(Thủy sản Việt Nam) – Những ngày qua, hàng trăm ngư dân ở cảng cá Phước Tỉnh (Long Điền, Bà Rịa – Vũng Tàu) như ngồi trên đống lửa vì tàu cá của mình không thể ra khơi đánh bắt được. Nguyên nhân là khu vực Cửa Lấp, nơi dẫn tàu thuyền ra vào cảng, đã bị phù sa bồi đắp khiến mớn nước không đủ sâu để tàu qua được.
Trong khi ngư dân ở các địa phương khác nô nức ra khơi mở biển dịp năm mới thì ngư dân Nguyễn Văn Tân (xã Phước Tỉnh, Long Điền) than thở: “Chúng tôi đã chuẩn bị dầu, đá, lưới và nước ngọt cẩn thận để ra khơi ngày mùng 9 (tức 1/2/2012) nhưng đến nay vẫn bị “giam lỏng” ở đây, chưa ra khỏi cảng vì Cửa Lấp bị cạn quá mức. Hi vọng tuần sau, thủy triều dâng lên thì mấy anh em mới có thể điều tàu ra khơi được”.
Thực tế, khu Cửa Lấp đã có nguy cơ bồi lấp từ cách đây khá lâu và chính quyền địa phương cũng đã có kế hoạch khơi dòng, nạo vét để tàu cá ngư dân thuận tiện ra vào, nhưng do dự án này không khả thi nên đã bị dừng lại. Theo ông Nguyễn Văn Nhàn, Chi cục trưởng Chi cục quản lý tàu thuyền Bà Rịa – Vũng Tàu, cảng cá Phước Tỉnh là cảng lớn nhất trên địa bàn với số lượng tàu thuyền thường xuyên cập bến khoảng 1.500 chiếc trong tổng số gần 7.000 chiếc toàn tỉnh. Thêm nữa, do nơi đây có nhiều chủ vựa và thuận tiện trong việc mua bán hải sản, tiếp nguyên vật liệu nên nhiều tàu cá của các tỉnh lân cận như Bình Thuận, Tiền Giang, Long An… cũng thường xuyên cập cảng này. Do đó, việc tàu “vào dễ, ra khó” như hiện nay sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngư dân và sản lượng khai thác của tỉnh.
Ngư dân đang vô cùng lo lắng vì không ra khơi.
Hiện nay, theo quan sát của chúng tôi, ngoài một số tàu đã kịp “thoát thân” ra khơi dịp trước và trong tết Nguyên Đán, còn lại khoảng 1.000 tàu vẫn kẹt ở đây. Dẫn tôi ra chỗ có 4 chiếc tàu năm kẹt trên doi cát, đã bị nghiêng mà chưa có phương thức hữu hiệu để giải quyết, ông Bùi Văn Hữu than thở: “Tàu tôi đậu ở đây từ trước tết, dự định ăn tết xong sẽ ra khơi luôn. Ai ngờ chưa đầy nửa tháng mà tàu cứ dần dần trôi ngược lên bờ cát. Hiện nay, chi phí cho công tác cứu nạn chắc chắn sẽ tốn khoảng 40-50 triệu đồng. Nếu không, cứ để tàu nằm bờ mưa nắng như thế thì hư hỏng sẽ còn tăng hơn nữa. Ngoài việc tàu bị mắc cạn không còn khả năng ra khơi, nhiều tàu vào cập cảng và bị giam lỏng ở khúc sông này luôn”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Tỉnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Tỉnh cho biết: “Cảng Phước Tỉnh là cảng lớn của địa phương, có hàng ngàn tàu ra vào và thường xuyên có khoảng 500 tàu cập lại bán cá, tiếp nhiên liệu. Hiện, do biến đổi của địa chất, nhiều tàu tạm thời bị mắc kẹt tại đây một thời gian. Có 2 cách để ngư dân giải quyết. Một là, đợi cuối tháng khi thủy triều lên, mớn nước sẽ đủ cho các tàu ra, vào. Hai là nếu muốn ra khơi ngay thì ngư dân sẽ điều tàu ngược sông Cửa Lấp, tiến sâu vào đất liền rồi men theo một nhánh khác của sông Cửa Lấp là sông Rạng để ra biển ở địa bàn thành phố Vũng Tàu tại khu vực Bến Đá. Hành trình này không xa lắm, chỉ khoảng 15 hải lý (gần 30 cây số)”.
Tuy nhiên, xét về giải pháp đi đường vòng như vậy, nhiều ngư dân cũng cảm thấy rất khó khăn vì tàu chạy ngược sông rất vất vả, chi phí xăng dầu, cả đi và về (khoảng 30 hải lý) như thế sẽ tốn thêm cả triệu đồng tiền dầu nữa. Đấy là chưa kể các khoản chi phí phát sinh như tiền nguyên vật liệu, tiền xăng dầu và cả việc tìm bạn hàng khác do tàu chạy trên sông phải chạy không tải (nếu chạy có tải sẽ không đủ mớn nước do sông cạn). Đây cũng chính là nguyên nhân mà mặc dù mùa cá khai thác chính nhưng hơn một ngàn tàu cá vẫn nằm bờ trong nỗi lo lắng về thiệt hại của ngư dân.
Ngoài cảng cá Phước Tỉnh này, theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều ngư dân ở địa bàn cảng cá Lộc An (huyện Đất Đỏ, Bà Rịa – Vũng Tàu) cũng chịu chung số phận, không ra khơi mùa khai thác như trên.
Đoàn Xá