T2, 06/07/2020 09:47

Ngư dân ngất ngư nằm bờ

Chưa có đánh giá về bài viết

Đà Nẵng từng có một đội tàu hơn 2.000 chiếc hoạt động liên tục trên ngư trường, mang về cho thành phố gần 50.000 tấn hải sản/năm. Nhưng “bão giá” đang “thổi” các con tàu ra… khỏi biển, nhiều chủ tàu phải bán tháo phương tiện vì không chịu nổi chi phí ra khơi.

Những làng chài yên ắng

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP Đà Nẵng, năm 2009, toàn thành phố có 1.835 tàu cá, nhưng nay chỉ còn 1.763 chiếc, trong đó chỉ có hơn 160 chiếc tàu công suất từ 90 CV trở lên.

Ông Ngô Sỹ Kiến Trúc – Phó chủ tịch UBND P.An Hải Tây, Q.Sơn Trà phân tích, từ năm 2008 đến nay, đội tàu của phường đã giảm gần 60 chiếc, hiện chỉ còn 106 chiếc. Trong đó, tàu công suất trên 90CV có thể đánh bắt xa bờ chỉ còn 16 chiếc. Đó là số liệu, còn thực tế, suốt 3 tháng qua, đội tàu địa phương đã nằm xếp hàng dài theo bờ sông Hàn.

Anh Nguyễn Văn Sinh, ngư dân P.An Hải Bắc, Q.Sơn Trà cho biết: “Hồi đó mùa biển động tàu xếp hai lớp dọc bờ sông, nay chỉ còn một lớp, số còn lại đã bán tống bán tháo cho địa phương hoặc đã xả bản”.

Xả bản là điều tối kị của người theo nghề chài lưới. Số phận những tàu cá không thể ra khơi được nữa sẽ nằm trên các triền đà chịu “phanh thây”, các chủ đà thu hồi máy, gỗ xác tàu còn tốt để đắp, vá cho các con tàu khác.

Ngư dân Nguyễn Văn Nuôi, P.An Hải Bắc cho biết, năm 2009, để chuẩn bị cho tàu ra khơi, chủ tàu cần khoảng 40 triệu đồng để lo nhiên liệu, mua lương thực, thực phẩm, đá cây và tạm ứng cho các bạn chài. Nhưng nay mọi thứ đều leo thang chóng mặt, muốn ra khơi phải mất tiền “cứng” không dưới 60 triệu đồng.

 

Tàu cá ĐNa 40321 công suất 60 CV được rao bán với giá 180 triệu đồng nhưng vẫn nằm tại triền đà Công ty CP Kỹ thuật biển S.Tech suốt 3 tháng qua – Ảnh: Nguyễn Tú 

Chưa kể, bảy ngày lênh đênh trên biển nếu không đánh bắt được hơn 10 tấn hải sản thì coi như cầm chắc thua lỗ. Thấy nghề biển ngày càng rủi ro, các đầu nậu bắt đầu hạn chế ứng tiền trước cho chủ tàu vay mượn ra khơi. Điều đó kéo theo bạn chài không còn được chủ tàu đảm bảo thu nhập sau chuyến đi biển.

Theo anh Sinh, nay các bạn chài phải chịu ăn chia theo sản lượng đánh bắt được sau khi trừ vốn và phần của chủ tàu. Chính vì vậy hiện nay tìm bạn chài đi biển rất khó khăn. “Thiệt tình thì bạn chài cũng ăn không ngồi rồi ở nhà thôi, nhưng thà ở nhà đụng đâu làm đó, phụ thợ hồ cũng được 120.000 – 150.000 đồng/ngày, được bao ăn, đỡ phải xa nhà dài ngày và đối mặt nguy hiểm trên biển” – anh Nuôi giải thích

 

Vòng xoáy bán tàu

Tại P.Thanh Khê Tây, Q.Thanh Khê, sau khi bán đôi tàu ĐNa 90261 và ĐNa 9046 với giá rẻ mạt để trả nợ, ông Phạm Thuận tiếp tục bán nốt ngôi nhà rồi làm đơn xin địa phương cho mua nhà chung cư với giá ưu đãi. Hồi tháng 5.2006, đội tàu của ông Thuận đã lập nên kì tích cứu người giữa biển trong cơn bão Chanchu, tháng 9 cùng năm đó, tàu ĐNa 90261 được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Vậy mà giờ đây, giá cả leo thang, con tàu chiến tích ấy đã là hoài niệm.

Ngay cả những chiếc tàu rất “chiến” như ĐNa 60073 của ông Lương Văn Căn, nhiều năm đoạt danh hiệu sản xuất giỏi cũng không trụ nổi trước tình hình khó khăn hiện nay.

Ông Nguyễn Phước Thành – Chủ tịch Hội Nông dân P.Thanh Khê Tây cho biết nhiều tháng trước, chi phí đi biển tăng cao, đội tàu 59 chiếc hoạt động cầm cự, nay gặp mùa biển động, cả hai tháng nay các ngư dân vẫn chưa thể ra khơi.

“Cơn bão” giá vàng cũng khiến ngư dân điêu đứng khi các chủ tàu thường vay vàng để đóng tàu, nay chi phí ra khơi tăng cao, giá thu mua hải sản không còn cao như trước, các chủ tàu chỉ còn nước bán tàu trả nợ.

Vòng xoáy tăng giá, thiếu bạn chài, tàu nằm bờ, nợ nần, bán tàu cứ lần lượt cuốn hết đội tàu này đến đội tàu khác. Các triền đà nằm dọc âu thuyền Thọ Quang trở thành nơi chủ tàu ký gửi, nhờ bán tàu. Một chủ tàu cho biết, năm ngoái anh đã bán một tàu với giá 190 triệu đồng, còn con tàu ĐNa 40321 công suất 60CV của anh đã rao 3 tháng nay với giá 180 triệu nhưng vẫn chưa bán được, trong khi ngày trước con tàu này được đóng với giá hơn 40 cây vàng.

 

Lối thoát nào cho ngư dân?

Đã có nhiều cuộc họp bàn về hướng đi cho ngư nghiệp TP Đà Nẵng. UBND TP Đà Nẵng đã có chủ trương hỗ trợ đầu tư, đóng mới cho các tàu có công suất lớn trên 90 CV trở lên để có thể hành nghề lưới cản xa bờ, tiêu hao ít nhiêu liệu, hiệu quả hơn nghề giã cào đôi như trước nay.

Tuy nhiên, nghề biển ngày càng khó khăn, ngư dân đang thiếu vốn để cải tạo công suất tàu, đó là chưa kể nghề lưới cản phải đầu tư ngư cụ trên 1,5 tỉ đồng/chiếc. Còn chuyện đóng mới tàu có công suất trên 250 CV để tham gia ngư trường khơi xa là chuyện không tưởng trong cơn bão giá hiện nay. Giá gỗ đóng tàu đã tăng giá gấp đôi, gấp ba so với trước đây.

Theo ông Ngô Sỹ Kiến Trúc, việc chuyển đổi nghề cho những ngư dân lên bờ là vô cùng khó, họ chỉ có thể làm lao động phổ thông, công nhân, phụ thợ hồ với thu nhập bấp bênh.

Ông Trúc đề nghị nên có sự bao tiêu sản phẩm để đảm bảo đầu ra cho ngư dân, đồng thời tổ chức các mô hình đội tàu đánh bắt, trong đó ngư dân được ký hợp đồng, đảm bảo thu nhập ổn định để yên tâm bám biển, bám ngư trường.

Theo Thanh niên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!