Sau khi bão số 14 (Haiyan) vừa đi qua, ngư dân Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung lại chuẩn bị ngư cụ, hối hả vươn khơi đánh bắt, với hy vọng bù lại thiệt hại của những chuyến biển dở dang vì bão.
Tấp nập trên bến, dưới thuyền
Hàng ngàn tàu cá của ngư dân Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung sau khi nhận được tin bão số 14 đã phải bỏ dở chuyến đánh bắt ngoài khơi để chạy vào bờ trú tránh. May mắn là, cơn bão “hủy diệt” Haiyan đã không vào bờ nên ngư dân lại chuẩn bị ngư cụ, thực phẩm thiết yếu để sẵn sàng vươn khơi trở lại.
Ghi nhận tại Âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng) vào chiều 11 và sáng 12/11, hàng ngàn tàu cá đang neo đậu trú tránh cơn bão số 14 tại đây vẫn đang được sắp xếp gọn gàng. Song có một điều là cả khu vực âu thuyền, đâu đâu cũng là một không khí tất bật, nhộn nhịp.
Ngư dân chuẩn bị thực phẩm thiết yếu để sẵn sàng vươn khơi
Trên bờ, ai nấy đều hối hả, khẩn trương chuẩn bị những vật dụng cần thiết để sẵn sàng cho chuyến vươn khơi vào ngày hôm sau. Từng xe máy chở theo hàng trăm thùng mì tôm, thực phẩm, gạo, bình gas… cứ xình xịch liên hồi và lần lượt nối đuôi nhau đưa hàng vào cầu cảng.
Dưới tàu, thuyền viên mỗi người mỗi việc: người lo sửa lại tấm lưới, người vận chuyển những bao gạo, mì tôm, nước ngọt… lên tàu. “Mừng quá đi. Bão mà vô lần nữa chắc chuyến này lỗ nặng. May vẫn được trời thương”, ông Lê Văn Kỳ – chủ tàu Quảng Ngãi mang ký hiệu QNg 92479TS phấn khởi cho biết. Cũng theo ông Kỳ, trước đó, tàu cá của ông cùng 15 thuyền viên quê Quảng Ngãi đang trong chuyến đánh bắt ngoài khơi thì nhận được tin bão nên ông đã yêu cầu thuyền trưởng cho tàu chạy thật nhanh vào bờ để trú ẩn.
Vào đến bờ, ông cũng cho các thuyền viên về quê để phụ giúp gia đình chống bão. “Bây chừ bão tan, tôi lại phải gọi điện cho từng người để nói họ ra Đà Nẵng chuẩn bị tiếp tục ra khơi. Mỗi đợt ra khơi, tàu tốn khoảng 250-280 triệu đồng tiền dầu. Nếu chuyến nào trúng thì lãi được khoảng 100 triệu đồng, còn chuyến vừa rồi bị lỗ nặng vì mới ra khỏi biển đã nhận được thông tin bão đổ bộ nên phải vào bờ gấp”, ông Kỳ cho hay.
Mong sao chuyến này trúng đậm cá
Âu thuyền Thọ Quang là nơi hàng ngàn tàu cá của ngư dân Đà Nẵng và các tỉnh, thành khác tới tránh trú khi có bão. Vì vậy, sau khi lệnh cấm biển được dỡ bỏ, các ngư dân khẩn trương sửa chữa ngư cụ, chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nước đá tiếp tục ra khơi, bám biển. Theo kinh nghiệm của những người đi biển, thường sau bão, việc đánh bắt sẽ trở nên thuận lợi hơn nên bão vừa đi qua, ngư dân đã tranh thủ ra khơi với mong muốn chuyến biển này sẽ trúng đậm cá, tôm…
Nhiều chủ tàu hy vọng, chuyến ra khơi lần này sẽ trúng đậm cá, tôm…
Thành Danh – chủ tàu QNg 92643 và 92644 cho biết: Bão vừa đi qua, chúng tôi đã gấp rút chuẩn bị đá, thực phẩm cho chuyến ra khơi. Thông thường khi bão tan, cá tôm sẽ nhiều nên hy vọng thắng lớn. Tận dụng thời tiết hửng nắng sau bão, chúng tôi ra khơi để kiếm ít “lộc biển”.
Cùng chung suy nghĩ, bà Loan (thuộc đội tàu của Đà Nẵng) cho hay, trong cơn bão số 11 hồi tháng 10, đội tàu của bà bị thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Đến cơn bão số 14 vừa qua, đội tàu cũng đã chuẩn bị gần 100 triệu đồng tiền dầu và nhu yếu phẩm nhưng khi ra khơi đến nửa đường thì gặp bão phải quay lại đất liền. Do đó, tranh thủ thời tiết đẹp, đội tàu của bà Loan nhanh chóng chuẩn bị ra khơi nhằm gỡ lại những thiệt hại trước đó. Bằng kinh nghiệm của mình, cả ông Danh và bà Loan đều dự đoán: Nếu không có gì bất trắc thì chuyến đi biển sau bão này sẽ kiếm được bạc triệu.
Theo Ban quản lý cảng cá Âu thuyền Thọ Quang, trong cơn bão số 14 vừa qua, có 1.838 tàu thuyền của ngư dân Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung về đây neo đậu tránh bão. Trong mấy ngày vừa rồi, khi bão đi qua, đã có hàng trăm tàu, thuyền nổ máy rẽ sóng ra khơi. Dự kiến, trong những ngày tiếp theo, tàu, thuyền còn lại cũng lần lượt xuất bến.
Mặc dù vậy, Thiếu tá Ngô Bá Vương – Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Sơn Trà khuyến cáo ngư dân: Hiện trên biển đang xuất hiện một vùng áp thấp, ngư dân nên đánh bắt ở các ngư trường gần bờ, không đi quá xa. Hiện tại, ngư dân được phép ra khơi trở lại nhưng lực lượng chức năng sẽ giám sát chặt chẽ hoạt động của ngư dân; đồng thời yêu cầu các tàu, thuyền chỉ được hoạt động ven bờ hoặc đi về trong ngày để đề phòng ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới đang tiến vào Biển Đông.