Ngư dân Khánh Hòa đột phá nuôi tu hài

Chưa có đánh giá về bài viết

(Tạp chí Thủy sản VN) – Thời gian qua nhiều ngư dân ở xã Vạn Hưng, (Vạn Ninh Khánh Hòa) đã thí điểm thành công mô hình nuôi tu hài. Đây là mô hình hợp tác giữa Sở NN&PTNT Khánh Hòa và Trung tâm Bảo tôn sinh vật biển (MCD) Hà Lan.

Tu hài 8 tháng tuổi

 

Trao đổi với chúng tôi ông Nguyễn Văn Hạnh ở thôn Xuân Tự 2, xã Vạn Hưng cho biết: Hiện nay, tổ nuôi của ông có khoảng 300 rổ tu hài chuẩn bị cho thu hoạch. Mỗi rổ có khoảng 30 con. Trọng lượng khoảng từ 12 đến 15 con/kg.

 

Nuôi tu hài có thể coi là hướng đi mới, đột phá của ngư dân Khánh Hòa nói riêng và ngư dân miền Trung nói chung vì những ưu điểm của tu hài mang lại. Thứ nhất, đây là loài nhuyễn thể hai mảnh rất thân thiện với môi trường. Cụ thể, tu hài chủ yếu ăn và sống bằng những chất thải cặn bã của môi trường xung quanh. Vì vậy, ngoài việc nuôi tu hài kinh doanh, nhiều hộ ngư dân còn kết hợp nuôi tu hài cùng với tôm hùm để chúng làm sạch môi trường nước biển xung quanh. Mặt khác, giá của tu hài có thể nói là rất cao. Hiện nay, trung bình vào khoảng 220 ngàn/kg tu hài thương phẩm. Theo tìm hiểu của chúng tôi thì thị trường tiêu thụ tu hài chủ yếu hiện nay là các nhà hang cao cấp và xuất khẩu sang Trung Quốc.

 

Sau khi có một số địa phương ở miền Bắc thư nghiệm thành công việc nuôi tu hài thì hiện nay nhiều ngư dân miền Trung cũng bắt đầu làm lồng nuôi loài vật được các nhà môi trường khuyến khích này.

 

Tính riêng ở địa bàn Khánh Hòa thì hiện nay cũng có hang trăm hộ nuôi trải đều ở các địa phương như Vạn Ninh, Cam Ranh, TP Nha Trang, Cam Lâm…

 

Và có thể nói nguồn giống của tu hài cũng không còn khó khăn như trước nên nhiều người dân đã bắt đầu quan tâm hơn đến loài vật nuôi có phần mới mẻ này.

 

Kỹ thuật nuôi tu hài đơn giản và không cần vốn nhiều. Ông Hạnh ở Vạn Hưng cho biết: Khi mua con giống về tu hài chỉ bé như đầu, cho vào những chiếc rổ thiết kế chuyên dụng bán kính khoảng 60 cm, rồi đặt những chiếc rổ tu hài này ở ven bờ biển khu vực nuôi, có thể làm chòi canh gác để đề phòng mất trộm. Khoảng hai tháng lại lặn xuống vớt những rổ tu hài này lên kiểm tra và san bớt chúng ra những rổ khác vì khi tu hài lớn sẽ cần trao đổi chất nhiều hơn. Môi trường trong rổ của tu hài chỉ là cát, có kèm theo những vụn sỏi hay san hô để thông thoáng cho chúng trao đổi với môi trường bên ngoài. Tu hài sống nhờ vào 2 cái vòi để ăn chất thải rong rêu môi trường. Hầu như không phải tốn tiền mua thức ăn cho chúng. Sau khoảng 10 tháng đến 1 năm là bắt đầu bán được.

 

Theo những nhà nghiên cứu môi trường người Hà Lan của trung tâm MCD thì tu hài được coi như một hệ thống lọc nước biển vô cùng hiệu quả. Điều đáng nói là toàn bộ chất thải của tu hài lại là chất sạch, thân thiện với môi trường.

 

Có thể nói, ngoài việc rất tích cực trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thì mỗi năm người nuôi tu hài cũng có thể lãi cả trăm triệu đồng từ tu hài thương phẩm vì giá trị của chúng là rất lớn. Vì vậy, tu hài có thể là hướng đi mới cho nhiều hộ ngư dân ở Khánh Hòa, và có thể là cả vùng biển miền Trung nếu có những biện pháp nhân rộng hiệu quả.

 

ĐẠI TRÍ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!