T2, 06/07/2020 11:01

Ngư dân khai thác thuỷ sản: Mong manh nơi đầu sóng

Chưa có đánh giá về bài viết

Vùng biển tỉnh Cà Mau rộng khoảng gần 80.000 km2, có trên 80 cửa sông, cửa lạch thông ra biển và rất nhiều phương tiện loại nhỏ của ngư dân hoạt động theo mùa vụ gần bờ. Đa số họ tự sắm phương tiện làm các nghề như: câu kiều, đánh lưới cá lẹp, lưới tôm, te ruốc và một số nghề khai thác mang tính thủ công khác.

Tại các xã Khánh Hội (huyện U Minh), Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc (huyện Trần Văn Thời) và Ðất Mũi (huyện Ngọc Hiển) hiện có trên 200 phương tiện có công suất dưới 12 CV, nhưng người dân vẫn ra biển làm nghề lưới tôm, ghẹ, cá lẹp… Các loại nghề này không gây ảnh hưởng đến môi trường biển, nhưng độ an toàn cho người và phương tiện không có, vì tất cả phương tiện hoạt động nghề này chỉ có tải trọng từ 1,5-3 tấn, trong khi tầm hoạt động phải xa bờ từ 4 – 8 hải lý hoặc ở độ nước sâu từ 8 – 10 sải tay nước (khoảng 10 – 15 m nước).

Trên mỗi phương tiện thường có từ 2 – 4 lao động. Qua khảo sát thực tế, đa số họ không có trang thiết bị an toàn cho người, phương tiện và không có máy thông tin liên lạc. Ngoài ra, vẫn có một số phương tiện loại lớn hoạt động tuyến lộng, tuyến khơi dài ngày vẫn xem nhẹ trang thiết bị an toàn cho người và phương tiện.

 

Sử dụng xuồng nhỏ ra biển đánh cá rất nguy hiểm trong mùa mưa bão.

Khi ra biển hoạt động, trời nắng họ phải phơi nắng chung với nước mặn, trời mưa thì dầm mình dưới mưa. Là người có thâm niên đi biển ở vùng biển Ðất Mũi, anh Võ Văn Thanh than phiền: “Vì cuộc sống còn nghèo khổ, vốn đóng tàu lớn không có nên đành liều mà đi, biết là nguy hiểm nhưng quen rồi, không còn sợ nữa. Ra biển phải chịu mưa nắng vất vả lắm, vậy mà chưa đủ ăn. Hôm nào biển êm làm kiếm tiền lay lắt qua ngày, biển động là đói”.

Trong chuyến tuần tra trên biển vừa qua, chúng tôi phát hiện có rất nhiều phương tiện loại nhỏ hoạt động cách bờ từ 3 – 5 hải lý nhưng không có trang thiết bị an toàn, không máy thông tin liên lạc. Nhiều phương tiện còn mang theo trẻ em để phụ người lớn mắc mồi câu, gỡ lưới. Số này tập trung nhiều ở khu vực từ cửa Sông Ðốc về gần cửa Cái Ðôi Vàm. Cơn dông kèm theo lốc xoáy xảy ra ngày 12/6 vừa qua đã nhấn chìm 2 phương tiện và 8 người bị trôi dạt trên biển. Ngày 22/6, khu vực cửa biển Ðá Bạc có 5 phương tiện bị nhấn chìm và 12 người trôi dạt trên biển. Cũng thời gian này, tại cửa biển vàm Lung Ranh (huyện U Minh) sóng nhấn chìm 5 xuồng lưới, 1 người chết.

Ông Từ Văn Hiền, Chủ tịch UBND thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Sông Ðốc là cửa biển lớn, số lượng phương tiện hoạt động nghề khai thác đánh bắt thủy sản gần 1.000 tàu. Vì vậy, địa phương thường xuyên chủ động phối hợp với Ðồn Biên phòng Sông Ðốc và Hải đội Biên phòng 2 tuyên truyền cho Nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng chống, giảm nhẹ thiên tai. Ðịa phương cũng xây dựng và thường xuyên củng cố, huấn luyện cho các trung đội dân quân tự vệ biển. Tuy nhiên, để đối phó với cơ quan chức năng, vẫn còn một số chủ tàu khi làm thủ tục ra biển thì đầy đủ các loại trang thiết bị an toàn, nhưng ra tới cửa biển lại cho người chở phao về nhà cất. Khi xảy ra tai nạn trên biển thì không có áo phao, không có phao cứu sinh. Chúng tôi sẽ kiến nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm các trường hợp này khi phát hiện”.

Tháp tùng cùng tàu tuần tra trên biển của lực lượng Hải đội Biên phòng 2 kiểm tra thực tế trên biển, chúng tôi thấy gần như 100% người lao động trên biển không mặc áo phao trong khi lao động. Tất cả chủ tàu đều thừa nhận, trên tàu có đầy đủ các loại áo phao và phao cứu sinh (phao bè, phao tròn) nhưng ít sử dụng, vì mặc áo phao sẽ hạn chế năng suất lao động.

Từ đầu năm 2014 đến nay trên vùng biển Cà Mau đã xảy ra 45 vụ tai nạn, chết 14 người, mất tích 3 người, chìm và hư hỏng 14 phương tiện. Ða số lao động bị chết và mất tích do hậu quả của việc chủ quan không mặc áo phao, số khác bị tai nạn trong lao động.

Anh Ðặng Văn Bắc, ngụ ấp 3, xã Khánh Hội và anh Lê Văn Hạnh, ngụ Kiên Lương, Kiên Giang là 2 trong 4 người thoát chết vào ngày 12/6 vừa qua, kể lại: Trên phương tiện có 4 người, đang hoạt động nghề ốc mực, cách cửa biển Khánh Hội khoảng 10 hải lý thì sóng lớn nhấn chìm trong đêm tối. “Chúng tôi lênh đênh trên biển gần 12 giờ đồng hồ. Sóng lớn, gió mạnh giữa biển trời chúng tôi đã nghĩ đến cái chết, nhưng may mắn đã được cứu sống. May mắn thoát chết nhưng nỗi sợ hãi cứ ám ảnh chúng tôi mãi”, các anh cho biết.

Thiếu tá Phan Xuân Huyền, Ðồn trưởng Ðồn Biên phòng Khánh Hội, cho biết: “Do cuộc sống của ngư dân ven biển còn nghèo khó, vốn không có nên muốn chuyển nghề cũng không thể. Chúng tôi đã đến tận từng gia đình và mời tập trung về Ðồn để tuyên truyền, giải thích về hậu quả của thiên tai gây ra, kêu gọi ngư dân nâng cao ý thức cảnh giác và chấp hành nghiêm quy định của Nhà nước về an toàn cho người và phương tiện. Nhiều người cam kết nhưng họ vẫn lén lút trốn ra biển từ nhiều kinh, rạch khác nhau để hoạt động. Khi xảy ra sự cố, công việc tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ sẽ gặp khó. Ðã đến lúc mỗi người dân lao động trên biển tự bảo vệ tính mạng chính mình và nhận thức đầy đủ hơn về hậu quả do thiên tai gây ra để có ý thức phòng tránh”.

Bài, ảnh: Anh Vy

Báo Cà Mau

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!