Mưu sinh bám biển luôn vô vàn nhọc nhằn, trải qua những mùa biển “mặn” khiến miếng cơm manh áo của ngư dân càng thêm xót xa. Nhưng hàng trăm ngư dân vẫn quyết tâm bám biển, trong đó, những người dù bị khiếm khuyết một phần cơ thể kiên cường trở thành “ngư phủ” giữa biển.
Trên đất liền có hai mùa mưa nắng thì biển khơi cũng có hai mùa dữ dội và bình yên. Những ngày sóng yên biển lặng, thuyền đầy ắp cá, ngày biển động, cả làng chài vắng lặng tiếng thuyền ghe. Ngư dân Trần Lân, 62 tuổi, sinh ra ở vùng xã đảo Tam Hải (huyện Núi Thành, Quảng Nam), nơi có hơn 90% ngư dân làm nghề khai thác thủy sản trên biển, quanh năm ở vùng biển này ngư dân hết đi khơi xa lại lặn bắt ốc… Ông Lân mất một bên tay phải khi cố tình phá hủy đôi tay của mình để tránh bị bắt đi lính cho Mỹ – Ngụy trong thời gian chiến tranh. Học đến năm lớp 7, ông Lân nghỉ học đi biển phụ giúp kinh tế gia đình, vì chỉ có một tay nên ông chọn nghề lặn biển. Ông nói: “Lặn biển không như bơi lội, cho nên đôi chân quan trọng hơn để lái hướng lặn”. Ban đầu ngụp lặn khoảng 1 mét nước, rồi 2 mét, đến khi nghe nhức tai ông ngưng lặn. Như thế qua thời gian, ngư dân Lân đã lặn được ở độ sâu 15 mét.
Ông Nguyễn Phước Đấu, xã Bình Minh, cụt 2 tay vẫn chèo thúng kéo lưới
Rồi ông theo các bạn thuyền đi biển gần bờ, vào những ngày bắt ốc, lặn tôm cá, ông tranh thủ lặn cả ngày lẫn đêm, với ông, người ta chỉ cần lặn nửa ngày là lên ghe, ông đã có tuổi, mắt kém hơn nên phải kiên trì ở biển kiếm bữa cơm. Gần 10 năm nay ông Lân tách ra sắm ghe riêng để hành nghề. Một chiếc ghe đầu tư khoảng 25 triệu đồng, ông cùng vợ kéo lưới trên biển. Ông lặn cá, bà vớt lên rồi đi bán kiếm cơm, nuôi con cái lớn. Không chỉ đem nghề lặn mưu sinh, ông còn dạy lặn cho những ngư dân trai làng chập chững nghề biển. Mỗi ngư dân khi lặn đều tự trang bị ống dẫn khí, gương lặn. Ngư dân sợ nhất gặp luồng nước độc, vỡ dây dẫn khí, cho nên ông dặn cẩn thận các “học trò” mỗi lần lặn biển đến khi nghe nhức tai phải lập tức ngưng lặn.
Đó cũng là câu chuyện của ngư dân Nguyễn Phước Đấu, 59 tuổi, xã Bình Minh, huyện Thanh Bình bị cụt 2 tay vẫn chèo thúng kéo cá giữa biển khơi. Ông kể, năm 1981, trong một lần ông cùng các bộ đội đi làm nhiệm vụ tuyến đường Hồ Chí Minh nằm trên Kon Tum vào năm 1981 thì gặp mìn phát nổ, tay trái, tay phải ông đều mất đi, cả gánh nặng đè lên đôi vai ông khi mới 25 tuổi.
Với ý chí “Sống ở biển, bám biển mà sống”, ông Đấu quyết định kéo cá ven bờ kiếm cơm nuôi gia đình. May mắn khi ông có một người vợ lo chu toàn, ông và 2 người con trai đều vào Nam lập nghiệp. Với ông, nghề biển khó khăn nên không muốn con cái theo cha. Ông Đấu chỉ đi ven bờ khoảng 4 – 5 km, chẳng ai dám cho ông theo thuyền, nên ông tự mua chiếc thúng khoảng 3 triệu rồi sắm lưới cụ tự đi biển. Cả 2 đôi tay đều khuyết, nhưng ông vẫn đẩy thúng ra khơi kéo lưới. Nương gió trời, ông tự thả lưới, dùng sức yếu của cánh tay phải đã mất đi những ngón tay vớ lấy tấm lưới rồi kéo dần về phía mình, rồi dùng cánh tay trái đã cụt giữ lấy tấm lưới ghì chặt vào thân. Đến khi gió nổi mạnh cũng là lúc ông bất lực thả lưới trôi, chỉ cố gắng bám lấy thúng để không bị sóng đập. Ông kể, từ đầu năm đến nay, ông đã 2 lần bị trôi thúng về tận xã bạn. “Gió mạnh quá, phải thả lưới còn tôi lắc lư theo thúng trôi về tận xã Bình Hải, huyện Thăng Bình. Người dân địa phương thấy có thúng trôi lập tức cứu vớt rồi báo chính quyền, lần nào xã Bình Minh cũng cử người lên đưa tôi về”, ông Đấu tâm sự. Hết gió bão, lại đẩy thuyền ra khơi, có lúc đi cả buổi chỉ được vài con cá, nhưng đối với ông đó là niềm vui gắn bó với biển.