Bao đời nay, ngư dân Quảng Ngãi vẫn kiên cường bám biển Hoàng Sa, dù phải chịu vô vàn khó khăn do thiên tai, nhân tai. Hơn bao giờ hết, họ rất cần được tiếp sức. Đây cũng là những cố gắng mà chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đang nỗ lực thực hiện, như những chia sẻ của ông Phan Huy Hoàng (ảnh), Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Ngãi.
Ngư dân đã chịu bao gian khó trong cuộc sống mưu sinh, giờ đây lại phải đối diện với sự quấy phá của Trung Quốc khi cho tàu bắn phá, cướp tài sản… Ông có chia sẻ gì về điều này?
Ngư dân Quảng Ngãi nói riêng và ngư dân cả nước nói chung khi tham gia khai thác thủy sản trên biển luôn phải đối diện rất nhiều khó khăn, bất lợi từ điều kiện thời tiết, bão gió, chi phí tăng cao… Nhưng điều gây ảnh hưởng nghiêm trọng nhất tới họ chính là sự quấy phá của tàu từ nước khác; cụ thể, phía Trung Quốc thời gian qua đã thực hiện nhiều hành động xâm phạm chủ quyền, bắt giữ ngư cụ, tịch thu sản phẩm của ngư dân.
Theo Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản Quảng Ngãi, từ đầu năm 2012 đến tháng 3/2013, có 25 trường hợp tàu cá của ngư dân bị nước ngoài bắt giam, đòi tiền chuộc, tịch thu tài sản, cản trở và bắn phá thân tàu; trong đó, có khoảng 20 trường hợp là do Trung Quốc. Và mới đây nhất, trong lúc hành nghề khai thác thủy sản ở vùng biển Hoàng Sa, ngày 20/3, tàu cá QNg 96382 của ông Bùi Văn Phải (xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn) bị tàu Trung Quốc rượt đuổi và nổ súng gây cháy ca bin, thiệt hại nặng nề.
Trước những hành động như vậy, liệu có làm ngư dân Việt Nam nhụt chí không, thưa ông?
Hầu như chuyến biển ra Hoàng Sa nào ngư dân Việt Nam cũng bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, quấy rối. Có tàu bị rượt đuổi đến 3 – 4 lần/chuyến biển. Tàu Trung Quốc ngày càng hung hăng, trong khi ngư dân mình không có dụng cụ bảo vệ nào trong tay, khiến họ càng ngang ngược. Trước vụ việc tàu ông Bùi Văn Phải bị bắn cháy, tập thể ngư dân đã rất bất bình và phản ứng dữ dội. Đây không phải lần đầu ngư dân Quảng Ngãi bị phía Trung Quốc gây khó khăn, tuy nhiên, các tàu cá ở Lý Sơn không sợ và vẫn sẽ kiên cường bám trụ làm ăn trên biển ở ngư trường truyền thống, phát triển kinh tế, giữ vững chủ quyền biển đảo.
Theo ông, phía Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam?
Những hành động của Trung Quốc như trấn áp, thậm chí bắn cháy tàu cá của ngư dân Lý Sơn đang đánh bắt hợp pháp ở vùng biển Hoàng Sa Việt Nam là vô nhân đạo, trái quy tắc ứng xử ở khu vực, luật pháp quốc tế và đi ngược đạo đức thông thường cũng như tình hữu nghị giữa hai nước. Ngư dân Việt Nam nhất định không khuất phục và sẽ vẫn tiếp tục vươn khơi bám biển Hoàng Sa, Trường Sa.
Thời gian gần đây, thay vì tịch thu tàu và bắt giam ngư dân để đòi tiền chuộc, phía Trung Quốc dùng tàu hải giám, tàu chiến và cả máy bay để xua đuổi, bắn ngư dân Việt Nam khi tàu Việt Nam hoạt động khai thác tại Hoàng Sa. Từ đầu năm 2013 đến nay, phía Trung Quốc còn sử dụng máy phá sóng khiến nhiều ngư dân khi đưa phương tiện ra hoạt động tại biển Hoàng Sa không thể dùng bộ đàm tầm xa có tích hợp định vị vệ tinh GPS để liên lạc về đất liền.
Hội Nghề cá cùng các ban ngành tỉnh Quảng Ngãi đã có hỗ trợ gì cho ngư dân, thưa ông?
Hội Nghề cá Quảng Ngãi đã kịp thời động viên, chia sẻ khó khăn của ngư dân và có công văn gửi Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam, đề nghị các ban ngành có biện pháp can thiệp, bảo vệ ngư dân hành nghề trên biển. Theo đó, mong muốn Chính phủ và các tổ chức, đoàn thể liên quan có cơ chế hỗ trợ kịp thời để người dân yên tâm sản xuất, khi những hành động của phía Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam ngày càng gia tăng. Đồng thời, cần nâng cao chất lượng đội ngũ Cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư; có chính sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu công suất lớn, tàu vỏ thép, nhằm tạo điều kiện khai thác thuận lợi, tạo niềm tin cho ngư dân khi ra biển.
Trong lần hỗ trợ này, đại diện Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi đã đến huyện đảo Lý Sơn động viên, đồng thời hỗ trợ chủ tàu Bùi Văn Phải 10 triệu đồng và 1 máy trực canh. UBND huyện Lý Sơn cũng hỗ trợ 500.000 đồng/người cho 9 ngư dân trên tàu…
UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đang xây dựng huyện đảo Lý Sơn trở thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá và trung tâm cứu nạn, cứu hộ trên biển… Cùng đó, việc ra đời các hợp tác xã nghề cá, nghiệp đoàn nghề cá, các tổ, đội sản xuất trên biển tại các địa phương ven biển đã tập hợp ngư dân và khơi dậy tinh thần đoàn kết khi hoạt động trên biển đã giúp ngư dân an tâm bám biển dài ngày.
Trân trọng cảm ơn ông!