(Thủy sản Việt Nam) – Hải Phòng nằm trong tam giác kinh tế quan trọng của miền Bắc (Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh). Với lợi thế 125km ven biển, khai thác thủy sản từ các tuyến lộng ven bờ đến vươn khơi xa là thế mạnh của ngư dân Hải Phòng.
Liên kết vươn khơi
Hải Phòng hiện có hơn 4.500 tàu, thuyền hoạt động khai thác thủy sản, thu hút hàng vạn lao động ở các cửa sông, các tuyến lộng ven bờ và khơi xa. Trong đó, có 642 tàu thuyền đánh bắt xa bờ có công suất từ 90 CV trở lên. Các huyện Thủy Nguyên, Kiến Thụy, Cát Hải, Tiên Lãng và quận Đồ Sơn, Hồng Bàng, Hải An đã thành lập 52 tổ, đội, tập đoàn khai thác thủy hải sản. Tập đoàn đánh cá Nam Triệu, xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên là tập đoàn nghề cá lớn nhất Hải Phòng. Hiện tại, Tập đoàn Nam Triệu có 850 phương tiện đánh bắt và dịch vụ. Trong đó có 527 tàu có công suất từ 20 CV trở lên, già nửa số tàu này có công suất từ 90 CV trở lên đủ điều kiện khai thác xa bờ.
Trước khó khăn do giá nhiên liệu tăng cao, ngư trường hạn hẹp, giá bán sản phẩm tăng không đáng kể, Tập đoàn Nam Triệu đã tổ chức lại sản xuất cho phù hợp. Tập đoàn hướng dẫn các thành viên tổ chức liên kết vươn khơi, vừa giảm chi phí, vừa có nhiều thời gian bám ngư trường. Ban quản lý Tập đoàn đặc biệt quan tâm nắm tình hình khai thác từng nghề, từng vùng, từng thời kỳ để có căn cứ vận động các thành viên tập trung khai thác các loại hải sản có giá trị kinh tế cao, tư vấn cho từng thành viên chọn nghề thích hợp và hỗ trợ vốn cho các gia đình mua sắm phương tiện. Tập đoàn hỗ trợ 40kg dầu/tàu/lần để các tàu đi thăm dò, tìm kiếm ngư trường. Tàu nào không tìm được ngư trường mới, không khai thác được sản phẩm không phải trả tiền dầu. Nếu tìm được ngư trường có sản lượng cao thì phải báo cho tàu trong diện được HTX bao tiêu sản phẩm đến cùng khai thác.
Ngư dân xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy; phường Ngọc Hải, quận Đồ Sơn trước đây thường từng tàu ra khơi riêng rẽ. Nay, ngư dân liên kết nhau lại thành tổ, đội ra khơi thành từng cụm gồm năm, ba tàu để hỗ trợ nhau trên biển. Khi các tàu, thuyền đã đánh bắt được nhiều tôm, cá thì tập trung sản phẩm lại cho một hai phương tiện vận chuyển vào bờ nơi gần nhất để tiêu thụ và chở nguyên liệu, lương thực, nước ngọt quay trở lại ngư trường. Bằng cách này, vừa giảm được chi phí nhiên liệu, vật tư, có nhiều thời gian bám biển, vừa có điều kiện ứng cứu, hỗ trợ nhau khi xảy ra sự cố. Các Tập đoàn, các đội tàu thuyền cử một số tàu đi thăm dò trên các ngư trường, khi phát hiện ra luồng cá, bãi cá có thể đánh bắt được mới báo cho các tàu khác ra khơi cùng khai thác. Đó là cách làm đạt hiệu quả cao. Vụ cá Bắc 2010-2011, hơn 100 tàu của ngư dân Ngọc Hải, quận Đồ Sơn đã đánh bắt hơn 2.800 tấn hải sản, đạt doanh thu hơn 61 tỷ đồng, tăng 10% so với vụ Bắc năm trước. Nhờ tổ chức thành các tổ, đội tàu khai thác tại cùng ngư trường, một số tàu gặp sự cố, gặp nạn trên biển đã được các tàu bạn hỗ trợ, giúp đỡ kéo về bến an toàn.
Khai thác thủy sản xa bờ là thế mạnh của ngư dân Hải Phòng Ảnh: Việt Anh
Hỗ trợ bám biển
Qua tìm hiểu, được biết: từ khi giá xăng dầu, giá vật tư ngư lưới cụ tăng cao, chi phí mỗi chuyến vươn khơi cho một tàu 90 CV phải hết gần 100 triệu đồng, trong đó tiền dầu khoảng 60 triệu đồng, tiền mua đá lạnh bảo quản sản phẩm hơn 10 triệu đồng, còn lại tiền công và ăn uống… Nếu mỗi chuyến biển chỉ đạt dưới 100 triệu đồng thì coi như thất thu. Nếu tính cả khấu hao tàu, ngư lưới cụ thì bị lỗ.
Giá cả tăng cao đã làm tăng thêm vất vả, khó khăn cho ngư dân, nhiều chuyến biển bị lỗ vốn. Có những lúc, nhiều tổ, đội ngư dân phải để tàu thuyền nằm bờ do số thu mỗi chuyến đi biển không đủ chi phí… Tuy nhiên, ngay sau đó, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ ngư dân ổn định phát triển sản xuất. Từ năm 2008, ngư dân ở Hải Phòng được Nhà nước hỗ trợ một phần tiền đóng mới, mua sắm tàu. Để đảm bảo thông tin liên lạc trên biển, đến nay ngư dân Hải Phòng đã được Nhà nước hỗ trợ nhiều máy thông tin liên lạc tầm xa (ICOM) cho các tổ, đội tàu, hàng trăm máy trực canh giúp ngư dân nắm bắt thông tin thời tiết trên ngư trường và 30% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên.
Bằng cách liên kết, hợp tác hỗ trợ lẫn nhau, hàng vạn ngư dân Hải Phòng vẫn kiên trì bám biển, vừa khai thác hải sản vừa tham gia giữ gìn bảo vệ vùng biển của Tổ quốc. Mong muốn của ngư dân là Nhà nước cần có những giải pháp hỗ trợ cụ thể, nhất là việc trợ giá dầu giúp ngư dân bám biển duy trì sản xuất lâu dài, cần tiếp tục đầu tư có chọn lọc giúp ngư dân phát triển tàu thuyền vươn khơi xa hơn.
>> Chi phí tăng cao, ngư dân làm nghề đánh bắt ven bờ cũng chủ động tìm hướng đi, cách khai thác thích hợp. Các tổ, đội ngư dân đánh cá không hiệu quả thì nhanh chóng chuyển sang khai thác, chế biến sứa cũng mang lại khoản lợi nhuận đáng kể.
Vĩnh Liên