Lẽ thường thì ruốc (tép biển) chỉ xuất hiện dọc bờ biển và ven gành đá từ sau Tết Nguyên đán. Nhưng những ngày cận Tết năm nay, biển miền Trung ập đầy ruốc và cả những loài thủy hải sản có giá trị khác. Tàu thuyền của ngư dân các làng chài đang nhộn nhịp đánh bắt giữa biển khơi và khi về mang theo những khoang thuyền đầy ắp tôm cá mà mẹ biển “lì xì” để ăn Tết Nguyên đán.
Ngư dân Quảng Nam phấn khởi vì ruốc được mùa, giá cao. Ảnh: Bùi Oanh |
Mẹ biển cho Tết no đủ
Tại các vị trí neo đậu tàu thuyền ven biển miền Trung những ngày cận Tết Nguyên đán Quý Tỵ xuất hiện những khuôn mặt ngư dân đen sạm vì cháy nắng rạng rỡ khi đánh bắt được nhiều hải sản. Trên bờ, hàng trăm “đầu nậu” mua bán thuỷ hải sản nhộn nhịp. Xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định có năm thôn, nhưng nghề đánh bắt ruốc tập trung ở ba thôn: Lý Minh, Lý Chánh và Lý Hòa. Người dân thôn Lý Minh và Lý Chánh đánh bắt ruốc ven mé gành, cả ban đêm và ban ngày, chủ yếu ở Hang Dài và Bầu Đựng. Còn ở thôn Lý Hòa chuyên đánh ruốc ban ngày, dọc các bãi ngang từ xã Nhơn Lý đến xã Cát Tiến, Cát Hải và cửa Đề Gi (huyện Phù Cát) bằng tàu thuyền công suất lớn.
Ông Trình Văn Hảo cho biết, trong các loại nghề ở xã Nhơn Lý thì nghề đánh bắt ruốc là khó nhất. Con ruốc nằm ở độ sâu 5-7m so với mặt nước biển rất khó phát hiện. Nhiều chủ phương tiện mời những người cao niên có kinh nghiệm nhìn “màu ruốc” cùng đi biển, giúp họ đánh bắt. Hiện giá ruốc cao từ 20.000-30.000 đồng/kg nên trừ hết chi phí ngư dân có thu nhập từ 500.000-700.000 đồng/người/ngày đêm. Cá biệt một số ngư dân có thu nhập từ 1-2 triệu đồng/ngày đêm.
Ngư dân Bình Định vươn khơi xa đánh bắt được nhiều loại thủy sản có giá trị. Ảnh: Bùi Oanh |
Ruốc theo đàn đầy mặt biển, không chỉ ngư dân ở Nhơn Lý mà ở các làng chài nghèo miền Trung ai cũng tất bật công việc, thôn xóm tràn đầy niềm vui với cuộc sống bám biển. Đặc biệt, thời tiết đang thuận lợi, giá hải sản tăng tạo thêm khí thế cho mùa đánh bắt mới ở miền Trung. Cùng với các loại cá thu, chim, ngừ… lộc biển những ngày cuối năm xuất hiện dày đặc cá cơm Hoa Lái. Đây là loại cá cơm dùng chế biến xuất khẩu và muối để chế biến nước mắm. Theo Chi cục Thủy sản các tỉnh miền Trung từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi, bình quân mỗi thuyền có công suất dưới 90 mã lực, tối ra khơi, sáng vào bờ đánh được từ 2-3 tấn cá cơm. Tàu thuyền cập bến đã có hàng ngàn “đầu nậu” mua bán nhộn nhịp thu mua với giá trung bình 10.000 đồng/kg cá cơm thì sau 1 chuyến ra khơi mỗi tàu thu về từ 30-50 triệu đồng, có tàu thu cả trăm triệu đồng/chuyến/ngày và mỗi ngư dân kiếm được ít nhất từ 1-1,5 triệu đồng.
Tiếp sức ngư dân bám biển
Thời gian qua, do tác động xăng dầu tăng giá cũng như những bất lợi từ việc tranh chấp ngư trường biển nhiều ngư dân miền Trung, nhất là ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên có ý định chuyển nghề. Lộc biển những ngày qua với thu nhập lớn và chính sách khuyến khích ngư dân đóng tàu có công suất lớn hơn và trang thiết bị hiện đại cứu nạn cứu hộ, thông tin ngư trường đánh bắt… Như là động lực giúp ngư dân miền Trung vượt qua khó khăn tiếp tục bám biển.
