Hiện nay, ngư dân tỉnh Thái Bình đang vào chính vụ thu hoạch cá lợn. Thế nhưng hàng trăm tàu thuyền vẫn không ra khơi. Lý do là có thu hoạch về cũng không tiêu thụ được nguyên liệu bởi nhà máy chế biến bột cá lớn nhất tại Thái Bình đã dừng sản xuất. Sự việc này đã kéo theo những hệ lụy rất lớn về kinh tế và xã hội, khi đã có hàng nghìn ngư dân phải treo thuyền trong khi mùa cá đang ở thời điểm thuận lợi nhất.
Nhà máy chế biến bột cá Thụy Hải vắng vẻ khác thường mặc dù đang vào giữa vụ sản xuất. Đã hơn một tháng nay, nhà máy tạm dừng sản xuất. Nguyên nhân là một nhóm người dân địa phương đã chở bê tông, đất đá đổ thành từng khối để chặn mọi hoạt động ra vào của nhà máy với lý do nhà máy gây ô nhiễm môi trường. Hơn một tháng đóng cửa đã gây ra nhiều thiệt hại kinh tế cho nhà máy.
Ông Nguyễn Trọng Liên, Phó Giám đốc Công ty chế biến thủy sản Thụy Hải – Thái Bình cho biết: “Sản xuất bột cá của chúng tôi mỗi năm diễn ra làm hai kỳ vào hai vụ cá, mỗi vụ là 3 tháng và hiện nay đang là vụ 2. Tất cả chi phí của chúng tôi đều phân bổ trong 2 thời kỳ này. Thế nhưng vụ 2 của chúng tôi đã trôi đi hơn một tháng rồi và nếu tình trạng này kéo dài thì chúng tôi không thể phân bổ vào hoạt động sản xuất kinh doanh và thứ 2 là hiện hơn 50 cán bộ công nhân viên không có việc làm”.
Nhà máy đóng cửa đã kéo theo nhiều hệ lụy khác. Giữa mùa thu hoạch cá, nhưng hơn 250 đôi tàu của tỉnh Thái Bình vẫn đang nằm bờ. Hơn 3.000 ngư dân cùng nhiều người khác làm dịch vụ phụ trợ đang không có việc làm. Bởi có ra khơi thì nguyên liệu thu về không tiêu thụ được. Còn bán cho tư thương thì giá thấp do bị ép giá.
Ông Nguyễn Văn Phượng, Ngư dân xã Diêm Điền, Thái Thụy, Thái Bình cho biết: “Như phương tiện tàu chúng tôi đi 2 hoặc 3 ngày về thì cũng phải được ít nhất 20 – 30 tấn cá. Trước kia nhà máy thu mua 4.000 đồng/kg thì chi phí bỏ một trăm còn được mấy chục còn bây bán ra ngoài có khi chỉ bán được 1600 đồng/kg”.
Cuối tháng 8 vừa qua, Sở Tài nguyên môi trường đã kiểm tra hiện trạng môi trường tại khu vực nhà máy chế biến bột cá Thụy Hải, nhưng Sở không hề yêu cầu đóng cửa nhà máy.
Mới đây, chính quyền huyện Thái Thụy cũng đã gửi mẫu của 3 nhà máy khác tại đi xét nghiệm để tìm xem khu vực này có ô nhiễm hay không, và nếu có thì do nhà máy nào. Kết luận cuối cùng chưa có, nhưng đã có ý kiến cho rằng: việc cổng ra vào của nhà máy chế biến bột cá Thụy Hải bị chặn lại còn do sự cạnh tranh về thu mua nguyên liệu giữa tư nhân và nhà máy này.
Ông Nguyễn Duy Cam, Phó Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy – Thái Bình cho biết: “Vấn đề phát sinh ở nhà máy bột cá Thụy Hải lúc đầu xuất phát từ vấn đề môi trường nhưng sau đó nó có nhiều diễn biến khác ngoài nguyên nhân trên. Cơ quan chức năng chúng tôi đang tiếp tục theo dõi để làm rõ”.
Nhà máy chế biến bột cá có gây ô nhiễm, và ô nhiễm đến mức độ nào thì phải đóng cửa. Chỉ các cơ quan chức năng của nhà nước mới trả lời được câu hỏi này. Còn trong thời gian chờ đợi câu trả lời, thì nhà máy vẫn buộc phải đóng cửa, và nhiều ngư dân tại Thái Bình vẫn phải nằm bờ dù mùa đánh bắt cá đang trong giai đoạn thuận lợi nhất.
Nguyễn Kiên
Theo Truyền Hình VN