵng có gần 200 tàu làm nghề mực xà. Thời gian gần đây đã có hơn 30 tàu nằm bờ hoặc chuyển sang nghề khác vì giá mực xà quá thấp.
>> Theo Tổng cục Thủy sản, sản lượng khai thác hải sản tháng 7 ước đạt 190.000 tấn, đưa tổng sản lượng khai thác 7 tháng đầu năm lên 1.449 nghìn tấn, đạt 67,9% kế hoạch năm. Một số địa phương đạt sản lượng khai thác cao như Quảng Ninh (34.441 tấn), Thanh Hóa (44.161 tấn), Quảng Ngãi (63.240 tấn), Bình Định (78.200 tấn), Bình Thuận (91.200 tấn), Bà Rịa – Vũng Tàu (157.080 tấn). |