Tại xưởng đóng tàu cá xã Tịnh Kỳ (Sơn Tịnh-Quảng Ngãi) những người thợ mình trần, tay chân lấm lem sơn, dầu mỡ đang cúi gập, hì hục quét, đẽo, sơn, sửa hầm đá trên tàu. Tiếng máy quay búa, đóng gõ ở triền đà vang lên đều đặn khiến cả làng chài nhộn nhịp. Ông Mai Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, năm 2012 ngư dân trong xã khai thác được trên 16.000 tấn hải sản các loại, nhiều hơn mọi năm. Toàn xã có trên 100 phương tiện tàu cá, trong đó có trên 50 tàu cá công suất lớn đang tham gia khai thác tại ngư trường xa bờ. Năm hết tết đến, họ tất bật sửa chữa tàu thuyền chuẩn bị cho mùa biển mới. Ai cũng háo hức vì năm vừa rồi đánh bắt hiệu quả. Hy vọng một năm mới trời yên biển lặng để ngư dân hăng hái vươn khơi đánh bắt hải sản, bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Gia Lai điện tử, trước tình hình ngư dân thường xuyên bị tàu Trung Quốc gây hấn, các tỉnh miền Trung đã đưa ra nhiều giải pháp tiếp sức cho ngư dân bám biển làm ăn và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Tại Thừa Thiên-Huế cùng với những chính sách hỗ trợ từ Trung ương, ngành thủy sản đang khuyến khích ngư dân vươn khơi, chuyển đổi ngư trường khai thác để bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ, nâng cao hiệu quả kinh tế. Hiện đội tàu đánh bắt xa bờ công suất trên 90CV được trang bị máy bộ đàm tầm xa, máy siêu âm dò cá, máy định vị vệ tinh… tăng từ 100 chiếc năm 2005 lên 250 chiếc năm 2012. Ông Hoàng Ngọc Việt, Phó Giám đốc Sở NN&PNT Thừa Thiên-Huế, cho biết, với việc thu hút thêm 30.000 người lao động, trong đó, khai thác thủy sản 7.000 người, nuôi trồng thủy sản 18.000 người, chế biến thủy sản 4.000 người, dịch vụ và cơ khí tàu thuyền 300 người… Từ nay đến năm 2015, ngành thủy sản địa phương tiếp tục triển khai thực hiện 15 dự án với tổng đầu tư trên 167 tỷ đồng.
Đội tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Khánh Hòa được trang bị nhiều thiết bị hiện đại để vươn khơi đánh bắt, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Ảnh: Bùi Oanh |
Ngoài ra, địa phương đưa ra nhiều giải pháp tiếp sức cho ngư dân bám biển làm ăn và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương khuyến khích, vận động tàu thuyền liên kết thành lập 14 đội với 40 tổ khai thác và làm dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển để ngư dân đánh bắt xa bờ bám biển dài ngày, tiết kiệm nhiên liệu, chi phí… Đồng thời, hình thành các tổ, đội tàu lắp đặt hệ thống thông tin liên lạc tầm xa tạo thuận lợi trong việc thông tin liên lạc, thông báo cho nhau về luồng cá; đề xuất ngành chức năng có cơ chế đóng và mở cửa biển đối với từng loại tàu. Trong đó, cho phép các tàu có công suất trên 90CV ra biển sớm, bởi các loại tàu này trang thiết bị hiện đại, tốc độ lớn và độ an toàn cao. Tiếp tục hỗ trợ kinh phí nhiên liệu và 100% kinh phí mua bảo hiểm hàng năm cho thuyền viên là ngư dân đi biển và 30% kinh phí bảo hiểm tàu cá…
Ông Nguyễn Đức Cường-Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị vừa có văn bản về việc phân bổ khẩn cấp hơn 585 triệu đồng hỗ trợ ngư dân trên địa bàn. Theo đó, số tiền này hỗ trợ ngư dân mua mới, đóng mới hoặc thay máy tàu đánh bắt, cung ứng dịch vụ khai thác hải sản thủy hải sản ít tiêu hao nhiên liệu. Kinh phí bảo hiểm thân tàu có công suất 40CV trở lên và bảo hiểm cho các thuyền viên cũng được hỗ trợ. Ngoài ra, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Quảng Trị đã tổ chức được 12 lớp tập huấn kiến thức về ATVSTP trên tàu cá tại các xã ven biển như Triệu An, Triệu Vân (Triệu Phong), Hải An, Hải Khê (Hải Lăng), Trung Giang, Gio Hải (Gio Linh), Vĩnh Thạch (Vĩnh Linh), với trên 600 ngư dân là các chủ tàu khai thác thủy sản tham gia. Qua đó, ngư dân được trang bị thêm kiến thức bảo quản thủy hải sản khai thác, nâng cao chất lượng giá bán sản phẩm sau mỗi chuyến ra khơi.